Số điện thoại:0913081908
Email:openskyhk@gmail
logo

Thủ tướng Chính phủ phát lệnh khởi công tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

Sáng 17-6, bốn tỉnh Cần Thơ, An Giang, Hậu Giang và Sóc Trăng đã tổ chức khởi công dự án thành phần cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Đây là tuyến đường bộ cao tốc trục ngang đầu tiên đi qua trung tâm vùng ĐBSCL sẽ phát huy hiệu quả khai thác các tuyến trục dọc, tạo điều kiện thuận lợi để kết nối các trung tâm kinh tế trong khu vực…

Thủ tướng Chính phủ phát lệnh khởi công tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính, Phó Chủ tịch nước - Võ Thị Ánh Xuân dự lễ khởi công Dự án thành phần 1 tại điểm đầu tuyến Km0+314 (nút giao với tuyến tránh QL91), xã Vĩnh Tế, TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang (điểm cầu chính).

Dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 có tổng chiều dài khoảng 188km đi qua các tỉnh, thành phố An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng, điểm đầu là cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng và điểm cuối là thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang (cách Cửa khẩu Tịnh Biên khoảng 25km).

Quy mô theo quy hoạch là 6 làn xe, rộng 32,25m. Tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và các địa phương. Dự kiến hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành toàn bộ năm 2027.

Dự án được chia làm 4 dự án thành phần, giao cho Ủy ban Nhân dân 4 tỉnh, thành phố có tuyến đường đi qua làm cơ quan chủ quản đầu tư; được áp dụng các cơ chế đặc thù như khai thác mỏ vật liệu, chỉ định thầu… Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn làm nhà thầu chính.

Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính nêu rõ: Việc thực hiện đầu tư đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là bước cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng ĐBSCL.

Đây là tuyến đường bộ cao tốc trục ngang đầu tiên đi qua trung tâm vùng ĐBSCL sẽ phát huy hiệu quả khai thác các tuyến trục dọc, tạo điều kiện thuận lợi để kết nối các trung tâm kinh tế trong khu vực, các Cảng biển và cửa khẩu quốc tế. Đặc biệt là việc hình thành trục kết nối, giao thương và phát triển kinh tế - xã hội giữa Việt Nam với các nước tiểu vùng sông Mê Kông.

Thủ tướng nhấn mạnh: Chủ trương đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, đã được xác định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là “xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại; tập trung đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, quy mô lớn, nhất là về giao thông” để thực hiện mục tiêu “Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc”. Trong sáng mai (18-6), sẽ khởi công cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu, cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột và sắp tới là tuyến cao tốc An Hữu - Cao Lãnh. Do đó, việc hình thành các tuyến cao tốc sẽ đảm bảo tính đồng bộ kết nối giữa hệ thống các tuyến cao tốc với các vùng miền.

Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương sự cố gắng nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bộ Giao thông Vận tải, các Ban, Bộ, Ngành liên quan, các Ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn; đặc biệt là các tỉnh, thành phố đã phối hợp triển khai; biểu dương chính quyền và nhân dân 4 tỉnh, thành phố có dự án đi qua đã nỗ lực trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện dự án.

Thủ tướng đề nghị UBND 4 tỉnh, thành có dự án đi qua: Cần thơ, An Giang, Sóc Trăng, Hậu giang khẩn trương đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật để đáp ứng mặt bằng thi công. Trước mắt, bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp, đối với diện tích còn lại của toàn bộ dự án hoàn thành bàn giao trước ngày 31-12-2023.

Để công trình được hoàn thành đảm bảo an toàn, chất lượng, đáp ứng tiến độ và hiệu quả đầu tư, Thủ tướng đề nghị, Ủy ban nhân dân tỉnh các tỉnh, thành phố: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng tập trung quyết liệt chỉ đạo, yêu cầu Ban quản lý dự án, tư vấn giám sát và các nhà thầu phải phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, xây dựng kế hoạch, phương án thi công một cách khoa học, chi tiết, phù hợp, đảm bảo hiệu quả, chất lượng thi công và tổ chức giao thông an toàn, thông suốt, giữ gìn vệ sinh môi trường; đồng thời phải huy động nhân lực, thiết bị máy móc hiện đại để thi công; tuân thủ tuyệt đối những yêu cầu kỹ thuật, quy định của pháp luật liên quan, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí gây thất thoát tài sản nhà nước. Thực hiện đúng thẩm quyền, trách nhiệm của người quyết định đầu tư theo các quy định hiện hành trong tổ chức thực hiện dự án thành phần được phân cấp, bảo đảm chất lượng, tiến độ cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn Dự án năm 2027.

Tại sự kiện này, Tổng công ty Trường Sơn (Binh đoàn 12) đã tặng 45 nhà tình thương trị giá 2 tỷ 250 triệu cho bà con có hoàn cảnh cảnh khó khăn của 3 tỉnh An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng…

Trần Huy – Gia Gia

 

 

 

 

 

 

Bài viết liên quan