Số điện thoại:0913081908
Email:openskyhk@gmail
logo

Vùng Nam sông Hậu bàn liên kết nhưng chưa thống nhất mở cửa

Ngày 19-10, 7 địa phương ở Nam sông Hậu gồm Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang và An Giang họp trực tuyến “Liên kết, phối hợp trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội” nhưng kết quả vẫn hai hướng: Muốn mở cửa ngay và lo ngại tháo chốt.

Muốn mở cửa ngay

Địa phương có ý tưởng liên kết vùng Nam Sông Hậu sớm nhất là Sóc Trăng. Ngày 10-8-2021, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu đã gửi công văn cho 6 địa phương đề nghị “liên kết, phối hợp trong công tác phòng chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế”. Nhằm thống nhất hành động để đạt mục tiêu chung và UBND tỉnh Sóc Trăng đề xuất, “Lĩnh vực liên kết: Công tác phòng chống dịch COVID-19, tiêu thụ nông sản, lưu thông hàng hóa và một số lĩnh vực cần thiết khác. Cách thức làm việc: Tổ chức hội nghị trực tuyến giữa lãnh đạo UBND, cơ quan chức năng các tỉnh để trao đổi, thống nhất phương thức, nội dung và tổ chức thực hiện liên kết (đề xuất Lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ chủ trì hội nghị)”.

Có mặt tại cuộc họp trực tuyến, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho rằng, công tác phòng chống dịch bệnh thời gian qua mỗi địa phương làm mỗi cách, không hỗ trợ nhau; thậm chí là các quy định, chủ trương của từng tỉnh cũng chưa đồng bộ. “Bảy tỉnh, thành chúng ta nếu thống nhất một khối; đề ra giải pháp, chính sách đồng bộ để thực hiện cho cả khu vực thì công tác phòng chống dịch và phát triển kinh tế chắc chắn có kết quả cao hơn”, ông Lâu nói.

Cùng quan điểm, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành đánh giá, đến thời điểm này, các địa phương đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh và đang từng bước khôi phục sản xuất. Trong khi Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128, tức là có cơ sở để trong vùng thống nhất mở cửa, thực hiện thích ứng an toàn linh hoạt. Ông nói: “Sau khi có Nghị quyết 128, Bộ Y tế và Bộ GT&VT cũng đã có hướng dẫn tạm thời với nhiều nội dung cụ thể. Chúng ta phải bàn việc phối hợp cụ thể để cùng nhau thích ứng an toàn, linh hoạt, chứ không phải ngồi đặt ra những câu hỏi khó. Nhất là trước khi ban hành Nghị quyết 128, Chính phủ đã lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương và tại cuộc họp gần nhất Thủ tướng cũng tiếp tục lấy ý kiến để có sự thống nhất cao. Nên các địa phương chúng ta cần bỏ sự cục bộ, không đưa ra những quy định riêng để làm khó lẫn nhau, làm khó cho tình hình chung”.

Điểm đầu cầu UBND thành phố Cần Thơ

Lo ngại tháo chốt

Chủ tịch một số tỉnh cũng muốn mở cửa để phát triển kinh tế nhưng lại chưa muốn tháo chốt kiểm soát liên tỉnh vì lo sợ dịch bệnh bùng phát. Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đồng ý là Nghị quyết 128 ban hành thì các chốt liên tỉnh phải dỡ bỏ nhưng lại lo ngại nếu không kiểm soát được dịch bệnh, để lây lan trong cộng đồng thì các nội dung liên kết sẽ không thể thực hiện. “Chúng ta đã biết, khi dịch bệnh lây lan thì từ tỉnh, huyện đến xã nếu phát sinh ổ dịch là hết sức phức tạp. Nên ưu tiên hàng đầu phải cho công tác phòng chống dịch, kiểm soát làm sạch địa bàn 7 địa phương Nam sông Hậu. Quan điểm của tỉnh Bạc Liệu là vẫn giữ nguyên chốt chặn liên tỉnh, chưa thể dỡ bỏ lúc này. Kể cả xe luồng xanh, vận tải khách đi từ các địa phương vùng dịch về là rất phức tạp, khó kiểm soát dịch bệnh. Nhất là xe từ TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai về có nguy cơ mang theo dịch bệnh rất cao, nếu dỡ chốt hết là không thể được. Tuy nhiên, cần áp dụng công nghệ thông tin hiệu quả để trách gây ách tắc giao thông và chuỗi cung ứng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội”, ông Thiều nói

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh thừa nhận, khu vực Nam sông Hậu đang đối mặt thách thức chưa từng có do giãn cách kéo dài. Tổng cầu nền kinh tế suy giảm; sản xuất, giao thông đình trệ; chuỗi cung ứng đứt gãy; chi phí sản xuất tăng. Như với các doanh nghiệp chế biến chỉ 30% còn hoạt động 3 tại chỗ nhưng khó khăn vì chi phí tăng; lao động chỉ còn 30-50%, công suất chỉ đạt 40-50% so với trước đây. “Tình hình sản xuất rất khó khăn nhưng công tác phòng chống dịch cũng khó khăn không kém vì lây lan nhanh, không theo địa giới hành chính. Cho nên, công tác phòng chống dịch cũng cần tiếp cận tổng thể, phối hợp đồng bộ để đạt hiệu quả. Với thực tiễn như vậy, các địa phương phải đồng bộ cùng nhau mở cửa mới phục hồi kinh tế”, ông Thanh nói.

Điểm đầu cầu UBND tỉnh Sóc Trăng

Kết luận chung

Cuộc họp trực tuyến do UBND thành phố Cần Thơ chủ trì. Kết thúc hội nghị, Chủ tịch UBND thành phồ Cần Thơ Trần Việt Trường “trân trọng ghi nhận ý kiến quý báu của các đồng chí, quý vị đại biểu để tiếp tục hoàn thiện và ký kết Chương trình liên kết, phối hợp”.

Điểm đầu cầu UBND tỉnh Kiên Giang

Chủ tịch Trường đề nghị một số nội dung chung trước mắt về y tế, giao thông vận tải, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ du lịch, lao động việc làm, truyền thông và cả nêu gương người tốt việc tốt. Phương thức phối hợp là “Để việc hợp tác này đi vào thực chất, thành lập tổ giúp việc gồm VPUBND các tỉnh và các Sở có liên quan, để tham mưu cho Thường trực UBND các tỉnh. Định kỳ hàng quý họp sơ kết đánh giá rút kinh nghiệm, thành lập group zalo đề giải quyết câu chuyện giữa 7 tỉnh. Luân phiên chủ trì phiên họp sơ kết trực tuyến. Lần tới, đề xuất UBND tỉnh Sóc Trăng sẽ đăng cai chủ trì”.

Về lâu dài: “Trên cơ sở vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, 7 địa phương sẽ đánh giá kết quả phối hợp, điều chỉnh kịp thời. Đồng thời, nghiên cứu liên kết với các địa phương còn lại của vùng ĐBSCL, TPHCM và vùng Đông Nam Bộ. Tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Bộ ngành Trung ương các vấn đề phát sinh, vướng mắc trong việc thực hiện các hướng dẫn tạm thời của các Bộ”.

Trần Huy – Duy Tương/Opensky

Bài viết liên quan