Số điện thoại:0913081908
Email:openskyhk@gmail
logo

Triển khai chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2031, tầm nhìn 2050

Ngày 29-10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì Hội nghị trực tuyến với các đầu cầu là UBND các tỉnh, thành cả nước nhằm  Triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01-10-2021.

Xây dựng trên quan điểm tăng trưởng xanh là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức liên quan, Chiến lươc tăng trưởng xanh (TTX) là một phương thức quan trọng để thực hiện phát triển bền vững, đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải khí nhà kính để hướng tới nền kinh tế trung hòa carbon trong dài hạn, góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Chiến lược nêu các mục tiêu: Đến năm 2030: Cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 15%, và đến năm 2050 giảm ít nhất 30% so với năm 2014. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Điểm cầu tại UBND TP Cần Thơ

Đến năm 2030: Tiêu hao năng lượng sơ cấp trên GDP bình quân giai đoạn 2021-2030 giảm từ 1,0 – 1,5%/năm; tỷ trọng năng lượng tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp đạt 15 – 20%; kinh tế số đạt 30% GDP; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%; ít nhất 30% tổng diện tích cây trồng cạn có tưới được áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

Xây dựng lối sống xanh kết hợp với nếp sống đẹp truyền thống để tạo nên đời sống chất lượng cao. Thực hiện đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững. Theo đó, đến năm 2030: Ít nhất 10 đô thị phê duyệt và thực hiện Đề án tổng thể về phát triển đô thị TTX theo hướng đô thị thông minh bền vững. Tương ứng, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đảm bảo quy chuẩn theo quy định đạt 95%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp so với lượng chất thải được thu gom chiếm 10%. Tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo quy chuẩn theo qui định đạt trên 50% đối với đô thị loại II trở lên và 20% đối với các loại đô thị còn lại. Tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại I lần lượt đạt ít nhất 20% và 5%, đến năm 2050, tỷ lệ này đạt ít nhất 40% và 15%. Tỷ lệ xe buýt sử dụng năng lượng sạch tại các đô thị đặc biệt đạt ít nhất 15% so với tổng số xe buýt đang hoạt động, tại đô thị loại I đạt 10% số lượng xe buýt mới. Đến năm 2050, tỷ lệ xe buýt sử dụng năng lượng sạch tại các đô thị đặc biệt và đô thị loại I đạt 100% và ít nhất 40% số lượng xe buýt đầu tư mới.

Đầu cầu trung tâm tại Bộ Khoa học – Công nghệ (chụp qua màn hình)

Đại sứ Đức Guido Hildner phát biểu (chụp qua màn hình)

Đặc biệt, đến năm 2050, tỷ lệ chất thải rắn được xử lý đạt quy chuẩn quốc gia đạt 100%, hạn chế tối đa việc chôn lấp chất thải rắn hữu cơ và chất thải có thể tái chế. 100% đô thị được xây dựng đồng bộ và hoàn thiện hệ thống thoát nước, xóa bỏ tình trạng ngập úng tại các đô thị, 100% nước thải được đảm bảo xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra nguồn tiếp nhận. Ít nhất 45 đô thị phê duyệt và thực hiện Đề án tổng thể về phát triển đô thị TTX.

Nâng cao chất lượng cuộc sống và khả năng chống chịu của người dân với biến đổi khí hậu. Đến năm 2030, phấn đấu chỉ số phát triển con người (HDI) đạt trên 0,75. 100% tỉnh, thành phố xây dựng và triển khai Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh. Ít nhất 70% dân số sử dụng nước sạch đạt chuẩn quy định của Bộ Y tế. Đến năm 2050, các tỷ lệ này là: HDI đạt trên 0,8% và 90% người dân sử dụng nước sạch.

Đoàn thanh niên Cần Thơ ra quân xử lý rác thải

Để đạt mục tiêu và định hướng phát triển trên, các bộ, ngành, cơ quan ngang bộ theo nhiệm vụ được phân công, tiến hành xây dựng giải pháp cụ thể nhằm thực hiện Chiến lược, đồng thời chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan liên quan triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó Bộ Tài chính xây dựng, hoàn thiện công cụ chính sách tài chính ưu đãi; các chương trình, giải pháp thúc đẩy thị trường vốn, bảo hiểm xanh. Bộ Y tế xây dựng hệ thống quản lý, giám sát các hoạt động phân loại, tiêu hủy và xử lý chất thải y tế đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. Xây dựng và triển khai các mô hình ứng dụng công nghệ xanh, sử dụng năng lượng sạch trong xử lý chất thải y tế. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu giám sát, dự báo, cảnh báo sớm các tác động của biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí đến sức khỏe. Bộ Giáo dục – Đào tạo xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo, tích hợp nội dung TTX vào hoạt động GD ở các cấp học. Nâng cao nhận thức của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GD về vai trò, ý nghĩa và định hướng hoạt động thực hiện TTX.

Bộ Giao thông vận tải xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển kết cấu hạ tầng giao thông xanh, phát triển hệ thống công cộng và cải thiện năng suất vận tải hàng hóa trong các tiểu ngành giao thông vận tải. Xây dựng và tổ chức thực hiện các giải pháp để khuyến khích các loại phương tiện sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm và công nghệ thân thiện môi trường; thúc đẩy tái cơ cấu thị phần vận tải theo hướng chuyển đổi vận tải hàng hóa bằng đường bộ sang đường thủy nội địa, đường biển và đường sắt. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ số nhằm tối ưu hóa công tác quản lý, vận hành kết cấu hạ tầng giao thông và hoạt động vận tải; đảm bảo giao thông an toàn.

Hội nghị đã nghe báo cáo kinh nghiệm và định hướng thực hiện TTX của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, TP. Hải Phòng và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, trong đó lãnh đạo TP. Hải Phòng khẳng định: Để tăng trưởng xanh, thời gian qua Hải Phòng cương quyết từ chối các dự án gây ảnh hưởng đến môi trường, dù hiệu quả kinh tế cao tới đâu.

Phát biểu tại hội nghị, các vị Đại sứ tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển, đánh giá cao Chiến lược, đã thể hiện sâu sắc sự chung tay, cam kết của Chính quyền Việt Nam đối với cuộc sống an toàn, chống biến đổi khí hậu. Đại sứ Đức Guido Hildner bày tỏ: “Tôi rất đồng ý chủ trương về các nguồn kinh phí thực hiện Chiến lược, ngoài nguồn vốn công, Việt Nam sẽ tăng cường huy động nguồn tài chính từ các định chế tài chính, các quỹ, các nhà đầu tư tư nhân quốc tế, các nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ phát triển (ODA). Đặc biệt là khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân, tạo điều kiện thuận lợi cho các hình thức hợp tác giữa nhà nước và tư nhân, giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong các dự án xanh và các dự án áp dụng công nghệ, giải pháp chuyển đổi xanh. Tôi đề nghị cần tăng cường tính minh bạch trong công tác quản lý khi thực hiện. Cơ chế chính sách cần linh hoạt để giúp mở rộng tiềm năng đầu tư của khu vực tư nhân”.

Phượng Nguyên - Đan Phượng/Opensky

Bài viết liên quan