Số điện thoại:0913081908
Email:openskyhk@gmail
logo

Tập trung "gỡ thẻ vàng" 28 địa phương

Để đạt mục tiêu gỡ thẻ vàng IUU vào cuối năm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bên liên quan tích cực hơn nữa, trên cơ sở phối hợp đồng bộ với 28 địa phương ven biển. Theo đó, Bộ NN&PTNT (Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về IUU) đã gửi công văn 5 nội dung đề nghị Chủ tịch UBND 28 địa phương thực hiện.

Ở điểm nóng Kiên Giang

Tỉnh Kiên Giang có đội tàu cá lớn nhất nước ta với 9.888 tàu dài từ 6 m trở lên, trong đó 3.985 tàu dài từ 15 m trở lên. Báo cáo của Sở NN&PTNT, đến nay đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình được 99,15% số tàu dài từ 15m trở lên, diện phải lắp đặt.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, do đại dịch, khoảng 40% tàu cá dài từ 15 m trở lên phải nằm bờ nên số tàu khai thác hải sản cập cảng giảm hơn 50%. Giá hải sản giảm 20- 40%, một số ít mặt hàng giảm 50%. Hệ thống hạ tầng cảng cá nhiều hạn chế, chỉ có 2 cảng cá (Tắc Cậu và An Thới) đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc hải sản khai thác; còn 3 cảng cá chưa đủ điều kiện (Xẻo Nhàu, Thổ Châu và Nam Du).

Tàu cá Kiên Giang bị Bộ đội Biên phòng phát hiện đánh cá vi phạm vùng biển Malaysia

Kiên Giang còn có hơn 2.300 tàu không đăng ký, đăng kiểm; là lực lượng chính gây ra tình trạng khai thác hải sản ven bờ mang tính hủy diệt. Vừa khai thác không đăng ký, đăng kiểm, không giấy phép, sai vùng, sai nghề vừa sử dụng chất nổ, xung điện. UBND tỉnh Kiên Giang đã thành lập Ban Chỉ đạo quản lý các hoạt động khai thác hải sản tại vùng biển ven bờ và triển khai phối hợp thanh tra, kiểm tra chung tại vùng biển ven bờ, ven đảo, tuy nhiên kết quả còn hạn chế.

Thực trạng trên dẫn đến hoạt động tàu cá trên biển phức tạp, công tác chống khai thác IUU chưa đạt yêu cầu. Số liệu của Ban Chỉ đạo tỉnh Kiên Giang về IUU, từ đầu năm đến ngày 15-9-2021, phát hiện 42 tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, tăng 13,5% so cùng kỳ năm 2020. Lực lượng chức năng tỉnh Kiên Giang đã tịch thu 6 tàu cá, xử phạt hành chính 5 chủ tàu hơn 4,8 tỷ đồng.

Cảnh sát Biển 4 truy bắt tàu đánh cá Kiên Giang sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trọng Thao cho rằng, để chống khai thác IUU đạt kết quả phải giải quyết được hai vấn đề mấu chốt. Thứ nhất, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để kiểm soát 100% tàu cá hoạt động trên biển. Thứ hai, giảm số tàu khai thác để khôi phục nguồn lợi hải sản, chú trọng chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân.

Tại cuộc họp bàn giải pháp chống khai thác IUU giữa tháng 10-2021, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành nêu một số nhiệm vụ trọng tâm trước mắt yêu cầu cấp dưới thực hiện. Bên cạnh việc kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm trong khai thác, nhất là vi phạm vùng biển nước ngoài còn thành lập Tổ nghiên cứu xây dựng Đề án khôi phục ngành khai thác thủy sản do Phó chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng. Nội dung gồm đánh giá thực trạng, xác định giải pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi hải sản, cải cách hành chính để quản lý khai thác tốt hơn, thời gian hoàn thành cuối năm 2021. Đồng thời, Sở NN&PTNT cùng Hội Thủy sản tỉnh tập trung xây dựng Đề án sắp xếp nghề cá để tích hợp vào Đề án khôi phục ngành khai thác thủy sản của tỉnh.

Năm nội dung với 28 địa phương

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EU, Bộ NN&PTNT (Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về IUU) vừa có công văn nêu 5 nội dung đề nghị Chủ tịch UBND 28 địa phương ven biển tập trung triển khai trong những tháng cuối năm 2021.

Một là, tiến hành xây dựng, rà soát, sửa đổi, bổ sung Kế hoạch thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU phù hợp với tình hình, kết quả chống khai thác IUU của địa phương hiện nay. Mục tiêu đến cuối năm 2021 phải ngăn chặn, chấm dứt được tàu cá, ngư dân địa phương vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.

Hai là, gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU; nhất là ở cấp xã/phường/thị trấn trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ pháp luật. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần, trách nhiệm để xảy ra sai phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ, công việc được giao về chống khai thác IUU.

Ba là, tiếp tục ưu tiên đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá và đảm bảo bố trí đủ nguồn nhân lực, trang thiết bị phục vụ cho các cơ quan quản lý thủy sản, các lực lượng chức năng có liên quan tại địa phương để triển khai thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU. Thực hiện đúng quy định về kiểm soát tàu cá ra vào cảng, kiểm soát sản lượng qua cảng, thực hiện công tác xác nhận, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác.

Trong đó, khẩn trương hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, đánh dấu tàu cá, cấp Giấy phép khai thác thủy sản. Xử lý dứt điểm các hành vi khai thác IUU (đặc biệt là hành vi đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài).

Bốn là, có chính sách hỗ trợ tàu cá, ngư dân phải dừng hoạt động khai thác do dịch bệnh COVID-19; xác định lao động nghề cá là đối tượng được ưu tiên tiêm vacxin phòng COVID-19 để ngư dân yên tâm duy trì hoạt động khai thác.

Năm là, định kỳ ngày 20 hàng tháng hoặc đột xuất báo cáo kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo thẻ vàng gửi về Bộ NN&PTNT qua Tổng cục Thủy sản.

Trần Tuấn - Duy Tương/Opensky

Bài viết liên quan