Số điện thoại:0913081908
Email:openskyhk@gmail
logo

Kiến nghị bỏ khung giá trần vé máy bay nội địa

Tính đến nay, Việt Nam đã mở cửa giao thương từ tháng 3/2022, nhưng hiện các chỉ số phục hồi chưa được như kỳ vọng. Các hãng hàng không liên tục báo lỗ, mặc dù doanh thu vẫn tốt chút nào.

Ghi nhận trong năm 2022, các hãng hàng không Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Vasco, VietJet Air, Bamboo Airways và Vietravel Airlines đã khai thác 312.841 chuyến bay. Lấy ví dụ là Vietnam Airlines với 100 chiếc máy bay đã bay 115.987 chuyến. Hãng hàng không này đạt doanh thu hợp nhất gần 71.000 tỷ đồng, trong đó thu từ hoạt động vận tải hơn 51.460 tỷ đồng. Doanh thu này cao gấp đôi hai năm 2020 và 2021 gộp lại.

Hàng không nội địa phục hồi nhanh đem lại tổng doanh thu và thu nhập khác của Vietnam Airlines năm 2022 tăng 150%, tương đương 30.258 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quý IV-2022 hãng này tiếp tục báo lỗ từ công ty mẹ, hãng bay Pacific Airlines và công ty dịch vụ mặt đất so cùng kỳ năm 2021. Các hãng hàng không quốc gia lý giải do các chi phí liên quan đến bán hàng, chi phí tài chính gia tăng, theo đó lỗ công ty mẹ tăng hơn 346 tỷ đồng. Tính chung, hãng hàng không này lỗ hơn 8.634 tỷ đồng trong năm 2022.

Theo TS. Bùi Doãn Nề - Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam cho biết: “Thị trường hàng không Việt Nam đang trên đà phục hồi nhưng có sự không đồng đều giữa các phân khúc. Đến nay, các hãng hàng không trong nước đã khẳng định được năng lực vận chuyển của mình với sự tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, khi thị trường nội địa phục hồi thì thị trường quốc tế lại chưa được như mong muốn giống thời điểm trước dịch Covid-19.

Cùng với đó là những rào cản trong quy định pháp luật đã khiến các doanh nghiệp hàng không chưa thể linh hoạt điều chỉnh, cân đối các chi phí. Dẫn tới hiệu quả kinh doanh ngay trong mùa cao điểm vẫn chưa được như kỳ vọng. Trước tình trạng trên, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam kiến nghị đến cơ quan chức năng nhiều giải pháp, trong đó kiến nghị sớm xem xét điều chỉnh và bỏ khung giá trần đối với vé máy bay nội địa. Bởi đây là cơ chế đã không còn phù hợp so với thông lệ quốc tế”.

Theo khung giá vé máy bay đang được áp dụng, giá vé máy bay tối đa cho nhóm đường bay phát triển kinh tế - xã hội dưới 500km sẽ là 1,6 triệu đồng/lượt, nhóm đường bay khác dưới 500km là 1,7 triệu đồng/lượt; từ 500-800km, mức giá vé tối đa là 2,2 triệu đồng/lượt; từ 850km - dưới 1.000km có giá 2,79 triệu đồng; từ 1.000 - 1.280km giá 3,2 triệu đồng; từ 1.280km trở lên giá 3,75 triệu đồng/vé/chiều. Đây là mức giá thu thuộc về hãng hàng không, còn về phía khách hàng sẽ phải thanh toán thêm thuế VAT áp dụng trên doanh thu thuộc về hãng hàng không cộng thêm mức thuế, phí sân bay (từ 80.000 – 120.000 đồng tùy theo các cấp sân bay).

Lâu nay, giá trần vé máy bay bên cạnh mục đích giám sát, điều tiết để bảo vệ người tiêu dùng thì ở một góc độ khác nhiều ý kiến đã coi đây như "vòng kim cô" đè nặng lên vai các hãng bay. Vì thế, trong bối cảnh các hãng hàng không thua lỗ liên miên như hiện tại, nhiều người đã đề xuất ý kiến Nhà nước nên bỏ quy định giá trần vé máy bay nội địa.

Theo đánh giá của các chuyên gia hàng không, việc bỏ quy định giá trần sẽ là bước ngoặt căn bản, cần thiết để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh bằng tiêu chuẩn an toàn và chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng và theo đúng hướng kinh tế thị trường. Khi bỏ quy định giá trần, ngoài việc cung cấp chất lượng dịch vụ tương xứng và phù hợp định hướng phát triển, các hãng hàng không sẽ được chủ động cân nhắc mức giá sao cho thị trường chấp nhận.

“Trong ngắn hạn cũng như trước mắt, đối với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hàng không trong thời điểm dịch Covid-19; chúng tôi kiến nghị tiếp tục kéo dài đến hết năm 2023, để doanh nghiệp có thêm điều kiện cũng như thời gian phục hồi. Về vĩ mô và lâu dài, việc  bỏ giá trần hay nâng giá trần giúp các hãng hàng không có điều kiện nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ đến khách hàng”, TS. Bùi Doãn Nề cho biết thêm.

Trần Tuấn – Gia Gia

Bài viết liên quan