Số điện thoại:0913081908
Email:openskyhk@gmail
logo

Cần Thơ với Nghị quyết số 21 –NQ/TW của Bộ Chính trị

Ngày 4-11, Thành ủy Cần Thơ tổ chức Hội nghị tổng kết Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 20-01-2003 của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).  

Thời kỳ 2001 – 2010; Kết luận số 28-KL/TW ngày 14-8-2012 của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2011 – 2020 (thành phố Cần Thơ).

Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX và Kết luận số 28-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI xác định thành phố Cần Thơ có vai trò quan trọng, với trọng trách “là một cực phát triển, đóng vai trò động lực thúc đẩy sự phát triển của toàn vùng”.

Ông Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, chỉ đạo tại Hội nghị

Theo Thành ủy Cần Thơ: Giai đoạn 2003 – 2020, quy mô nền kinh tế của TP Cần Thơ tiếp tục mở rộng, đóng góp bước đầu vào sự phát triển chung của ĐBSCL và cả nước. Đến năm 2020, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn đạt hơn 89.200 tỷ đồng, gấp 2,9 lần so năm 2010 và gần 10 lần so năm 2003, chiếm 1,42% GDP cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn giai đoạn 2003 - 2005 tăng bình quân 14,53%/năm, 2006 - 2010 tăng bình quân 15,14%/năm; GRDP giai đoạn 2011 - 2020 tăng bình quân 5,83%, trong đó tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011 - 2015 tăng bình quân 5,94% và giai đoạn 2016 - 2020 tăng bình quân 4,90% (giai đoạn 2016 – 2019 tăng bình quân 6,93%, riêng năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tăng trưởng chậm lại so các năm trước (-2,73%).

Nếu thu nhập bình quân đầu người tại Cần Thơ năm 2002 đạt 4,8 triệu đồng thì năm 2020 đã tăng lên 60,37 triệu đồng (tăng 12,58 lần), xếp thứ 8 trong 10 tỉnh, thành có mức thu nhập cao cả nước, cao hơn vùng ĐBSCL hơn 20%, và gần 10% so với cả nước. Tổng sản phẩm bình quân đầu người của TP tăng từ 8,3 triệu đồng năm 2003 lên 25,84 triệu đồng/người năm 2010 và đạt 71,93 triệu đồng/người/năm 2020, gấp hơn 10 lần so với năm 2002, cao hơn mức bình quân cả nước (64,5 triệu đồng/người/năm).

Xuất khẩu thủy sản – là một trong những thế mạnh của công nghiệp Cần Thơ

Thành ủy Cần Thơ nhận định: TP đã đảm đương được vai trò trung tâm vùng ĐBSCL, là đầu mối và chi phối về thương mại, du lịch, khoa học công nghệ, y tế, đào tạo, giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế; là cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL, có nhiều đóng góp cho tăng trưởng và quy mô kinh tế của vùng. Và là địa bàn trọng điểm giữ vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh của vùng và cả nước.

Quy mô nền kinh tế của Cần Thơ tăng gấp nhiều lần so với các giai đoạn trước (đến năm 2020 gấp hơn 11 lần năm 2002; giai đoạn 2016 - 2020 gấp 1,6 lần so giai đoạn 2011 - 2015). Thành phố chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp tăng đáng kể, khu vực nông nghiệp - thủy sản giảm tương ứng trong cơ cấu GRDP qua từng giai đoạn, nhưng giá trị tuyệt đối vẫn tăng ổn định, đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng chung, ổn định đời sống, an ninh chính trị vùng nông thôn. Mức sống người dân được cải thiện, tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người (GRDP/người) gấp hơn 10 lần so với năm 2002, cao hơn mức bình quân toàn quốc (cả nước 64,5 triệu đồng/người/năm).

Hội nghị

Năng lực cạnh tranh của thành phố và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố được cải thiện, nhiều mặt có khả năng hội nhập kinh tế quốc gia và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, chuỗi sản xuất trong nước. Hợp tác, liên kết kinh tế trong và ngoài nước được tăng cường … Đặc biệt, Cần Thơ thực hiện tốt chính sách xã hội, giảm nghèo và cải thiện đời sống nhân dân. Đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố chỉ còn 0,29% (so với mức bình quân chung của ĐBSCL giảm 1,54%, so cả nước giảm 2,46%), tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế vào năm 2020 đạt theo lộ trình 90%. Chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là khu vực có đông đồng bảo dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện và nâng cao. Công tác cải cách hành chính của TP có nhiều tiến bộ, việc giải quyết thủ tục hành chính theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 được nâng lên.

Trong hướng phát triển tới, Cần Thơ phấn đấu trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại, đô thị hạt nhân, động lực thúc đẩy sự phát triển của toàn vùng và là trung tâm khởi nghiệp - đổi mới - sáng tạo của vùng vào năm 2030. Thành phố sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển theo chiều sâu trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ mới, tiên tiến, tăng năng suất, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, có khả năng cạnh tranh, hội nhập sâu rộng với nền kinh tế khu vực và toàn cầu. Đồng thời, thúc đẩy năng lực sáng tạo và ứng dụng công nghệ 4.0 xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh; là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế; giữ vững vai trò địa bàn chiến lược về quốc phòng, an ninh của vùng ĐBSCL và cả nước.

Đến năm 2045, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) thời kỳ 2020 – 2025 của Cẩn Thơ sẽ tăng bình quân 7,5 - 8% và 2025 – 2030 tăng bình quân 8 - 8,5%/năm, nâng tỷ trọng đóng góp vào GRDP cả nước đạt khoảng 2% vào năm 2020. Về cơ cấu kinh tế, đến năm 2025, lĩnh vực nông, lâm nghiệp – thủy sản chiếm 6%, công nghiệp – xây dựng 35% và dịch vụ chiếm 60%. Đến năm 2030, lĩnh vực dịch vụ sẽ chiếm 61%, công nghiệp – xây dựng là 34% còn nông, lâm nghiệp – thủy sản tiếp tục giảm, chỉ còn 4%. Tổng thu ngân sách nhà nước theo dự toán giao (thu nội địa và thu thuế Hải quan) tăng bình quân 7,25 %/năm cho giai đoạn 2020 – 2030, trong đó đến năm 2025 tổng thu ngân sách dự kiến đạt 16.030 tỷ đồng và năm 2030 dự kiến đạt 22.793 tỷ đồng.

Ông Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, và ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực – Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ, trao Bằng khen của Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho các cá nhân

Một chỉ tiêu quan trọng được Cần Thơ đặt ra trong giai đoạn này là tổng sản phẩm công nghệ cao so với tổng giá trị sản phẩm đạt mức 35 - 40% cho giai đoạn 2020 - 2025 và khoảng 45 - 50% cho giai đoạn 2025 - 2030..

Đặc biệt, trong 10 năm tới, Cần Thơ sẽ hình thành hệ thống đường bộ cao tốc kết nối từ Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau và từ Cần Thơ đến các tỉnh trong vùng, từ Cần Thơ đến biên giới Campuchia qua Châu Đốc. Mở mới các tuyến nội địa, tuyến quốc tế để khai thác hiệu quả Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ. Hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của Cần Thơ đảm bảo cho một đô thị sinh thái sông nước văn minh, hiện đại, đặc trưng của vùng hạ lưu sông Mê kông.

Trong phát biểu chỉ đạo, ông Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, đề nghị Đảng bộ thành phố tiếp thu, hoàn thiện báo cáo tổng kết Nghị quyết 21 tại thành phố Cần Thơ; trong đó, tập trung tham mưu kiến nghị Trung ương Đảng, Bộ Chính trị những định hướng, giai pháp để ban hành nghị quyết mới, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của ĐBSCL, trong đó có Cần Thơ, để phát triển trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050: “Khẩn trương tổ chức triển khai Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị, Nghị quyết ban hành Chương trình hành động của Chính phủ. Đặc biệt là tham mưu Chính phủ, bộ, ngành Trung ương hoàn thành dự thảo Nghị quyết của Chính phủ trình Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố Cần Thơ. Xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo phương pháp tích hợp, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của thành phố cho phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long. Phối hợp các bộ, ngành Trung ương và các địa phương triển khai hiệu quả Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Đảng bộ thành phố đặc biệt quan tâm thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19, cùng với đó là thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân, người lao động, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh khôi phục sản xuất kinh doanh, vượt qua những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra. Chuẩn bị các điều kiện, nhanh chóng tiêm vaccine phòng Covid-19 cho học sinh từ 18 tuổi trở xuống, để các em nhanh chóng trở lại trường học” – Người đứng đầu Thành ủy Cần Thơ nhấn mạnh.

Dịp này, có 25 cá nhân và 15 tập thể nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX và Kết luận số 28-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI.

Trần Huy - Đan Phượng/Opensky

Bài viết liên quan