Lễ ký kết Chương trình hành động 2021 là một bước cụ thể hóa kế hoạch phối hợp và đẩy nhanh quá trình thực hiện những cam kết đã được nêu rõ trong Ý định thư về việc xây dựng Nền tảng Kinh doanh bền vững giữa Hà Lan và Việt Nam tại khu vực ĐBSCL (gọi tắt là Nền tảng kinh doanh) trước đó vào tháng 01 năm nay.
Lễ ký kết trực tuyến Chương trình hành động 2021 của Nền tảng Kinh doanh bền vững Hà Lan – Việt Nam tại ĐBSCL
ĐBSCL chiếm 12% diện tích cả nước và đây là vùng sản xuất và xuất khẩu lúa gạo, thủy sản, trái cây đứng đầu cả nước. Tuy nhiên, với sự tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan khiến sản xuất nông nghiệp luôn bị ảnh hưởng. Để phát triển nông nghiệp ĐBSCL thích ứng với những thay đổi về điều kiện tự nhiên và thị trường thì cần tập trung xử lý các yếu tố nội tại, cùng với tài nguyên, con người, tiến bộ khoa học công nghệ... biến nguy cơ thành thời cơ và biến bất lợi thành lợi thế...Trong Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ đã đặt ra mục tiêu chính là rà soát, sửa đổi các chiến lược và định hướng nền nông nghiệp hiện có cho toàn bộ vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm nâng cấp các chuỗi giá trị sản phẩm hiện có, phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững và có sức cạnh tranh cao.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Hà Lan là đối tác chiến lược với Việt Nam trong phát triển nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực từ năm 2014 (SPA Nông nghiệp). Trong quan hệ kinh tế, đây là đối tác lớn thứ hai của Việt Nam tại EU và và cũng là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của EU tại Việt Nam. Hà Lan cũng ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam trong suốt quá trình đàm phán và thông qua Hiệp định EVFTA, tạo ra một cơ hội phát triển mới giữa Việt Nam và EU, trong đó có Hà Lan. Ngoài ra, 2 bên cũng là đối tác chiến lược trong lĩnh vực Nước và Thích ứng với Biến đổi Khí hậu thể hiện tham vọng của hai nước cùng hợp tác trao đổi kiến thức và nâng cao năng lực trong các lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu, kiểm soát lũ lụt, thực phẩm và hệ sinh thái, cấp nước, xử lý nước thải và quản lý nước từ năm 2010.
Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ cảm ơn phía Hà Lan đã ủng hộ và hỗ trợ cho ĐBSCL
Với mối quan hệ tốt đẹp này, để phát huy các tiềm năng hợp tác sẵn có và nâng cao vị thế thương mại giữa hai quốc gia, tận dụng tối đa lợi thế Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU, Bộ Nông nghiệp, Thiên nhiên và Chất lượng thực phẩm của Vương quốc Hà Lan cùng các bên có liên quan sáng kiến thành lập “Nền tảng Kinh doanh Việt Nam – Hà Lan vùng ĐBSCL”. Đây là nền tảng quan trọng giúp ĐBSCL của Việt Nam chuyển đổi nông nghiệp một cách hiệu quả trong thời gian tới, đặc biệt là quản lý nguồn nước và các công nghệ liên quan đến phát triển nông nghiệp, trong đó vai trò khu vực kinh tế tư nhân được quan tâm nhiều hơn trong quá trình hợp tác.
Nền tảng kinh doanh được thành lập với mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh doanh của vùng ĐBSCL, tập trung vào các lĩnh vực quản lý nước bền vững, công nghệ nước dành cho nông nghiệp và tiếp vận hậu cần bền vững; xác định các cơ hội kinh doanh ở ĐBSCL và nhu cầu của Việt Nam và Hà Lan; kết nối mạng lưới khu vực kinh tế tư nhân và các viện tri thức; phát triển quan hệ đối tác công tư, tìm cách kết nối các khả năng tài trợ cũng như kết nối giữa các tổ chức và nhà đầu tư; kết nối chặt chẽ với Chương trình chuyển đổi nông nghiệp tại ĐBSCL.
Sau khi ký Ý định thư, VCCI Cần Thơ và Đại sứ quán Hà Lan đã có các cuộc họp trực tiếp và trực tuyến nhằm bàn luận về các hoạt động có thể phối hợp thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và lợi thế của mỗi bên. Chương trình hành động bao gồm các hoạt động đã được thống nhất chung giữa các bên liên quan nhằm thúc đẩy và quảng bá Nền tảng kinh doanh bền vững HL-VN trong năm 2021 tại khu vực ĐBSCL.
Cụ thể, các hoạt động trong năm 2021 bao gồm: (Trao đổi và phổ biến thông tin thị trường ĐBSCL đến đối tác Hà Lan và ngược lại; Nghiên cứu tiềm năng đầu tư và kinh doanh tại vùng ĐBSCL dành cho nhà đầu tư và doanh nghiệp Hà Lan; Phía Hà Lan sẽ cử chuyên gia tham gia đóng góp quá trình nghiên cứu Báo cáo Kinh tế thường niên vùng ĐBSCL 2021 do VCCI Cần Thơ thực hiện; Các đối tác Hà Lan sẽ tham gia vào Diễn đàn Kinh tế ĐBSCL kết hợp tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Hà Lan – Việt Nam tại ĐBSCL; Phối hợp thực hiện Hội thảo liên quan đến nông nghiệp, đặc biệt chuyển đổi nông nghiệp để đối thoại với nhiều bên liên quan về mô hình chuyển đổi nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và những thách thức, khó khăn của nền nông nghiệp Việt Nam; Phối hợp trong các hoạt động về thích ứng biến đổi khí hậu như hỗ trợ tiếp cận các chương trình đào tạo, quỹ đầu tư của Hà Lan cho Mạng lưới doanh nghiệp thích ứng vùng ĐBSCL do VCCI Cần Thơ thành lập; Phối hợp, hỗ trợ, chia sẻ thông tin trong các lĩnh vực mà 2 bên có thể hợp tác với nhau như nông nghiệp, tiếp vận hậu cần, giao thông vận tải, sử dụng nguồn tài nguyên nước, năng lượng tái tạo và kinh tế tuần hoàn).
Tại buổi Lễ ký kết trực tuyến ngày 03/8 vừa qua, Bà Đại sứ Elsbeth Akkerman bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc sự nỗ lực và thiện chí hợp tác của VCCI Cần Thơ dành cho phía Hà Lan. Bà cho biết Chính phủ Hà Lan sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc chuyển đổi nông nghiệp và hỗ trợ về mạng lưới nước, hợp tác với các trường Đại học, Học viện tại vùng để thực hiện các nghiên cứu, hợp tác trong khối tư nhân giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hà Lan với doanh nghiệp Việt Nam,.. để tạo ra nhiều giá trị hơn nữa. Bà chia sẻ phía Hà Lan có thể cũng cấp những giải pháp để khắc phục những khó khăn do xâm nhập mặn, lũ lụt, hạn hán gây ra cho vùng ĐBSCL thông qua những ngành nông nghiệp bền vững, hệ thống quản lý nước, quản lý bờ biển,.. có thể giúp ĐBSCL vượt qua những thách thức trên và phát triển bền vững trong tương lai.
Theo Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ cảm ơn phía Hà Lan đã ủng hộ và hỗ trợ cho Việt Nam, đồng thời cũng khẳng định chương trình hành động này có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi trong tình hình đại dịch Covid-19 khó khăn. Ông tin rằng việc thực hiện các hạng mục trong chương trình hành động sẽ thúc đẩy và mở rộng các hoạt động thương mại và đầu tư giữa các đối tác Hà Lan với vùng ĐBSCL, tạo bước ngoặt quan trọng để đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh hơn. Đồng thời, Ông đánh giá cao những hoạt động sắp tới của hai bên đã thống nhất và cho rằng đây sẽ là những hoạt động thiết thực nhằm hướng đến sự phát triển mối quan hệ đối tác của hai quốc gia.
Với vai trò là đối tác thứ 3 cùng thực hiện Ý định thư, Bà Willemiean Van Asselt, Đại diện diện Liên minh ngành hàng ưu tiên trong lĩnh vực Nước, Hậu cần, Nông sản, Rau hoa quả và vật liệu giống của Vương quốc Hà Lan (Top Sectors).
“Bà rất vui mừng vì cam kết giữa hai phía không dừng lại ở việc ký kết Ý Định Thư mà nay đã hiện thực hóa thành những công việc cụ thể. Về phía Hà Lan đã có những bước chuẩn bị để triển khai việc hợp tác Hà Lan – Việt Nam trong thời gian sắp tới như xây dựng website để thu hút các doanh nghiệp Hà Lan quan tâm và tìm hiểu về vùng ĐBSCL, tích cực triển khai những hoạt động hợp tác quốc tế và cũng hy vọng cuối năm sẽ tổ chức sự kiện trực tuyến nhằm giúp đoàn doanh nghiệp Hà Lan tìm hiểu sâu hơn về Việt Nam, đặc biệt là vùng ĐBSCL, các Bộ ngành của Hà Lan cũng đang xem xét những hoạt động để đẩy mạnh mối quan hệ đối tác tại Việt Nam trong thời gian tới.. Bà cũng thông tin thêm, đây là lần đầu tiên 04 ngành trong Top Sectors cùng phối hợp để triển khai những hoạt động thúc đẩy doanh nghiệp tại nước ngoài”. Bà phát biểu tại tại sự kiện.
Cũng tại buổi lễ Lễ ký kết được diễn ra với sự cam kết phối hợp chặt chẽ giữa VCCI Cần Thơ và Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan để hiện thực hóa các nội dung hợp tác đã thống nhất trong Chương trình hành động, cũng như linh hoạt và chủ động những công tác chuẩn bị để sẵn sàng triển khai như kế hoạch, qua đó đóng góp vào sự phát triển hơn nữa mối quan hệ hợp tác của hai quốc gia trong thời gian tới.