Số điện thoại:0913081908
Email:openskyhk@gmail
logo

Cần Thơ: Không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau

Ngày 9-9, Sở Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục Trung học.

Cấp trung học phổ thông (THPT) của TP Cần Thơ có 37 trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, trong đó có 08 trường ngoài công lập. Tổng số học sinh là 32.301. Năm học vừa qua, 100% trường xây dựng kế hoạch GD nhà trường từ đầu năm học, phù hợp với điều kiện thực tế của từng đơn vị. Tổ chức xây dựng phân phối chương trình môn học phù hợp với chuẩn kiến thức kỹ năng, dạy học theo các chủ đề phát triển phẩm chất, năng lực HS. Các chủ đề chuyên môn ngày càng được các cơ sở GD nâng cao về chất lượng.

Tiến sĩ Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, chỉ đạo tại HN

Hoạt động trải nghiệm trong nhà trường được tổ chức thường xuyên như: Khu trải nghiệm nghiên cứu khoa học, chế tạo, sáng chế, trồng rau cải, các loại hoa, làm nấm Linh Chi…. Hoạt động trải nghiệm ngoài ngoài nhà trường tổ chức theo môn học như: Trải nghiệm tại Khu Công nghiệp, các trung tâm nghiên cứu khoa học tại địa phương, khu điện gió Bạc Liêu, Viện Công nghệ Sinh học Đà Lạt…

Kết thúc năm học, tỷ lệ học sinh (HS) đỗ tốt nghiệp THPT đạt 99,51%. Kết quả kỳ thi chọn HS giỏi cấp quốc gia tăng hơn các năm trước, tiếp tục dẫn đầu Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, em Đặng Lê Minh Khang, trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, đạt Huy chương Vàng trong kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế năm 2021.

Năm học 2021-2022, các cơ sở GD trung học chủ động, vận dụng linh hoạt các phương án để thực hiện chương trình, kế hoạch năm học phù hợp với diễn biến của dịch bệnh Covid-19. Triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đối với lớp 6, bảo đảm hoàn thành chương trình năm học đáp ứng yêu cầu về chất lượng GD đối với các khối lớp. Tập trung đổi mới phương pháp và hình thức dạy học, giáo dục theo định hướng phát triển năng lực HS. Chủ động rà soát, chuẩn bị các điều kiện thực hiện chương trình GDPT 2018 đối với lớp 7 và lớp 10, năm học 2022-2023.

Thầy Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Trưởng phòng GD Trung học – Sở GD-ĐT, trình bày phương hướng, nhiệm vụ năm học 2021-2022

Tại hội nghị, các đại biểu từ phòng Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) quận, huyện và Ban giám hiệu các trường trung học đóng góp nhiều ý kiến chung quanh việc hoàn thành nhiệm vụ năm học, và thống nhất: Chỉ tập trung HS khi nhà trường đảm bảo điều kiện an toàn cho thầy và trò về phòng, chống dịch Covid-19. Về sách giáo khoa (SGK), do các trường đã lập kế hoạch để phụ huynh đăng ký mua từ cuối năm học 2020-2021, đến nay Công ty Cổ phần Sách Thiết bị trường học TP Cần Thơ đã cung ứng đầy đủ bộ SGK các cấp cho các trường. Nhà trường đang thông báo đến phụ huynh, những ai có điều kiện thì đến trường nhận sách. Trường hợp không thể đến, trường phối hợp Viettel Post hoặc liên lạc địa phương đưa sách đến tận nhà HS.

Thầy Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Trưởng phòng GD Trung học – Sở GD-ĐT, cho biết: “Các trường trung học đều đảm bảo 100% học sinh có đủ SGK. Ngoài ra Sở GD đã đưa lên trang Web của Sở Sách giáo khoa điện tử và một số sách bổ trợ, từ lớp 1 đến lớp 12 để học sinh tham khảo, giúp các em học bằng hình thức trực tuyến, hoặc trong thời gian chưa đến trường”.

Cô Nguyễn Kiều Phương, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Bình Thủy, phát biểu ý kiến tại điểm cầu Phòng GD-ĐT quận

Các em HS lớp 9 và lớp 12 bắt đầu thực học bằng hình thức trực tuyến từ ngày 6-9-2021, qua báo cáo của các trường, đến nay gần 90% HS các khối lớp này đã tham gia học tập. Số còn lại hoặc bị nhiễm Covid-19 đang điều trị, hoặc ở khu vưc phong tỏa, hoặc ở cùng người thân trên TP Hồ Chí Minh, Bình Dương. Giáo viên chủ nhiệm (GVCN) đang tìm cách liên lạc với các em…Bên cạnh đó, xác định việc dạy trực tuyến sẽ là phương pháp thực hiện song hành cùng cách dạy trực tiếp, Sở GD-ĐT TP Cần Thơ chỉ đạo các trường trung học xây dựng Thư viện thiết bị điện tử, thông qua đẩy mạnh công tác xã hội hóa, để hỗ trợ phương tiện học tập cho những HS có hoàn cảnh khó khăn…

Bằng biện pháp này một số trường như THPT Châu Văn Liêm, THPT Nguyễn Việt Hồng, Trung học cơ sở (THCS) Lương Thế Vinh (cùng địa bàn quận Ninh Kiều), THPT Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thủy),… đã vận động những cựu HS, phụ huynh và các nhà hảo tâm đóng góp, giúp 100% HS các lớp cuối cấp có phương tiện và tham gia học tập trực tuyến. Huyện Cờ Đỏ, huyện Vĩnh Thạnh, quận Bình Thủy chỉ đạo Phòng GD-ĐT lập danh sách học sinh THCS và THPT chưa có thiết bị để UBND tìm biện pháp hỗ trợ.

Phòng GD-ĐT quận Cái Răng chỉ đạo: Những HS lớp 9 không có thiết bị: Nếu ở khu vực vùng xanh sẽ học chung với các em có thiết bị, ở gần nhà. Những HS ở khu vực vùng đỏ và cam, nhà trường phân công người đem bài học đến khu vực nhờ lực lượng phụ trách chốt chuyển cho các em. Đây cũng là cách làm chung của nhiều trường.

Cô Nguyễn Kiều Phương, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Bình Thủy, cho biết: “Bình Thủy có hơn 200 HS từ khối lớp 6 đến lớp 9 chưa có thiết bị học trực tuyến. Hiện nay, cùng với khối lớp 9, các trường THCS của quận cũng dạy thử nghiệm chương trình lớp 6 qua online, giúp HS làm quen với phương pháp học mới, GV rút kinh nghiệm trong giảng dạy chương trình GDPT 2018. Phòng GD-ĐT chỉ đạo các trường tải tất cả tiết dạy trực tuyến này lên mạng, zalo, để những HS không có thiết bị hoặc chưa hiểu bài thì coi lại bài giảng trên mạng”.

Hoạt động trải nghiệm: Giáo viên và Học sinh trường THPT Trung An, huyện Cờ Đỏ, thu hoạch nấm Linh Chi

Phát biểu tại hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, đề nghị các cơ sở GD xây dựng kế hoạch dự phòng với phương án tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của HS bằng hình thức trực tuyến, sẵn sàng ứng phó và bảo đảm hoàn thành chương trình năm học trong trường hợp dịch Covid-19 diễn biến xấu nhất khiến 100% HS học trực tuyến. Xây dựng kế hoạch GD của trường theo hướng dẫn điều chỉnh, tinh giản nội dung dạy học, bảo đảm thực hiện các nội dung cốt lõi, làm cơ sở để chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện các nội dung còn lại phù hợp tình hình phòng, chống Covid-19. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và các hoạt động giáo dục. Thường xuyên tổ chức các Hội nghị chuyên đề bằng hình thức trực tuyến Edumeet.

Phó GĐ Sở GD-ĐT TP Cần Thơ Nguyễn Phúc Tăng đặc biệt lưu ý: “Các trường quan tâm và tạo điều kiện, phương tiện học tập đối với những HS khó khăn, không để các em HS bỏ học vì nghèo và chán học. Phấn đấu 100% học sinh lớp 9 và lớp 12 có thiết bị học trực tuyến…Có kế hoạch cụ thể nâng cao trình độ chuyên môn cho các thầy cô giáo. Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý GD.

Các cán bộ quản lý thực hiện quản trị trường học dân chủ, kỷ cương, nền nếp, chất lượng và hiệu quả giáo dục, không tạo áp lực không cần thiết cho giáo viên để thầy cô an tâm tập trung cho chuyên môn. Ngoài ra đề nghị Phòng Giáo dục trung học tổ chức lại Hội thi Đồ dùng dạy học tự làm, đẩy mạnh phong trào này, góp phần giúp HS tiếp thu tốt hơn nội dung bài học với sự hỗ trợ của các các phương tiện trực quan, sinh động”.

Tường An - Đan Phượng/Opensky

Bài viết liên quan