* Số ca mắc trong cộng đồng tăng:
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tuy số ca mắc mới Covid-19 trên cả nước trong 2 tuần qua giảm 48% so với 2 tuần trước đó, nhưng số mắc trong tuần qua lại tăng 14,4% so với tuần trước đó.
Cụ thể: Từ ngày 19-25/10, trong số 19 tỉnh, thành phố miền Đông, Tây Nam Bộ, có 17 địa phương ghi nhận ca mắc tăng trong cộng đồng so với tuần trước, gồm: TP. Hồ Chí Minh 7.398 ca (tăng 361), Bạc Liêu 265 ca (tăng 265), Đồng Nai 301 ca (tăng 262), Trà Vinh 169 ca (tăng 165), An Giang 514 ca (tăng 99), Tây Ninh 247 ca (tăng 70), Bà Rịa-Vũng Tàu 80 ca (tăng 60), Tiền Giang 77 ca (tăng 45), Vĩnh Long 59 ca (tăng 44), Long An 71 ca (tăng 43), Bến Tre 46 ca (tăng 35), Cần Thơ 47 ca (tăng 30), Kiên Giang 40 ca (tăng 18), Bình Phước 20 ca (tăng 13), Cà Mau 54 ca (tăng 12), Hậu Giang 10 ca (tăng 10), Đồng Tháp 24 ca (tăng 1). Có 02 địa phương ghi nhận số mắc trong tuần qua giảm so với tuần trước, gồm : Bình Dương 420 ca (giảm 14), Sóc Trăng 345 ca (giảm 340). Tín hiệu tích cực là trong 7 ngày qua cả nước ghi nhận 469 trường hợp tử vong, giảm 130 trường hợp (-21,7%) so với 7 ngày trước.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo tại Hội nghị
Thời gian gần đây, các địa phương tăng cường hoạt động giám sát ca nhiễm từ những người về từ vùng dịch, ghi nhận số lượng lớn người dân di chuyển từ các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, trong đó có nhiều trường hợp được xét nghiệm dương tính khi trở về, nhất là từ TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Long An về quê. Từ ngày 07-10 đến ngày 25-10, theo thống kê sơ bộ, có 381.000 công dân di chuyển về địa phương, đã lấy mẫu xét nghiệm cho 363.405 người, trong đó ghi nhận 6.222 trường hợp dương tính. Trong đó Cà Mau: 733, Trà Vinh: 599, Đồng Tháp: 577, Bạc Liêu: 561, Kiên Giang: 484, Hậu Giang: 371, Cần Thơ: 280 ; Nghệ An: 254.
*Sẵn sàng ứng phó với nguy cơ dịch cấp độ 4:
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định: Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An số ca nhiễm mới và tử vong đã giảm rõ rệt. Số ca mắc mới trong cộng đồng liên tục giảm liên tục trong 2 tuần qua, tình hình dịch cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Cuộc sống người dân đang dần trở về trạng thái bình thường mới. Hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đã thay đổi quan điểm ứng phó với dịch từ cố gắng dập dứt điểm ca bệnh sang "chung sống an toàn". Nhưng từ đầu tháng 10 tới nay, sau thời gian nới lỏng giãn cách xã hội tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam và mở lại các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh, nước ta đã ghi nhận số lượng lớn người dân di chuyển từ các địa phương đang có dịch trở về các địa phương khác trong cả nước, trong đó đã ghi nhận nhiều người nhiễm vi rút SARS-CoV-2 tại một số tỉnh, thành phố nơi người dân trở về.. Nguy cơ bùng phát dịch sẽ xảy ra ở bất cừ đâu và bất cứ thời điểm nào.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định: Sẽ cung cấp đủ vaccine cho các tỉnh, thành phía Nam
Đến ngày 25-10-2021, 63 tỉnh, thành phố đã thực hiện đánh giá cấp độ dịch. Kết quả tự đánh giá cấp độ dịch của các địa phương trong cả nước: 6.908 xã/phường cấp độ 1 (67,8%); 3.077 xã/phường cấp độ 2 (30,2%); 145 xã/phường cấp độ 3 (1,4%) và 62 xã/phường cấp độ 4 (0,6%).
Trong số 26 xã phường cấp độ 4: Bạc Liêu (9), An Giang (8), Tiền Giang (4), Trà Vinh (2), Cần Thơ (1), Hậu Giang (1), Tây Ninh (1 xã, 5 thôn, ấp).
Hiện nhiều tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long tích cực thực hiện khoanh vùng gọn và dập dịch nhanh khi phát hiện ổ dịch. Tỉnh Kiên Giang và tỉnh An Giang lên phương án cách ly, điều trị F0 không triệu chứng tại nhà, kết hợp tăng cường các trạm y tế lưu động. Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết: Tỉnh phê duyệt kinh phí gần 120 tỷ đồng đầu tư phòng ICU điều trị Covid-19 tại Bệnh viện (BV) đa khoa Trung tâm An Giang, TP Long Xuyên. Tỉnh Sóc Trăng có khả năng điều trị hơn 2.000 F0, tỉnh xây dựng thêm 05 BV Dã chiến, nâng công suất lên 3.000 F0. Tỉnh Bạc Liêu quy định: Từ ngày 26-10, tại khu vực cấp 3, chỉ những người đã tiêm vaccine (1-2 mũi), hoặc F0 khỏi bệnh mới được ra đường. Ở vùng cấp 4 (vùng đỏ - nguy cơ rất cao), người đã tiêm 2 mũi vaccine hoặc F0 khỏi bệnh mới được ra đường. Chính quyền thiết lập chốt chặn kiểm soát ở những khu vực này.
* Bảo đảm đủ vaccine cho các tỉnh phía Nam:
Đến nay 19 tỉnh thành phía Nam được phân bổ 48,2 triệu liều vắc xin phòng COVID-19, chiếm 49% tổng số vắc xin phân bổ cả nước. Tỷ lệ bao phủ 01 liều vắc xin là 85% và tỷ lệ bao phủ đủ 02 liều vắc xin là 42%/ dân số từ 18 tuổi trở lên. Trong đó 5 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vắc xin đạt trên 95% là TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An và Bình Dương; 04 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ đủ 02 liều vắc xin đạt trên 50% dân số từ 18 tuổi trở lên là TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An và Bình Dương. Bên cạnh, 05 tỉnh, thành phố hiện có tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vắc xin cho dân số từ 18 tuổi trở lên thấp nhất là Cà Mau (49%), Bạc Liêu (55%), Đồng Tháp (61%), Trà Vinh (61%), Bến Tre (62%).
Điều trị bệnh nhân Covid-19 tại BV Lao và Bệnh phổi Cần Thơ
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu từ 2 đến 3 tuần tới, các tỉnh phía Nam, nhất là khu vực Tây Nam bộ, tổ chức tiêm vaccine phòng Coviid-19 khẩn trưởng nhất, nhanh chóng bao phủ mũi 1, sau đó tiêm mũi 2. Bộ Y tế phải bảo đảm đủ vaccine.
Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định: “Khi vaccine về, Bộ sẽ tiếp tục phân bổ cho các tỉnh, thành phía Nam, bảo đảm tiêm đủ 2 mũi cho toàn bộ khu vực này. Về cơ bản, khi các địa phương đã đạt tỉ lệ bao phủ vaccine mũi 1, người được tiêm bắt đầu sinh kháng thể, hoặc bắt đầu tiêm mũi 2 thì kể cả có ca nhiễm chúng ta vẫn khống chế được tốc độ lây nhiễm, kết hợp với tăng cường chăm sóc từ sớm, chăm sóc tại nhà, sẽ không để hệ thống y tế quá tải hay có nhiều ca bệnh nặng, tử vong. Khảo sát của Sở Y tế Bình Dương cho thấy: những người tiêm mũi 1 đã sinh kháng thể, dù bị nhiễm Covid-19 nhưng rất ít trường hợp phải thở oxy, còn người đã tiêm mũi 2 hầu như không diễn biến nặng nếu nhiễm Covid-19.”.
Các địa phương đang tăng cường tiêm vaccine phòng Covid-19
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các địa phương tập trung tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” để phục hồi sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa, ổn định đời sống Nhân dân, mở cửa trở lại các hoạt động giao thông, giáo dục, dịch vụ... Tiếp tục tuân thủ nghiêm phương châm “5K + vắc xin + điều trị + công nghệ và đề cao ý thức của Nhân dân: “Các địa phương chủ động xây dựng kịch bản, tổ chức diễn tập, sẵn sàng ứng phó với các tình huống diễn biến dịch COVID-19 trên địa bàn không để bị động; tăng cường năng lực y tế các cấp, nhất là năng lực điều trị ở cấp cơ sở để phân loại, điều trị kịp thời, hiệu quả. Bộ Y tế đảm bảo đủ sinh phẩm xét nghiệm để các tỉnh xét nghiệm người từ nơi khác về, đồng thời xem xét, điều chỉnh quy trình cách ly, phân biệt giữa các địa phương có tỉ lệ tiêm vaccine khác nhau, giữa người đã tiêm và người chưa tiêm. Tăng cường thông tin, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng để những người dân về từ khu vực có dịch chủ động khai báo y tế với cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn theo dõi sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm phù hợp và áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo quy định.” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trần Huy – Đan Phượng/Opensky