Số điện thoại:0913081908
Email:tranhuy.giaothongketnoi@gmail.com
logo

Nhiều chủ đầu tư ‘cán đích’ giải ngân, ngành Giao thông tiếp tục được giao vốn lớn

Hết tháng 12/2021, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã giải ngân được gần 37.171 tỷ đồng, đạt 85,6% kế hoạch giao. Dự kiến hết tháng 1/2022, Bộ sẽ tiếp tục giải ngân tối thiểu hơn 4.400 tỷ đồng để giải ngân đạt tối thiểu 96%, đáp ứng mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 63/CP của Chính phủ.

10 “đầu tàu” giải ngân ngành GTVT trong năm 2021

Theo Vụ Kế hoạch - Đầu tư, tính đến hết tháng 12/2021, Bộ GTVT đã giải ngân được gần 37.171 tỷ đồng, đạt 85,6% kế hoạch (gồm hơn 33.800 tỷ vốn trong nước và hơn 3.350 tỷ đồng).

"Dự kiến đến hết tháng 1/2022, Bộ GTVT sẽ tiếp tục giải ngân tối thiểu hơn 4.400 tỷ đồng để phấn đấu kết quả giải ngân đạt tối thiểu 96%, đáp ứng mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 63 của Chính phủ", Vụ Kế hoạch - Đầu tư thông tin.

Bộ GTVT đang quyết liệt yêu cầu các Ban QLDA, chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai, thanh quyết toán các dự án, đảm bảo hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn đã được giao năm 2021 - Ảnh minh họa

Vụ Kế hoạch - Đầu tư cũng chỉ ra 10 chủ đầu tư có kết quả giải ngân tốt nhất từ đầu năm đến hết tháng 12/2021.

Cụ thể, 5 đơn vị đã đạt kết quả giải ngân 100% kế hoạch, gồm: Ban QLDA Hàng hải (122 tỷ đồng), Sở GTVT Thái Bình (300 tỷ đồng, dự án QL37 và cầu Sông Hóa); Ban QLDA công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn Đắk Lắk (275 tỷ đồng, dự án tránh phía TP Buôn Ma Thuột); Sở GTVT Hải Phòng (2030 tỷ đồng, QL37 qua Hải Phòng), Sở GTVT Hải Dương (210 tỷ đồng, QL37 qua Hải Dương).

Ban QLDA Thăng Long dù được phân bổ khối lượng giải ngân lớn bậc nhất ngành giao thông (chiếm hơn 19% kế hoạch vốn của Bộ GTVT), song, tính đến hết tháng 12/2021, lũy kế giải ngân của đơn vị này đã đạt hơn 7.900 tỷ đồng, đạt 95,3%.

Bốn số đơn vị khác có kết quả giải ngân cao, đạt trên 90%, gồm: Tổng cục Đường bộ VN (lũy kế giải ngân 1.409 tỷ đồng, đạt 94,7%), Ban QLDA Đường sắt (lũy kế giải ngân hơn 3.300 tỷ đồng, đạt gần 94%), Ban QLDA 6 lũy kế giải ngân 1.866 tỷ đồng, đạt 92,8%), Sở GTVT Nghệ An (lũy kế giải ngân 282 tỷ đồng, đạt 97%).

Bên cạnh các đơn vị có kết quả giải ngân tốt, một số chủ đầu tư, Ban QLDA vẫn có kết quả giải ngân chưa đáp ứng được yêu cầu, thấp hơn mức trung bình chung của Bộ (85,6%).

Cụ thể, Ban QLDA 2 (đạt 65%, phần vốn chưa giải nân tập trung chủ yếu ở các dự án ODA do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và vướng cơ chế trong giải ngân phần vốn kế hoạch nước ngoài); Ban QLDA Mỹ Thuận (đạt 76,6%, còn phải giải ngân 891 tỷ đồng).

Ban QLDA Đường thủy (đạt 79,4%, còn phải giải ngân 188 tỷ đồng), Ban QLDA 85 (đạt 81,7%, còn phải giải ngân 388 tỷ đồng).

Sở GTVT Cà Mau (đạt 62,8%, còn phải giải ngân 83 tỷ đồng), Sở GTVT Kon Tum (mới đạt 67%, phải đẩy nhanh tiến độ nghiệm thu, thanh toán 105 tỷ đồng), Sở GTVT Thanh Hóa (đạt 79,2%, còn phải giải nhân 62 tỷ đồng).

Bộ GTVT được giao giải ngân vốn đầu tư công “kỷ lục” năm 2022

Vụ Kế hoạch - Đầu tư cho biết thêm, năm 2021, Bộ GTVT được giao khoảng 43.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, các công trình, dự án triển khai trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều tháng liên tiếp các công trình trọng điểm nằm ở vùng dịch phong tỏa, nên gặp không ít khó khan, song, nhiều chủ đầu tư, nhà thầu thi công đã vượt khó vừa hoàn thành kết quả giải ngân cao, vừa đảm bảo các dự án chất lượng, vượt tiến độ.


Cao tốc Mai Sơn - QL45 do BQLDA Thăng Long (đơn vị dẫn đầu ngành về giai ngân vốn đầu tư công) làm chủ đầu tưhiện đã đạt khoảng 45% tổng thể

Năm 2022, Bộ GTVT được Thủ tướng chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn lớn nhất từ trước đến nay, lên đến hơn 50.000 tỷ đồng, với nhiều dự án lớn được triển khai, đặc biệt là dự án đường cao tốc Bắc Nam phía Đông sẽ được trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư trong thời gian tới.

Nhiệm vụ được giao đòi hỏi quyết tâm của toàn ngành, trong đó, các BQLDA, các Sở GTVT liên quan cần khẩn trương hoàn thành nhanh các thủ tục chuẩn bị đầu tư, đặc biệt thủ tục liên quan đến dự án trọng điểm quốc gia, các dự án nhóm A đòi hỏi thời gian chuẩn bị thủ tục đầu tư dài theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, xây dựng tiến độ chi tiết cho từng hạng mục, cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu để nâng cao hiệu quả thi công, không chờ lúc dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư mới thu thập số liệu hiện trường và chưa thống nhất với các địa phương về chủ trương thực hiện dự án.

“Đặc biệt, đối với công tác giải phóng mặt bằng, yếu tố then chốt quyết định tiến độ thi công từng dự án, các BQLDA, Sở GTVT cần phối hợp với cơ quan chức năng địa phương sớm giải quyết các điểm nóng về mặt bằng, cắm cọc bàn giao, sẵn sàng mặt bằng sạch… đảm bảo khi được phê duyệt có thể thi công đồng loạt. Ngoài ra, các chủ đầu tư cũng cần tăng cường giám sát hiện trường, xây dựng chế tài đủ mạnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, chậm tiến độ dự án…”, Vụ Kế hoạch - Đầu tư cho biết với vai trò đại diện đơn vị tham mưu Bộ GTVT các giải pháp quản lý để siết chặt tiến độ giải ngân, thi công các dự án trong năm 2022.

P.V

Bài viết liên quan