Du khách tham quan Cồn Sơn, Cần Thơ
Từ sự độc đáo của sông nước miền Tây
Những ngày này, dù đã đến rằm tháng giêng âm lịch, nhưng lượng du khách đến với Cần Thơ vẫn rất đông. Trong đó, chợ nổi Cái Răng là điểm đến được du khách quốc tế ưu tiên lựa chọn, đặc biệt là vào những ngày cuối tuần, nơi đây luôn nhộn nhịp tiếng nói cười, tham quan, vui chơi của du khách quốc tế.
Theo ghi nhận của PV, trong ngày 4/2, hàng trăm ghe tàu mua bán nông sản, phục vụ ăn uống, du lịch hoạt động tấp nập trên chợ nổi. Sau đợt cao điểm đón tết âm lịch, số lượng du khách đến tham quan vẫn nhộn nhịp, sôi nổi. Đặc biệt, có rất nhiều du khách nước ngoài tới tham quan, du lịch. Họ trải nghiệm ăn dứa (khóm, thơm) trên ghe của thương hồ chợ nổi Cái Răng. Có những du khách chọn đi một mình để ghi lại khoảnh khắc cuộc sống của bà con thương hồ.
Theo thống kê, năm 2022, Cần Thơ đón 5,1 triệu lượt du khách; trong đó, hơn 70% đến tham quan chợ nổi. Chỉ tính riêng dịp tết Nguyên Đán Quý Mão 2023 đã có 30.721 lượt du khách đến đây vui chơi, tham quan, mua sắm.
Ông Đặng Ngọc Nhẫn - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh quận Cái Răng cho biết: “Trong dịp tết Nguyên Đán vừa qua lượng du khách trong và ngoài nước đến du lịch tại quận Cái Răng nói chung, chợ nổi Cái Răng nói riêng tăng cao đột biến. Đây là một dấu hiệu đáng mừng về sự hồi phục của kinh tế du lịch sau 2 năm trầm lắng do tác động tiêu cực của COVID-19”.
Du khách hào hứng tham quan chợ nổi Cái Răng
Mới đây, Trung tâm Top Việt Nam - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) vừa công bố Tốp 50 Tour du lịch độc đáo mang lại trải nghiệm thú vị tại Việt Nam. Và trải nghiệm không gian văn hóa Chợ nổi Cái Răng có tên trong danh sách đó.
VietKings gọi tour du lịch thú vị này là "Lênh đênh Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), khám phá "đặc sản du lịch" của ÐBSCL". VietKings miêu tả rằng, mang trên mình nét đặc trưng vô cùng độc đáo của miền Tây sông nước, Chợ nổi Cái Răng là điểm đến hấp dẫn thu hút khách du lịch ghé đến trải nghiệm. Nơi đây được hình thành từ đầu thế kỷ 20, là nơi mà người dân miền Tây đến để trao đổi, mua bán hàng hóa. Và không chỉ vậy, Chợ nổi Cái Răng còn được coi như là "đặc sản" của vùng ÐBSCL.
Đến làm giàu từ giá trị truyền thống
Đến thời điểm này, xu hướng du lịch toàn cầu ghi nhận sự lên ngôi của du lịch xanh, nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe gắn với trải nghiệm văn hóa bản địa, bảo vệ môi trường.
Ðiều này phù hợp với tài nguyên thiên nhiên vùng ÐBSCL - nơi có không gian xanh lý tưởng của văn minh miệt vườn, đậm bản sắc văn hóa sông nước. Du lịch vùng đất Chín Rồng cũng mở lối mới, hình thành các sản phẩm đặc sắc cùng những cách làm độc đáo. Và chợ nổi Cái Răng nêu trên là một điển hình cho điều đó.
Tại ÐBSCL có rất nhiều mô hình làm du lịch nông nghiệp. Mỗi một mô hình đều có những bản sắc riêng làm nên nét độc đáo của du lịch nông nghiệp ÐBSCL.
Điển hình tại gia đình ông Thạch Sang (xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) nhiều năm qua sống bằng nghề trồng lúa với nguồn thu nhập bấp bênh. Gần đây, gia đình ông đã có nguồn thu nhập ổn định nhờ vào việc giữ gìn văn hóa dân tộc. Ông kể: từ năm 2019, tỉnh Trà Vinh cho ra mắt Dự án “Làng Văn hóa du lịch Khmer Trà Vinh”; gia đình ông và nhiều hộ dân khác được vận động tham gia làm du lịch. Công việc của ông chỉ đơn giản là tái hiện lại cách giã cốm dẹp - một món ăn truyền thống của người Khmer. “Nếu làm ruộng hoặc làm vườn, 3 tháng người nông dân mới thu hoạch một lần. Công việc hiện nay cho tôi thu nhập có khi lên tới 700.000 - 1.000.000 đồng/ngày. Tôi rất vui mừng vì cuộc sống không chỉ khá hơn, mà còn có thể gìn giữ những giá trị văn hóa của tổ tiên, cha ông để lại” - ông Sang nói.
Du khách tham quan và thưởng ngoạn những giá trị truyền thống dân dã tại Cồn Chim, Trà Vinh.
Câu chuyện về người nông dân đổi đời như ông Sang đang xuất hiện nhiều ở Trà Vinh, mở ra những thành quả mới qua cách làm du lịch mới. Ấp Cồn Chim, cù lao Hòa Minh, huyện Châu Thành gần 2 năm nay đã khoác lên mình diện mạo mới - khi 22 hộ dân tham gia vào hoạt động du lịch cộng đồng dưới hình thức tự quản. Mỗi hộ dân cung cấp một loại hình dịch vụ, sử dụng các sản phẩm tự có do người dân tự làm tại chỗ, như: Cho thuê homestay; nấu ăn, dạy làm bánh cho du khách, câu cua, đặt lợp, bắt tôm, trò chơi dân gian; tái hiện phiên chợ quê…
Chị Nguyễn Thị Sữa, người dân ấp Cồn Chim kể: "Trước đây, gia đình chị sống bằng nghề trồng lúa và nuôi trồng thủy sản, giờ đây gia đình có thêm việc làm mới khi tham gia làm du lịch. Công việc của chị là làm bánh lá và một số loại bánh dân gian Nam Bộ cho du khách thưởng thức. Mỗi tháng thu nhập của gia đình, lên tới 15-20 triệu đồng/tháng. Nếu như trước đây bà con chủ yếu làm nông nghiệp, thì giờ đã có du lịch nữa thì không lo nghèo. Mỗi hộ làm một thứ sở trường, không ai cạnh tranh ai, ngược lại còn hỗ trợ nhau cùng làm ăn".
Ông Dương Hoàng Sum - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Trà Vinh - cho biết: "Từ năm 2017, Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch để thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16-01-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Từ đó đến nay, tỉnh đã tập trung phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch văn hóa, trong đó phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong việc phát triển du lịch xanh, nói không với ‘‘bê tông hóa”. Nhờ đó từ 2018 đến nay, du lịch Trà Vinh đã có vị trí trên bản đồ du lịch cả nước nhờ các sản phẩm du lịch xanh, du lịch bền vững; tiêu biểu như mô hình du lịch cộng đồng Cồn Chim, du lịch sinh thái Cồn Hô là mô hình mẫu cho việc phát triển du lịch bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu"...
Điển hình như điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim, người dân làm du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường, nuôi trồng và sản xuất sạch theo mô hình “con tôm ôm cây lúa”, dựa trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do người dân Cồn Chim tổ chức quản lý. Gần 2 năm ra mắt, du lịch Cồn Chim là mô hình kiểu mẫu của dựa trên yếu tố tài nguyên sẵn có. Đặc biệt, đến nay du lịch cộng đồng Cồn Chim chưa sử dụng vốn ngân sách mà chủ yếu huy động các nguồn lực sẵn có của người dân để phát triển. Qua đó, vừa giảm gánh nặng cho ngân sách, vừa tạo công ăn việc làm bền vững cho người dân, lại có thể gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Gia Gia - Trần Tuấn