Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong suốt 2 năm qua và đặc biệt là trong nửa đầu năm nay, trong bối cảnh dịch bệnh với biến chủng Delta diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường, cộng đồng doanh nghiệp đã nêu cao tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, việc làm và thu nhập cho người lao động; phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau cùng vượt qua thách thức; thể hiện tinh thần trách nhiệm, nghĩa cử cao đẹp của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đối với đất nước.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Ảnh: Quốc Tuấn
“Nhưng cũng phải chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp về những khó khăn họ phải từng ngày từng giờ đối mặt, vượt qua”, ông Vinh nhấn mạnh.
Trong 9 tháng đầu năm nay, đã có trên 90 nghìn doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng kinh doanh. Như vậy, bình quân một tháng có hơn 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng hơn 24% so với năm 2020.
Bức tranh chung của cộng đồng doanh nghiệp đang có sự suy giảm mạnh của quy mô hoạt động và sự gia tăng mức độ ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ các lĩnh vực, các ngành nghề sản xuất kinh doanh.
Các chuyên gia kinh tế quốc tế nhận định đại dịch COVID-19 sẽ có ảnh hưởng lâu dài đến cách thức vận hành của nền kinh tế, đến quản trị quốc gia, quản trị xã hội, quản trị doanh nghiệp. Quá trình phục hồi kinh tế kéo dài, nhiều nước đưa ra các quy định pháp luật mới, các chính sách đặc biệt có thời hạn nhiều năm để hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục lại hoạt động.
Theo ông Vinh, ở nước ta, cuộc chiến chống COVID-19 đã làm nhiều doanh nghiệp kiệt sức, nhiều lĩnh vực kinh doanh kiệt quệ, tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng bởi COVID-19, doanh nghiệp mất hợp đồng, mất dòng tiền, tương lai phía trước là tài chính suy kiệt, lực lượng lao động tan rã. Việc khôi phục lại sản xuất sẽ là bài toán nan giải, nguy cơ nhiều doanh nghiệp đóng cửa, việc làm không được khôi phục, an sinh xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đồng thời, nói như Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, “trong nguy có cơ”, những quốc gia sớm kiểm soát được dịch bệnh, có hệ thống chính sách mới phù hợp với “điều kiện bình thường mới” thì doanh nghiệp sẽ chớp được cơ hội chiếm lĩnh các vị trí tốt hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Những quốc gia có sự phản ứng chính sách với thị trường mới tốt thì doanh nghiệp cũng có cơ hội chớp được thời cơ sớm, nhanh nhạy chớp thời cơ, đi đầu và tăng doanh thu.
"Tôi nhìn thấy sự thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, đem lại nhiều cơ hội cho chuyển đổi số", ông Vinh nói.
Diễn đàn "Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh" thu hút sự quan tâm đông đảo của cộng đồng doanh nghiệp. Ảnh: Quốc Tuấn
Cũng tại Diễn đàn, TS Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư Ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không VN đã nêu ra những khó khăn của DN Vận tải Hàng Không và đề xuất những hướng giải pháp thiết thực.
“Sau đại dịch, các DN tổn thất về thị trường do dãn cách kéo dài, dừng hoạt động lao động mất việc làm, gẫy khúc thị trường cung ứng; không có doanh thu, mất cân đối dòng tiền, tăng lỗ,... Những chính sách hỗ trợ với các DN vận tải hàng không vừa qua gắn với hoạt động bay. Do vậy, việc dừng bay kéo dài trong nhiều tháng liền, có tháng tới 80-90% máy bay nằm chờ tại sân bay, nên dù Chính phủ có những chính sách hỗ trợ nhưng khoản hỗ trợ từ các chính sách mà các doanh nghiệp hàng không nhận được thực tế là không nhiều.
Ngay giai đoạn đầu khôi phục thị trường (dự kiến bắt đầu từ đầu năm 2022), các DN hàng không cũng vẫn còn gặp nhiều khó khăn do hậu quả kéo dài dãn cách, chuỗi cung ứng bị đứt gãy chưa thể nhanh chóng khôi phục, các khoản nợ phải trả đã dồn lại phải thanh toán lớn, tâm lý e ngại của khách hàng không thể nhanh chóng khắc phục, nhiều địa phương còn rất thận trọng trong việc mở cửa cho hệ thống giao thông, trong đó có giao thông hàng không. Giải pháp kích cầu thường được triển khai nhưng lại dẫn tới hậu quả là làm phát sinh thêm chi phí cho các doanh nghiệp, khiến họ chưa có lãi, thậm chí còn phải tiếp tục chịu lỗ” – TS Nề cho biết.
TS Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư Ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không VN nêu ý kiến tại Diễn Đàn
- Trước hết, Nhà nước cần xây dựng và triển khai kế hoạch tổng thể phục hồi kinh tế sau đại dịch. Đây là căn cứ quan trọng nhất để các ngành kinh tế, trong đó có ngành giao thông, đặc biệt là ngành hàng không có phương án và kế hoạch cụ thể về phục hồi, phát triển các hoạt động của mình.
- Khôi phục thị trường vận chuyển hành khách ,trong đó có thị trường vận chuyển hàng không; sớm có chính sách đồng bộ, thống nhất từ TW đến địa phương phù hợp linh hoạt và thực hiện NQ 128 của Chính phủ; Công nhận hộ chiếu vắc xin, khôi phục bay thương mại quốc tế, phát triển du lịch. Nhà nước cần có hỗ trợ về chính sách kích cầu. Đặc biệt, các địa phương quan tâm và hỗ trợ bằng cách mở cửa một cách thuận lợi hơn. Vaba đề nghị nên triệt để bãi bỏ yêu cầu cách ly tại chỗ đối với hành khách khi tham gia giao thông và giảm dần các yêu cầu khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn. Nhà nước cần điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch một cách có trọng điểm, tập trung và khép kín đồng bộ ở các địa phương có tiềm năng phát triển kinh tế và du lịch, tạo các vùng an toàn thu hút khách du lịch, tăng kiểm soát bằng công nghệ. Nhà nước cần đẩy nhanh hơn nữa việc đàm phán với các nước để công nhận chứng nhận tiêm phòng dịch lẫn nhau để chuẩn bị mở cửa thị trường bay quốc tế; hạn chế và bỏ rào cản đối với hành khách khi đi máy bay. Như vậy mới có khách, đảm bảo bay khôi phục, dần tăng tần xuất và có cơ sở đạt hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển kinh tế chung,trong đó có ngành hàng không Việt Nam.
- Về chính sách hỗ trợ DN nên xem xét, kéo dài đến hết năm 2022, thậm chí đến hết năm 2023. Đối với các doanh nghiệp hàng không, hướng ưu tiên phải là tiếp tục tiết kiệm chi phí. Đối với Nhà nước, cần hỗ trợ bằng cách tiếp tục giảm phí, lệ phí cho các doanh nghiệp, điều chỉnh mức và kéo dài thời gian hỗ trợ cho doanh nghiệp, trong đó có việc điều chỉnh giảm 70% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; thời gian cắt giảm phí lệ phí nên kéo dài đến hết năm 2022.
- Hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp để họ cải thiện dòng tiền và có vốn hoạt động và hỗ trợ các chương trình đầu tư cần thiết cho DN, đặc biệt là tạo điều kiện cho vay ngắn hạn với lãi xuất ưu đãi cho các hãng hàng không trong nước nhằm giảm chi phí vốn. – TS Bùi Doãn Nề đề xuất.
Theo các chuyên gia, khó khăn của các doanh nghiệp do tác động của đại dịch COVID-19 có thể kéo dài đến ít nhất sang đầu năm 2022. Diễn đàn “Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh” do Tạp chí DĐDN tổ chức chiều ngày 27/10 tại Hà Nội dưới sự chỉ đạo của VCCI đã thảo luận về các giải pháp tháo gỡ khó khăn của Doanh nghiệp do tác động của đại dịch COVID-19.
(Tổng Hợp)/opensky.vn