Số điện thoại:0913081908
Email:openskyhk@gmail
logo

Cần Thơ vinh dự tổ chức “Diễn đàn Logistics Việt Nam 2023” lần thứ 11

Từ ngày 01 đến 03-12, Bộ Công Thương chủ trì tổ chức sự kiện thường niên “Diễn đàn Logistics Việt Nam 2023” lấy chủ đề “Logistics và Chuyển đổi số cho Đồng bằng sông Cửu Long” tại TP. Cần Thơ. Sự kiện thu hút khoảng 500 đại biểu gồm lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, Sở, Ban, Ngành trung ương và địa phương tham dự.

Quang cảnh “Diễn đàn Logistics Việt Nam 2023”

Tham dự diễn đàn có đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Đồng chí Phan Thị Thắng - Thứ trưởng Bộ Công Thương; Đồng chí Bùi Hoàng Phương – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Đồng chí Trần Duy Đông - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương; Đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương; Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu - Bí thư Thành ủy Cần Thơ; Đồng chí Trần Việt Trường - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ; TS. Lê Quang Trung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam,…

Đồng chí Phan Thị Thắng - Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu khai mạc “Diễn đàn Logistics Việt Nam 2023”

Diễn đàn Logistics Việt Nam là sự kiện thường niên do Bộ Công thương tổ chức từ năm 2013 đến nay, nhằm đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics với ngành sản xuất và xuất nhập khẩu. Đồng thời, cũng là nơi đối thoại, cập nhật thông tin về các vấn đề cấp thiết của dịch vụ logistics tại Việt Nam và thế giới.

Đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu chỉ đạo “Diễn đàn Logistics Việt Nam 2023”

Phát biểu tại diễn đàn, Đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chỉ đạo: “Sau Diễn đàn lần này, các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp sẽ có quyết tâm cao hơn; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả hơn các cơ chế, các chính sách của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm thúc đẩy phát triển logistics và chuyển đổi số đối với vùng ĐBSCL; qua đó khai thông những động lực mới, cùng với khơi dậy khát vọng, phát huy những tiềm năng, lợi thế của địa phương để góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội cho vùng ĐBSCL trong thời gian tới”.

Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu - Bí thư Thành ủy Cần Thơ phát biểu tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2023”

Cần Thơ là địa phương đóng vai trò trung tâm của vùng ĐBSCL, còn là trung tâm giao thương, đầu mối logistics của cả vùng. Hoạt động logistics tại TP. Cần Thơ và cả vùng ĐBSCL nói chung còn mới trong giai đoạn đầu của phát triển, chưa phát huy đầy đủ vai trò để góp phần thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, nhất là hoạt động kinh doanh sản phẩm nông nghiệp - thế mạnh của vùng. Hiện nay, ĐBSCL hàng năm có nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu khoảng 18 triệu tấn hàng hóa. Với vai trò là Trung tâm logistics của vùng ĐBSCL, TP. Cần Thơ đã xác định kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, hiện đại, chất lượng chưa cao, là điểm nghẽn đối với sự phát triển của TP. Cần Thơ và vùng ĐBSCL. Việc phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vận quốc tế; là cơ sở để thành phố phát huy vai trò trung tâm, động lực phát triển vùng, là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế.

Diễn đàn năm nay được tổ chức trong bối cảnh có nhiều đặc điểm mới. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố năm 2023, Việt Nam đứng vị trí thứ 43/139 nền kinh tế trên bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics, thuộc nhóm 5 nước đứng đầu ASEAN, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng vị trí với Philippines. Trong đó, chỉ tiêu về cơ hội logistics quốc tế, Việt Nam xếp hạng 4 thế giới và được đánh giá là quốc gia có tiềm năng phát triển logistics hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Việc triển khai các Hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi doanh nghiệp phải nỗ lực nâng cao sức cạnh tranh.

Dịch Covid-19 đã được kiểm soát, nhưng các tác động về kinh tế - xã hội sau đại dịch cùng với chiến sự ở Ukraina, Israel gây đứt gãy chuỗi cung ứng, giảm sút nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, tác động mạnh đến các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp dịch vụ logistics nói riêng. Bộ Công Thương đang cùng Bộ, ngành, địa phương nỗ lực tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu hàng hóa, qua đó tận dụng hiệu quả các FTA mới, giảm bớt thiệt hại do dịch bệnh và nhanh chóng khôi phục đà tăng trưởng.

Cũng trong năm qua, hạ tầng logistics Việt Nam ngày càng được cải thiện. Chính phủ và các Bộ, Ngành quan tâm đầu tư phát triển, bến bãi vận tải, giao nhận hàng hoá phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu đã được nâng cấp, mở rộng. Đặc biệt, các tuyến đường cao tốc, các sân bay, bến cảng và trung tâm logistics được xây dựng mới, mở rộng đã góp phần nâng cao năng lực xử lý hàng hóa, thúc đẩy lưu thông hàng hóa nhanh chóng và thuận tiện.

Về hệ thống cảng biển Việt Nam, hiện có 286 bến cảng, phân bố theo 5 nhóm cảng biển, tổng chiều dài cầu cảng hơn 96 km. Khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển năm 2022 đạt trên 733 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2021. Đã hình hành các cảng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế tại phía Bắc và phía Nam; tiếp nhận thành công tàu container đến 132.000 DWT tại khu bến Lạch Huyện (Hải Phòng), đến 214.000 DWT tại khu bến Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu). Việt Nam đã thiết lập được 32 tuyến, trong đó 25 tuyến vận tải quốc tế và 7 tuyến vận tải nội địa; Về đường hàng không, hiện cả nước có 22 cảng hàng không đang khai thác với tổng diện tích khoảng 11.859 ha; trong đó có 9 cảng hàng không quốc tế và 13 cảng hàng không quốc nội. Ngoài ra, cả nước hiện có 69 trung tâm logistics có quy mô lớn và vừa, phân bổ tập trung ở một số khu công nghiệp. Trong đó có nhiều trung tâm logistics thế hệ mới, áp dụng công nghệ 4.0 với chức năng cung ứng dịch vụ vận tải, hoàn tất đơn hàng, phân phối,... theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại với chất lượng cao.

Hiện nay, theo tính toán của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, chi phí logistics của Việt Nam trung bình ở mức 16,8% - 17% GDP, cao hơn nhiều so với mức bình quân chung 10,6% của thế giới. Tốc độ tăng trưởng thị trường logistics Việt Nam bình quân hàng năm từ 14-16%, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2022 lên trên 730 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2021. Theo số liệu điều tra doanh nghiệp gần đây nhất (31-12-2021) do Tổng cục Thống kê cung cấp, Việt Nam có 34.476 doanh nghiệp dịch vụ logistics với tổng số 563.354 lao động đang làm việc. Thị trường logistics có sự tham gia của hơn 5.000 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics 3PL,…

Logistics là một ngành dịch vụ trải dài trên nhiều lĩnh vực, địa bàn, đòi hỏi mức độ ứng dụng công nghệ lớn, có vai trò thiết yếu và đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chuyển đổi số đang là một xu hướng tất yếu, giúp doanh nghiệp dịch vụ logistics nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả dịch vụ, nâng cao sức cạnh tranh tại thị trường trong nước và vươn ra thị trường quốc tế. Quá trình chuyển đổi số trong ngành logistics đòi hỏi sự quan tâm và nỗ lực của các ngành, các cấp, lãnh đạo và nhân viên tại doanh nghiệp để đạt được mục tiêu.

Đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương và TP. Cần Thơ trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong phát triển dịch vụ logistics năm 2023

Ngày 02-12, tại phiên toàn thể của Diễn đàn, bên cạnh các phát biểu quan trọng cũng sẽ có các tham luận về: Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam - đột phá cho giai đoạn tới; Thúc đẩy phát triển logistics tại ĐBSCL, khơi thông luồng hàng nông sản; Logistics xanh và vận tải đa phương thức - lựa chọn cho ĐBSCL; Một số phương hướng chủ đạo trong chuyển đổi số ngành logistics; Đẩy mạnh liên kết vùng từ quy hoạch đến triển khai; Hoàn thiện đồng bộ kết cấu logistics Vùng ĐBSCL.

Bên cạnh đó, Diễn đàn cũng có các phiên hội thảo chuyên đề với các nội dung về: Xây dựng chuỗi giá trị nông sản minh bạch trên nền tảng dịch vụ logistics; Kho thông minh - xu hướng trên thế giới và ảnh hưởng tới Việt Nam; Ứng dụng AI và các công nghệ mới trong quản lý vận tải và kho hàng; Phát triển vận tải đường thủy cho nông thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long - kết nối với các cảng cửa ngõ quốc gia; Giải pháp quản trị tiết kiệm nhiên liệu và xu hướng sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường của doanh nghiệp logistics.

Diễn đàn một mặt giúp cho các doanh nghiệp tiếp cận đúng, có thể tham gia vào quá trình xây dựng các cơ chế, chính sách pháp luật của Nhà nước về ngành logistics, một mặt cũng giúp cho các cơ quan quản lý Nhà nước có những đánh giá xác thực để kịp thời ban hành những chính sách đáp ứng được đòi hỏi từ thực tiễn ngành logistics của Việt Nam. Thông qua các tổ chức hiệp hội, các doanh nghiệp có ý kiến phản biện, phản hồi về chính sách liên quan đến phát triển hạ tầng, môi trường kinh doanh, thủ tục hải quan, chính sách thu phí của địa phương.

Trần Huy - Quang Châu

Bài viết liên quan