Số điện thoại:0913081908
Email:openskyhk@gmail
logo

Công trình cầu Châu Đốc nối những bờ vui

Cầu Châu Đốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ và hiện đại liên vùng, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và của tỉnh An Giang nói riêng,…

Cầu Châu Đốc

UBND tỉnh An Giang đã long trọng tổ chức Lễ thông xe cầu Châu Đốc. Đây là cầu thứ 3 bắc qua sông Hậu của địa phương, công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang làm chủ đầu tư có tổng giá gói thầu hơn 534 tỷ đồng.

Công trình có thiết kế bê tông cốt thép vĩnh cửu, gồm phần cầu chính dài 667m, chiều rộng mặt cầu 14m, đảm bảo 2 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp. Cầu có khổ thông thuyền với khoảng thông đứng là 11m và chiều dài nhịp thông thuyền là 120m. Phần đường giao thông chính được thiết kế được thiết kế đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 60km/h; phần đường dẫn vào cầu bờ Châu Đốc dài 730m, mặt rộng 12m; đường dẫn vào cầu bờ Tân Châu dài 2.611m, rộng 12m. Sau 24 tháng thi công, công trình hoàn thành sớm 9 tháng so kế hoạch.

Thành phố Châu Đốc là đô thị loại II trực thuộc tỉnh An Giang, là một trong bốn vùng thuộc Tứ giác Long Xuyên (Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ, Hà Tiên) với diện tích đất tự nhiên 105,23km2. Có đường biên giới giáp Campuchia 15,4km, nằm ở vị trí giao thoa giữa 3 cửa khẩu là: Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên), cửa khẩu quốc gia Khánh Bình (huyện An Phú) và cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu). Châu Đốc được xem là cửa ngõ giao thương quan trọng của tỉnh An Giang và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là nơi tập trung hàng hóa giao thương với Vương quốc Campuchia, cùng với nhiều di tích được xếp hạng cấp quốc gia, hàng năm thu hút trên 4,5 triệu lượt du khách đến tham quan, hành hương. Trong đó, đặc biệt di tích cấp quốc gia Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam được xem là niềm tự hào của ngành Du lịch Châu Đốc nói riêng và khu vực nói chung. Ngày nay, Châu Đốc đang vươn mình để trở thành một thành phố du lịch văn minh, hiện đại, thân thiện, hội nhập và phát triển.

Công trình sau khi đưa vào sử dụng sẽ góp phần thông tuyến Quốc lộ N1, kết nối các tỉnh Tây Nam Bộ (nằm trên trục hành lang biên giới) lại với nhau. Công trình được đưa vào sử dụng sẽ có tác động rất lớn đến quá trình kinh tế - xã hội của tỉnh, mang lại lợi ích to lớn cho cả vùng.

Về mặt kinh tế, công trình góp phần thực hiện vai trò kết nối liên vùng, thu hút đầu tư, phát triển du lịch; kết nối các thành phố lớn trong khu vực lại với nhau. trong đó có TP. Phnom Penh (Vương quốc Campuchia); tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, vận chuyển hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế biên mậu và kinh tế du lịch, kinh tế số,…

Ông Lê Văn Phước - Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh An Giang khẳng định: “Cầu Châu Đốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần thông tuyến Quốc lộ N1, kết nối theo trục ngang của các tỉnh Tây Nam bộ nằm trên trục hành lang biên giới các tỉnh: Long An - Đồng Tháp - An Giang - Kiên Giang”. Qua đó, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ và hiện đại liên vùng, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và của tỉnh An Giang nói riêng, gắn với mục tiêu đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc.

Ngoài ra, với vị trí giao thoa, công trình cầu Châu Đốc còn góp phần thông tuyến Quốc lộ N1, khơi thông kết nối, đồng bộ tải trọng đường bộ với các tuyến Quốc lộ 91, Quốc lộ 91C và Quốc lộ 80B. Đồng thời, khơi thông kết nối, đồng bộ tải trọng trong khu vực, rút ngắn thời gian di chuyển,…

Vì thế, theo ông Phước, cầu Châu Đốc còn là đòn bẩy, tạo động lực trong phát triển kinh tế biên mậu, du lịch, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp,… góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của tỉnh An Giang đã đề ra.

Trần Tuấn

Bài viết liên quan