Bà Trương Thị Ngọc Ánh – Phó CT/UB Trung ương MTTQVN, chia sẻ tại hội thảo
Với gần 17,3 triệu dân, hằng năm Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đóng góp 95% lượng gạo xuất khẩu, trên 50% sản lượng nông sản, thủy sản của cả nước. Tuy nhiên đây cũng là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH), tình trạng nước biển dâng, sụt lún, sạt lở, hạn hán, xâm nhập mặn làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống người dân.
Tổ chức sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, tự phát và thiếu tính liên kết, lao động trình độ cao còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu, tỷ lệ ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất còn thấp so với bình quân cả nước,… Từ đó kìm hãm sự phát triển của toàn vùng.
Thời gian qua, Trung ương Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, cơ chế để phát triển ĐBSCL. Song song đó, nhiều dự án đầu tư quan trọng đã và đang được triển khai thực hiện tại vùng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, Ngành Trung ương như: Cầu Vàm Cống, đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ, cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, quảng lộ Phụng Hiệp, hướng tới là cao tốc Cần Thơ – Cà Mau,… đây là các công trình hạ tầng giao thông quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh cho khu vực,…
Toàn cảnh hội thảo
Với sự quan tâm của Trung ương và những nỗ lực nhiều mặt của các tỉnh, thành, đến nay đời sống một bộ phần người nông dân từng bước được nâng lên, nhưng theo ông Huỳnh Văn Hải – Phó CT Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN) tỉnh Tiền Giang: Khi chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cây ăn trái có diện tích, sản lượng tăng, đem lại thu nhập cao hơn độc canh cây lúa nhưng giá trị gia tăng không cao. Tư duy và trình độ sản xuất của một số nông hộ chưa đáp ứng kịp với các ứng dụng sản xuất theo công nghệ cao, sức cạnh tranh của sản phẩm còn thấp.
“Kết cấu hạ tầng phục vụ bảo quản, chế biến, kho bãi,… kém phát triển. Phần lớn nông sản sản xuất thô, đặc biệt là chế biến trái cây còn quá ít. Việc áp dụng và nhân rộng một số mô hình sản xuất thích ứng với BĐKH, đa dạng sinh học, mô hình nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ còn chậm…” – ông Hải bức xúc.
Đây cũng là khó khăn chung trong sản xuất nông nghiệp của ĐBSCL. Ông Phạm Văn Hiểu – Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP. Cần Thơ, nhận định: “Thực tiễn, đối với hộ nông dân khu vực đồng bằng, nếu chỉ trồng lúa hoặc chỉ sản xuất nông nghiệp mà gia đình không có nguồn thu nhập nào khác thì dù rất cố gắng, sản lượng thu hoạch cao và giá cả hợp lý đến đâu đi nữa, kinh tế gia đình cũng khó vươn đến loại khá. Chưa kể thị trường nông sản khá bấp bênh, nhiều sản phẩm nông nghiệp thường xuyên cần xã hội “giải cứu” do đầu ra không ổn định”.
Ông Phạm Văn Hiểu – Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP. Cần Thơ, chia sẻ tại Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu đóng góp nhiều giải pháp và nêu kiến nghị để phát huy tiềm năng, thế mạnh giúp ĐBSCL phát triển bền vững, hiệu quả và thích ứng với BĐKH, như: Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương phải đồng bộ với quy hoạch phát triển vùng, xác định rõ những nơi nào, ngành nào có lợi thế mạnh hơn để phát triển kinh tế và liên kết tốt hơn.
Chuyển đổi mô hình phát triển phù hợp với điều kiện tự nhiên (thuận thiên), đảm bảo tính ổn định và sinh kế của người dân, trong đó người dân và doanh nghiệp (DN) đóng vai trò trung tâm, nhà nước đóng vai trò định hướng, nhà khoa học có vai trò trọng yếu, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ.
Các đại biểu thống nhất: Coi ĐBSCL là một thể thống nhất, từ đó triển khai nhiều giải pháp, quy hoạch mang tính liên ngành, liên vùng. Giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội, tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới theo hướng “phát triển nhưng không để ai ở lại phía sau”.
GS.TS. Hà Thanh Toàn – Hiệu trường ĐH Cần Thơ, đóng góp ý kiến
Đặc biệt, cần liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng, giữa vùng với TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông Nam Bộ và rộng hơn là tiểu vùng sông Mê Kông thông qua các kết nối kinh tế, kết nối hạ tầng, từ đó thu hút vốn, con người, công nghệ, thúc đẩy hình thành chuỗi giá trị cho các sản phẩm, dịch vụ vùng.
Tiến sĩ Huỳnh Văn Tùng – Nguyên Viện trưởng Viện KT-XH TP. Cần Thơ, Phó Bí thư Huyện uỷ Thới Lai, TP. Cần Thơ, nhấn mạnh: “Bên cạnh đầu tư của Chính phủ, các địa phương ĐBSCL cần phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động huy động nguồn lực trong doanh nghiêp (DN) và nhân dân, huy động tối đa các nguồn lực tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, tăng cường năng lực hệ thống hạ tầng thích ứng với BĐKH, xem đây là khâu đột phá trong phát triển bền vững vùng.
Ông Nguyễn Trung Nhân – Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN TP.Cần Thơ điều hành phiên thảo luận
Đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng đến mục tiêu ĐBSCL trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp hiện đại, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên. Tập trung phát triển các chuỗi cung ứng, công nghiệp chế biến, công nghệ hỗ trợ, logictics phục vụ nông nghiệp, nông thôn theo quy hoạch được phê duyệt”.
Bà Trương Thị Ngọc Ánh – Phó CT/UB Trung ương MTTQVN, chia sẻ: “Bên cạnh các giải pháp về phát triển kinh tế, cần đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân, DN hiểu rõ tầm quan trọng của phát triển bền vững ĐBSCL. Vận động nhân dân chuyển từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”. Thực tiễn cho thấy nhiều mô hình kinh tế “thuận thiên” phát huy hiệu quả trong thời gian qua đều do nhân dân sáng tạo như: mô hình “lúa-tôm”, mô hình chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang đa canh,… đã tăng thu nhập cho nông dân.
Tôi đề nghị Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN các địa phương tiếp tục phát huy vai trò tập hợp, xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động sự tham gia của đội ngũ trí thức, doanh nhân và các tầng lớp nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương,… Ủy ban Trung ương MTTQVN sẽ tiếp tục tham gia cho ý kiến đóng góp vào các dự thảo Nghị quyết, Quyết định, chương trình của Quốc hội, Chính phủ nhằm phát triển bền vững vùng ĐBSCL”.
Đan Phượng