Số điện thoại:0913081908
Email:openskyhk@gmail
logo

Cà Mau: Thủy sản công nghệ cao vượt đại dịch

Chủ trương “Thích ứng an toàn, linh hoạt” của Chính phủ được các doanh nghiệp và người dân ngành thủy sản ĐBSCL nhanh chóng áp dụng để phục hồi sản xuất kinh doanh, phát triển hiện đại tạo sự ổn định mới.

Doanh nghiệp mở chuỗi nhà máy hiện đại

Ngày 27-10-2021, Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú khởi động chuỗi dự án nhà máy chế biến thuỷ sản tại Khu công nghiệp Khánh An, xã Khánh An (U Minh, Cà Mau). Chuỗi dự án gồm Nhà máy chế biến Tô Minh Phát, Nhà máy chế biến Tô Minh Quý, Nhà máy chế biến Tô Minh Phú cùng có công suất 18.000 tấn/năm và Nhà máy bao bì Quang Minh công suất 5.000 tấn/năm. Tại đây có hệ thống xử lý nước tập trung 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn xử lý 2.700 m3/ngày đêm, ứng dụng công nghệ tái sử dụng nước thải, xử lý nước mưa và nước mặt cho chế biến tôm xuất khẩu. Dự án triển khai theo mô hình kinh tế tuần hoàn và cân bằng Cacbon trong cả chuỗi giá trị tôm. Tổng mức đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng, trên diện tích 24,5 ha.

Tổng giám đốc Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú Lê Văn Quang cho biết thêm, dự án còn đầu tư khu nhà ở xã hội và các công trình phúc lợi cho công nhân. Việc xây dựng chuỗi dự án công nghệ cao chế biến tôm gắn với quan tâm nhu cầu phúc lợi cho công nhân nhằm nâng cao giá trị tôm Việt trên thị trường thế giới hiện đại.

Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau Nguyễn Tiến Hải và Tổng giám đốc Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú Lê Văn Quang (hai người ở giữa) tại lễ động thổ chuỗi nhà máy hiện đại

Dự sự kiện có Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Tiến Hải, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử và nhiều vị đại diện ban ngành tỉnh Cà Mau. Phát biểu tại buổi lễ, Phó chủ tịch Lê Văn Sử thay mặt lãnh đạo tỉnh Cà Mau bày tỏ vui mừng vì chuỗi dự án được khởi động trong tình hình dịch bệnh còn phức tạp, chứng tỏ nỗ lực vượt lên mạnh mẽ của doanh nghiệp ngành thủy sản. Ông nhấn mạnh, chuỗi nhà máy chế biến thuỷ sản Minh Phú đi vào hoạt động, kỳ vọng đem lại lợi ích lớn cho nhà đầu tư, đóng góp tích cực vào tổng giá trị sản xuất công nghiệp và giá trị xuất khẩu thuỷ sản của Cà Mau, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. Ông Sử cũng lưu ý nhà đầu tư quan tâm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong quá trình xây dựng, yêu cầu các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư thực hiện dự án đúng tiến độ.

Nông dân phát triển kỹ thuật cao

Ao ươm giống trong nuôi nuôi tôm hai giai đoạn của nông dân ở ấp Tân Lập, xã Tân Ân Tây (Ngọc Hiển, Cà Mau)

Những ngày đầu tháng 11, trên đầm nuôi tôm ở ấp Tân Lập, xã Tân Ân Tây (Ngọc Hiển, Cà Mau) không khí vụ mùa nhộn nhịp. Lão nông Mã Văn Khém kể “Vụ này nuôi tôm hai giai đoạn, gồm một ao ương tôm giống khi còn nhỏ và các ao thả nuôi khi tôm giống đã lớn. Chỉ cần hơn một triệu đồng có thể lo được ao ươm giống trải bạt, đảm bảo giảm chi phí mà tập trung chăm sóc tôm giống khỏe mạnh, đạt tỷ lệ sống cao. Trước đây với hơn 3 ha tôi thả 50.000 con giống, tỷ lệ hao hụt có khi đến 80% nên lời chẳng được bao nhiêu. Từ khi áp dụng nuôi tôm 2 giai đoạn, tôi chỉ thả 20.000 con giống, tỷ lệ hao hụt dưới 10%, tiền lời tính ra gấp 7 lần trước đây”, ông Khém nói.

Ấp Tân Lập là một trong bốn ấp của xã Tân Ân Tây có hơn 20 hộ áp dụng nuôi tôm hai giai đoạn từ 2 năm trước, có kết quả cao. Vụ này, những hộ đã áp dụng thì mở rộng thêm diện tích, nhiều hộ chưa áp dụng thì đăng ký để nhân viên kỹ thuật hướng dẫn làm ao ương và bón phân vi sinh trong ao nuôi. Tổng cộng vụ này có trên 40 hộ nuôi tôm hai giai đoạn. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ngọc Hiển Trần Minh Hoàng cho biết thêm, trong nuôi tôm còn vấn đề con giống kém chất lượng và phòng đã cử cán bộ kỹ thuật theo dõi sát tình hình nuôi của bà con để kịp thời hỗ trợ khi có bất thường xảy ra.

Nhiều nông dân đã hợp tác làm ăn để có thêm điều kiện ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến như 36 thành viên với 45 ao nuôi tôm thẻ chân trắng ở Hợp tác xã Nuôi tôm năng suất cao Tân Hưng ở xã Tân Hưng (Cái Nước, Cà Mau). Thành lập năm 2016, Hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp khoa học công nghệ, một số nhà khoa học để tăng năng suất tôm nuôi với nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng không kháng sinh, hoá chất. Nhờ đó, thu nhập bình quân của mỗi thành viên một năm là 420 triệu đồng và người lao động của Hợp tác xã cũng có thu nhập 72 triệu đồng.

Chủ tịch HÐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã Huỳnh Xuân Diện cho biết, tiếp tục củng cố vị trí hàng đầu trong tỉnh Cà Mau về nuôi thuỷ sản xuất khẩu và cung cấp các sản phẩm đầu vào từ con giống, vi sinh đến công nghệ nuôi. Trong đó, chú trọng đầu tư xây dựng khu nuôi có diện tích lớn.

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng

Ở tỉnh Cà Mau, địa phương có thế mạnh thủy sản hàng đầu nước ta, Sở Công thương cho biết, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 10 tháng đầu năm 2021 đạt 860 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2021, đầy khó khăn vì dịch Covid-19 nhưng cũng có lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết như CPTPP, EVFTA, UKVFTA,… giúp cho xuất khẩu giữ được đà tăng trưởng.

Còn cả nước, số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản trong tháng 10 đạt trên 918 triệu USD, tăng 330 triệu USD so với tháng 8 và tăng 290 triệu USD so với tháng 9. Luỹ kế xuất khẩu thuỷ sản 10 tháng đầu năm 2021 đạt trên 7,1 tỉ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này nhờ các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội, mở cửa phục hồi sản xuất.

Về thị trường, trong 10 tháng đầu năm, Mỹ chiếm 24% kim ngạch với gần 1,7 tỉ USD, tăng 25% so với cùng kỳ; Nhật Bản chiếm 15% với 1,08 tỉ USD, giảm 7%; Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đều chiếm khoảng 12% với lần lượt là 872 triệu USD, giảm 24% và 864 triệu USD, tăng 7%; Hàn Quốc chiếm 9% với 643 triệu USD, tăng 2%.

Khoa Lê – Duy Tương/Opensky

Bài viết liên quan