Số điện thoại:0913081908
Email:tranhuy.giaothongketnoi@gmail.com
logo

Hỗ trợ giảm phí, lệ phí: 3 kiến nghị, 6 đề xuất của Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không

Ông Phạm Việt Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không Việt Nam trao đổi về kiến nghị mức giảm phí, lệ phí nhiều mục cần nâng lên 50%, chứ không phải 10% như Dự thảo.

Tiếp tục những thông tin về dự thảo Thông tư quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ứng phó với dịch COVID-19, theo công văn số số 5377/BTC-CST của Bộ Tài chính, Diễn đàn doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Việt Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không Việt Nam.

Ông Phạm Việt Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không Việt Nam

- Xin ông cho biết, Hiệp hội có quan điểm thế nào về Dự thảo Thông tư hỗ trợ giảm các khoản phí, lệ phí cho các doanh nghiệp, trong đó có lĩnh vực hàng không?

Việc Bộ Tài chính ban hành dự thảo Thông tư nói trên đã thể hiện tinh thần cảm thông với khó khăn của các doanh nghiệp nói chung và lĩnh vực hàng không nói riêng. Từ đó, đưa ra đề xuất giảm phí, lệ phí đối với nhiều khoản mục có liên quan trực tiếp và gián tiếp tới hoạt động của ngành.

Trên thực tế, từ khi dịch bệnh bùng phát ở Việt Nam vào đầu năm 2020, Nhà nước, trong đó có Bộ Tài chính đã có nhiều quyết định hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không vượt qua các khó khăn. Đây là những quyết định rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay, giúp các doanh nghiệp hàng không duy trì tính thanh khoản khi doanh thu giảm sút, trong khi các khoản chi phí cố định vẫn ở mức rất cao.

Tuy nhiên, việc giảm các khoản phí, lệ phí cho doanh nghiệp không thể là giải pháp lâu dài, bởi nó không chỉ ảnh hưởng tới thu ngân sách, mà còn ảnh hưởng tới điều kiện để nâng cao chất lượng các dịch vụ gắn với những khoản phí, lệ phí này.

- Vậy Hiệp hội có ý kiến gì về các mức thu phí nêu trên, thưa ông?

Theo tôi, riêng đối với ngành hàng không có những điểm chưa phù hợp, ở những khía cạnh chủ yếu sau:

Thứ nhất, cần bổ sung thêm một số khoản phí, lệ phí khác có liên quan tới hoạt động của các doanh nghiệp ngành hàng không. Chúng ta đều biết rằng, không chỉ các hãng hàng không, mà cả các sân bay, cảng hàng không, các doanh nghiệp phục vụ và dịch vụ mặt đất, … đều có những khoản phí, lệ phí phải nộp và cần được giảm để vượt qua khó khăn hiện nay. Việc xem xét, giảm bớt những khoản mục phí, lệ phí này không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành, mà còn có tác dụng thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đối với cải cách hành chính và đơn giản hóa các thủ tục hành chính.

Thứ hai, cần nâng cao mức giảm phí, lệ phí nhiều hơn so với quy định trong Dự thảo thông tư. Vừa qua, các doanh nghiệp ngành hàng không đã tìm cách tiết giảm chi phí dưới nhiều hình thức, đặc biệt là các khoản chi phí chiếm tỷ trọng lớn. Các khoản phí, lệ phí hiện chủ yếu được thực thu theo hình thức cố định (chủ yếu phục thuộc vào chuyến bay, không phụ thuộc vào số lượng hành khách).

Việc giảm số lượng khách nói chung và số lượng khách bay mỗi chuyến khiến mức phí, lệ phí phân bổ cho mỗi hành khách tăng lên, ảnh hưởng tới sức mua, tạo ra tác động ngược với các biện pháp thu hút khách bay của các doanh nghiệp, đặc biệt là các hãng bay. Trong khi các hãng bay phải tìm cách hạ giá vé, xu hướng trên làm mức lỗ trên mỗi khách bay tăng lên.

Vì vậy, chúng tôi đề nghị các mức giảm phí, lệ phí liên quan trực tiếp tới hoạt động của các hãng bay (mục 14, mục 15, mục 16) là 50% chứ không phải chỉ là 10% như quy định trong Dự thảo Thông tư.

Thứ ba, cần kéo dài thêm thời gian giảm lệ phí cho các doanh nghiệp. Dự thảo Thông tư đưa thời gian thực hiện giảm phí, lệ phí chỉ kéo dài tới hết 31/12/2021, tức là 6 tháng. Tất nhiên, Nhà nước hỗ trợ đến đâu thì doanh nghiệp đỡ khó khăn đến đó. Nhưng trong tình hình hiện nay, các chuyên gia thế giới đều dự báo rằng theo kịch bản lạc quan nhất cũng phải đến hết 2022, ngành hàng không mới phục hồi lại được và chỉ đạt mức trước dịch vào năm 2024.

Trước đó, nhiều chính sách ban hành năm 2020 dự kiến chỉ có hiệu lực tới hết năm 2020 nhưng đã lần lượt được gia hạn, kéo dài thời gian hiệu lực. Đương nhiên, những quy định tại Thông tư này, sau khi hết thời gian có hiệu lực, vẫn có thể được gia hạn hoặc kéo dài nếu tình hình vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Nhưng để doanh nghiệp có thể chủ động xây dựng được kế hoạch ứng phó nhất quán hơn, thì Chính phủ nên quy định thời gian có hiệu lực thích hợp ngay từ đầu.

Chúng tôi đề nghị kéo dài thời gian thực hiện chính sách giảm phí/ thuế cho tới hết năm 2022, ít nhất là tới 30/6/2022.

Doanh nghiệp Hàng không đề nghị mức giảm phí, lệ phí liên quan trực tiếp tới hoạt động của các hãng bay (mục 14,15,16) là 50% chứ không phải chỉ là 10% như quy định trong Dự thảo

Doanh nghiệp Hàng không đề nghị mức giảm phí, lệ phí liên quan trực tiếp tới hoạt động của các hãng bay (mục 14,15,16) là 50% chứ không phải chỉ là 10% như quy định trong Dự thảo

- Kỳ vọng của ngành hàng không trong giai đoạn tới là gì và nếu dịch bệnh vẫn tiếp tục phức tạp, thì cần có biện pháp gì thêm để giữ và kích thích hoạt động, thưa ông?

Trong ngắn hạn, triển vọng của ngành hàng không thế giới vẫn sẽ chưa sáng sủa. Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) dự báo, sản lượng vận chuyển khách toàn cầu bằng đường hàng không năm 2021 chỉ bằng 33% so với năm 2019. Khả năng, thị trường hàng không thế giới đến năm 2024 mới có thể phục hồi quy mô như giai đoạn trước dịch.

Nhiều chuyên gia đã đưa ra nhận định, tốc độ phục hồi phụ thuộc vào việc các nước triển khai tiêm vaccine ngừa COVIDd-19. Với giả định, các nước có thể thực hiện được kế hoạch này, thì ngành hàng không thế giới mới có thể gượng dậy từ nửa cuối năm 2021. Nhưng nhiều người vẫn cho rằng, mục tiêu ưu tiên của các hãng hàng không vẫn là “cố để sống sót hơn là kỳ vọng phát triển”.

Đối với ngành hàng không Việt Nam, 2021 vẫn là một năm khó khăn, xu hướng này có thể vẫn kéo dài tới giữa năm 2022. Để các doanh nghiệp hàng không có thể chủ động thực hiện những giải pháp của mình, Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện những biện pháp sau:

Một là, kiểm soát dịch bệnh tốt để đảm bảo điều kiện hoạt động bình thường của ngành hàng không. Bao gồm triển khai công tác phòng ngừa dịch bệnh một cách tích cực, xây dựng các kịch bản khác nhau để kiểm soát nguồn lây lan dịch bệnh. Một trong những trọng tâm cần được quan tâm và đầu tư nhiều hơn là kiểm soát người nước ngoài nhập cư trái phép vào Việt Nam.

Xử lý nghiêm khắc hơn các trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch. Những biện pháp chế tài hiện tỏ ra chưa đủ kiên quyết, chưa đủ mạnh, chưa tương xứng với hậu quả do các hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh.

Đầu tư mạnh và có hiệu quả hơn nữa cho việc nghiên cứu phòng ngừa dịch bệnh và chữa các bệnh xuất phát từ dịch bệnh (cả cho trước mắt và lâu dài).

Hai là, tái cấu trúc nền kinh tế, thúc đẩy quá trình tăng trưởng và nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó có những ngành, những lĩnh vực tạo ra cầu lớn về dịch vụ của ngành hàng không. Những lĩnh vực cần đặc biệt chú trọng trong thời gian tới là phục hồi và phát triển ngành du lịch, đẩy mạnh các hoạt động đầu tư trong nước và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Ba là, tiếp tục đầu tư, nâng cao năng lực của cơ sở hạ tầng cho ngành hàng không.

Bốn là, thúc đẩy và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho ngành hàng không, trong đó có việc kêu gọi, khuyến khích và hỗ trợ đầu tư vào các cơ sở đào tạo nhân lực cao cho ngành.

Năm là, hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam tham gia tích cực hơn vào các chuỗi cung ứng của ngành hàng không. Ngành hàng không Việt Nam không thể tạo ra những chuỗi cung ứng (cục bộ hoặc tổng thể) khép kín, nhưng điều cần thiết là cần có được một hoặc một số doanh nghiệp tham gia ở những mức độ khác nhau trong tất cả các khâu của mọi chuỗi cung ứng. Việc này cần được thực hiện trong dài hạn theo một chiến lược có sự điều tiết của Nhà nước. Quá trình tái cấu trúc các chuỗi cung ứng đang tạo ra những cơ hội tốt mà Việt Nam cần khai thác để tạo cho ngành hàng không Việt Nam một vị thế mới.

Sáu là, triển khai một cách có hiệu quả, kịp thời các biện pháp ngắn hạn hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp hàng không để các doanh nghiệp hàng không vượt qua được những khó khăn, thách thức do dịch COVID-19 gây ra.

Xin cảm ơn ông!

Mức giảm phí, lệ phí đối với ngành Hàng không:

Mục 14: Phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay: Bằng 90% mức thu phí quy định tại Điều 4 Thông tư số 247/2016/TT-BTC.

Mục 15: Phí hải quan, lệ phí ra, vào cảng hàng không, sân bay đối với chuyến bay của nước ngoài đến các Cảng hàng không Việt Nam: Bằng 90% mức thu phí, lệ phí quy định tại Điều 4 Thông tư số 194/2016/TT-BTC.

Mụcc 16: Phí thẩm định cấp chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận trong hoạt động hàng không dân dụng; cấp giấy phép ra vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay: Bằng 80% mức thu phí quy định tại Mục VI và Mục VIII Phần A Biểu mức thu phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không ban hành kèm theo Thông tư số 193/2016/TT-BTC.

Riêng nội dung thu tại các số thứ tự: 4.1, 4.2, 4.3, 4.4, 4.5.1, 5, 6 của Mục VI và số thứ tự 4 của Mục VIII phần A: Bằng 100% mức thu phí tương ứng quy định tại Mục VI và Mục VIII Phần A Biểu mức thu phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không ban hành kèm theo Thông tư số 193/2016/TT-BTC.

(Trích Dự thảo Thông tư)

Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp

Bài viết liên quan

VPĐD Hội ATGT tại Cần Thơ phối hợp với Công an thành phố chung tay, góp sức, chia sẻ yêu thương để vượt qua “đại dịch”

VPĐD Hội ATGT tại Cần Thơ phối hợp với Công an thành phố chung tay, góp sức, chia sẻ yêu thương để vượt qua “đại dịch”

Hội An toàn giao thông Việt Nam tại Cần Thơ cùng Tạp chí Opensky, phối hợp (Đoàn Thanh niên, HPN, Công đoàn) Công an TP. Cần Thơ, Công ty CP TT Giải Trí Đại Việt, Công ty TNHH SXTM Tân Quang Minh, CĐ VPĐD Agribank TNB, VP CT Cửu Long,...
Cần Thơ: VKSND thành phố Cần Thơ thăm, tặng quà tại các chốt kiểm soát dịch bệnh với tinh thần “tương thân, tương ái”

Cần Thơ: VKSND thành phố Cần Thơ thăm, tặng quà tại các chốt kiểm soát dịch bệnh với tinh thần “tương thân, tương ái”

Ngày 30-8, VKSND TP Cần Thơ đã tổ chức các Đoàn công tác công tác đến thăm, tặng quà cho lực lượng làm nhiệm vụ tuyến đầu tại một số chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19. Góp phần động viên, chia sẻ trước những khó khăn vất vả của lực...