Số điện thoại:0913081908
Email:tranhuy.giaothongketnoi@gmail.com
logo

Phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới

Ngày 18-3, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTT-DL) phối hợp tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2022, Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP. HCM và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL  và phát động “Mở cửa lại du lịch trong điều kiện bình thường mới”.

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đoàn Văn Việt chỉ đạo tại Hội nghị

Năm 2020, tổng lượt khách du lịch (DL) đến TP. Hồ Chí Minh (TP/HCM) đạt 17,182 triệu lượt, giảm 66,6%, trong đó khách  quốc tế đạt 1,303 lượt, giảm 84,8% so với cùng kỳ. Tổng thu DL là 84.512 tỷ đồng, giảm 39,6% so với cùng kỳ. Ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), khách du lịch đạt 27,781 triệu lượt, giảm 41,28% so với cùng kỳ. Doanh thu DL đạt 21.879 tỷ đồng, giảm 48,26% so với cùng kỳ.

Năm 2022, nhiều tỉnh, thành đã thực hiện các biện pháp để phát triển ngành kinh tế mũi nhọn này và đã đạt thành quả bước đầu. Ông Nguyễn Lưu Trung – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết: “2 tháng đầu năm 2022, Kiên Giang đón trên 1 triệu lượt khách (tăng 27,1% so cùng kỳ, đạt 18,8% kế hoạch năm), trong đó TP. Phú Quốc đón 740.000 lượt khách (tăng 30,1% so cùng kỳ), khách quốc tế ước đón 18.687 lượt khách, đạt 10,4% kế hoạch năm. Riêng chương trình đón khách quốc tế đến Phú Quốc sử dụng hộ chiếu vaccine, đã đón 10 chuyến bay với 1.282 khách… Để có thành công trên, Kiên Giang tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá. Xây dựng sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Liên kết hợp tác phát triển du lịch. Đào tạo nguồn nhân lực. Quy hoạch và đầu tư hạ tầng du lịch”.

Lãnh đạo UBND TP/HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL ký kết Quy chế phối hợp thực hiện Thoả thuận LKHT phát triển DL đến năm 2025

Tuy nhiên, để tái khởi động DL, Kiên Giang đang gặp các trở ngại như: Tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Các đơn vị cung ứng dịch vụ DL gặp nhiều khó khăn trong quá trình mở cửa đón khách vì cơ sở vật chất xuống cấp do thời gian dài không hoạt động. Chuỗi cung ứng dịch vụ giữa các doanh nghiệp (DN) bị đứt gãy… Đây cũng là khó khăn chung của ngành du lịch TP. HCM và ĐBSCL.

Bà  Phan Thị Thắng – Phó CT/UBND TP.HCM, Phó CT Hội đồng Liên kết vùng, bổ sung: “Hơn 98% doanh nghiệp (DN) ngành du lịch là vừa và nhỏ, dưới tác động của đại dịch, nhiều DN phải chuyển loại hình kinh doanh hoặc đóng cửa. Hiện nay thị hiếu của du khách có nhiều thay đổi với xu hướng đi nhóm nhỏ, đi ít ngày hơn, đi gần và nhu cầu của du khách về đảm  bảo an toàn phòng chống đại dịch đối với cơ sở du lịch rất cao. Do nhu cầu cạnh tranh, nhiều nước trong khu vực có nhiều chương trình kích cầu du lịch cùng với chính sách nhập cảnh khá dễ dàng, đang tác động đến sức cạnh tranh của thị trường Việt Nam đối với khách du lịch quốc tế lẫn nội địa”.

Lãnh đạo Bộ VHTT&DL và các đại biểu thực hiện nghi thức phát động “Mở cửa lại du lịch trong điều kiện bình thường mới”

Tại Hội nghị, lãnh đạo các tỉnh, thành trình bày Giải pháp của địa phương đồng thời kiến nghị các biện pháp để phát triển du lịch (DL). Các đại biểu thống nhất  với kế hoạch liên kết hợp tác phát triển du lịch (LKHTPTDL) vùng năm 2022. Trong đó Phó CT/UBND TP/HCM Phan Thị Thắng nhấn mạnh: “Trong năm 2022, UBND TP/HCM sẽ chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến độ xây dựng website chung của vùng, quảng bá du lịch các địa phương trong liên kết một cách hiệu quả. Các hoạt động kết nối giao thương giữa DN du lịch, DN cung ứng dịch vụ các tỉnh, thành phố để trao đổi thông tin, sản phẩm, mở rộng giao thương giúp DN có thêm nhiều cơ hội để hợp tác xây dựng và bán sản phẩm cũng cần được tổ chức nhiều hơn và luân phiên tại các tỉnh”.

Với vai trò Cụm trưởng Cụm LKHTPTDL vùng, ông Nguyễn Thực Hiện - Phó CT/UBND TP. Cần Thơ, kiến nghị: Cần phát huy hơn nữa vai trò của Cụm phía Tây và Cụm phía Đông khu vực Tây Nam Bộ trong HTLKPTDL vùng. Các địa phương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách đặc thù trong đầu tư phát triển DL. Phát triển thị trường – sản phẩm và đẩy mạnh xã hội hoá trong DL.  Tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá các sự kiện DL và chia sẻ kinh nghiệm về công tác quản lý nhà nước về DL giữa các địa phương”.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ông Đoàn Văn Việt ghi nhận kiến nghị của lãnh đạo TP/HCM và 13 tỉnh, thành cùng các DN du lịch: “Tôi rất vui mừng khi thông qua hoạt động liên kết đã thể hiện sự hợp tác chặt chẽ giữa các địa phương. Tạo nên sức hấp dẫn du khách qua 3 trục tuyến du lịch chính của vùng (Những nẻo đường phù sa, Non nước hữu tình và Sắc màu vùng biên); Sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp thông qua hàng chục chương trình kích cầu du lịch. Hoạt động liên kết đem lại sự đa dạng hoá và hướng tới khai thác sự nổi trội về sản phẩm du lịch giữa các địa phương, như: Cần Thơ có du lịch sông nước, khai thác chợ nổi, An Giang phát triển lợi thế về du lịch tâm linh, Kiên Giang phát huy sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển đảo,… Liên kết phát triển du lịch đã góp phần thúc đẩy đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông giữa TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL. Một số tuyến đường cao tốc đã được gấp rút triển khai góp phần rút ngắn thời gian di chuyển giữa các địa phương (tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận). TP/HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL, đã xác định được trọng tâm lĩnh vực liên kết hợp tác và ký kết quy chế, thỏa thuận hợp tác liên vùng. Đây là cơ sở quan trọng để các địa phương đẩy mạnh triển khai các hoạt động tái khởi động DL thực chất, hiệu quả trong thời gian tới”.

Thứ trưởng thông tin: Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) dự báo năm 2022, lượng khách du lịch quốc tế có thể tăng từ 30% đến 78% so với năm 2021. Tỷ lệ tiêm chủng ngày càng tăng, kết hợp với việc nới lỏng các hạn chế đi lại đã giúp giải phóng nhu cầu du lịch bị dồn nén tại các quốc gia. Đây là tín hiệu khả quan của du lịch thế giới cho thấy nhu cầu đi du lịch của du khách trên toàn cầu đã thực sự quay trở lại: “Để ngành DL phát triển mạnh mẽ, TP. HCM và 13 tỉnh, thành cùng các DN cần  tập trung khôi phục sản phẩm du lịch đường sông, du lịch gắn với khai thác hoạt động nông nghiệp, sinh thái; du lịch văn hoá miệt vườn,… Về đường bay, ngoài khai thác nguồn khách từ TP. Hồ Chí Minh, cần chú trọng khai thác khách đến sân bay quốc tế Cần Thơ bao gồm đường bay nội địa và các đường bay quốc tế (kết nối trực tiếp với Bangkok, Kuala Lumpur, Seoul và Đài Bắc)… Đề nghị TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Du lịch, triển khai các nội dung phát triển du lịch, quảng bá, xúc tiến DL theo định hướng, chủ trương của Bộ VHTT&DL trong truyền tải thông điệp “Live fully in Vietnam - Sống trọn vẹn tại Việt Nam”- đối với thị trường quốc tế và “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn” - đối với thị trường nội địa… ” Thứ trưởng nhấn mạnh.

Bà  Phan Thị Thắng – Phó CT/UBND TP. HCM (áo đỏ, đứng giữa), tặng quà lưu niệm cho Lãnh đạo Bộ VHTT&DL và lãnh đạo các tỉnh, thành phố

 Đỗ Thiện - Đan Phượng

Bài viết liên quan