Số điện thoại:0913081908
Email:openskyhk@gmail
logo

Nông dân vùng ĐBSCL khóc ròng vì cam sành rớt giá thê thảm

Ngày 10-2, thông tin từ UBND huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, cho biết, hiện cam sành đang rớt giá thê thảm, khiến nông dân trên địa bàn huyện đang gặp rất nhiều khó khăn.

Vườn cam sành đến mùa thu hoạch

Các nhà vườn trồng cam tại huyện Tam Bình, huyện Trà Ôn và thị xã Bình Minh cho biết gần 1 tháng nay giá cam liên tục giảm. Thậm chí, có loại thương lái không mua, hoặc mua với giá rất thấp. Nhà vườn không bán thì bỏ rụng.

Ông Nguyễn Văn Út (quê Trà Vinh) cho hay ông cùng vợ và một số anh em lên xã Đông Thạnh, thị xã Bình Minh thuê 70ha đất để trồng cam. "Hiện cam già còn xanh, loại tốt nhất có giá 4.000 - 6.000 đồng/kg, giảm 2.000 - 3.000 đồng/kg so với tháng trước. Còn loại cam đã chín thương lái không mua, hoặc mua thì cũng chỉ 1.000 - 2.000 đồng/kg". - ông Út nói.

Ông Út cho biết thêm, để trồng cam ông phải thuê đất giá 6 triệu đồng/công/năm. Chi phí vật tư giờ cũng rất đắt, gấp đôi mấy năm trước. Tiền thuê nhân công làm xuyên suốt. "Anh em tui giờ như ngồi trên đống lửa, ít tháng nữa 30ha cam của tôi thu hoạch rộ. Nếu giá như bây giờ là lỗ nặng". - ông Út buồn bã nói.

Nhà vườn thu hoạch cam ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long

Theo ghi nhận của PV, trước đây huyện Trà Ôn có 14.000ha đất trồng lúa. Nhưng nay đã giảm chỉ còn 3.000ha, 9.000ha còn lại đã chuyển qua trồng cam sành. Đây là địa phương trồng cam lớn nhất tỉnh Vĩnh Long. Có nơi như xã Thới Hòa 100% diện tích trồng cam, không còn diện tích lúa.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Ôn, giá cam nhiều tuần nay liên tục giảm. Nhiều vườn cam chín rụng nhưng vẫn không có người mua. Ước tính mỗi ha cam ở đất Trà Ôn cho năng suất khoảng 50 tấn. Với hơn 9.000ha diện tích trồng cam thì mỗi ngày địa phương này tồn đọng hơn 1.000 tấn trái.

Tại vùng ĐBSCL, cam sành được trồng nhiều nhất tại các tỉnh Vĩnh Long, Hậu Giang, Trà Vinh… Thời hoàng kim, cây cam sành đã mang lại nguồn thu nhập khủng cho nông dân. Không chỉ giúp bà con xóa đói giảm nghèo mà còn giúp họ làm giàu. Thậm chí ở xã Tân Thành, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang có một câu lạc bộ của những nông dân giàu kinh nghiệm, có thu nhập từ 1 tỷ đồng trở lên gọi là Câu lạc bộ tỷ phú cam sành. Những năm gần đây, cam sành cũng như nhiều loại nông sản khác của Việt Nam liên tục rơi vào cảnh rớt giá. Cây cam một thời tiêu biểu cho sự sung túc của đời sống nông dân thì nay cũng lâm vào cảnh khốn đốn.

Trần Tú – Gia Gia

Bài viết liên quan