Đặc sản mắm Châu Đốc, An Giang
Ai đã một lần được thưởng thức mắm Châu Đốc, sẽ thấy lắng đọng những dư vị đặc trưng sông nước miền Tây, kết tinh dư vị của trời đất ban tặng từ nguồn cá, tôm thiên nhiên phong phú, kết hợp với công sức sáng tạo không ngừng nghỉ của người dân nơi đây. Chính nhờ trữ lượng cá dồi dào đó, người dân nơi đây đã khéo nghĩ ra cách phơi cá khô để dự trữ ăn dần, theo thời gian họ nghĩ ra cách làm mắm. Nguồn nguyên liệu phong phú với các loài: Cá lóc, cá chốt, cá kèo, cá trèn, cá linh, cá sặc, cua đồng, ba khía,… kết hợp các loại nông sản sẵn có ở địa phương, cùng với cách chế biến hết sức công phu, cách tẩm ướp nguyên liệu với những loại gia vị là “thính” mắm và “chao” đường,… sẽ làm cho hương vị của mắm Châu Đốc có màu sắc tươi ngon, tỏa hương thơm quyến rũ.
Một cửa hàng bán mắm với những sản phẩm vàng tươi ngon, thơm nồng, hấp dẫn
Chợ mắm tập trung ở khu du lịch núi Sam hay chợ Châu Đốc, nơi tập trung đông đảo du khách tham quan, với nhiều cửa hàng bán mắm “gia truyền” lớn như: Thảo 222, Bà Giáo Khỏe, Bà Giáo Thắm, Cô Giáo Ngọc, Cô Tư Ấu,… Đến các khu chợ này người mua sẽ được lựa chọn đủ loại mắm với giá cả phải chăng, giao động từ 30.000-150.000/Kg tùy theo loại mắm như: Mắm thái, mắm dưa leo, mắm đu đủ, mắm cá lóc, mắm cá chốt, mắm cá trèn, mắm cá linh, mắm cá sặc,…
Mắm Châu Đốc có thị trường tiêu thụ khá rộng lớn do nằm ở vị trí đắc địa, là trung tâm du lịch nổi tiếng của tỉnh An giang cũng như vùng đồng bằng sông Cửu Long. Châu Đốc có khu danh thắng núi Sam với nhiều di tích văn hoá được xếp hạng cấp Quốc gia, trong đó có Miếu Bà Chúa Xứ, Lăng Thoại Ngọc Hầu nổi tiếng cả nước. Đặc biệt, Lễ hội Vía Bà Chúa xứ núi Sam từ năm 2000 đến nay được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nâng cấp thành Lễ hội cấp Quốc gia. Vì thế, Châu Đốc đón hàng triệu lượt khách đến du lịch mỗi năm, làm cho làng nghề làm mắm vốn đã thịnh vượng lại càng nức tiếng gần xa. Mắm Châu Đốc không chỉ tiêu thụ trong phạm vi nội địa mà còn là mặt hàng xuất khẩu sang nước ngoài giành cho những người Việt xa xứ nhớ hương vị quê hương, không chỉ đáp ứng nhu cầu của du khách trong nước mà còn giành cho “khách Tây” muốn thử dư vị lạ.
Một góc chợ Châu Đốc với sản phẩm bày bán là khô và mắm
Ngày nay, trên địa bàn thành phố Châu Đốc có hàng trăm hộ sản xuất và kinh doanh các loại mắm đặc sản “gia truyền”. Nhờ không ngừng tìm tòi, học hỏi, đổi mới phương pháp sản xuất, nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì ngày càng đẹp hơn, cung cách phục vụ khách hàng lịch sự, nhiệt tình nên “Đặc sản mắm Châu Đốc” ngày càng mở rộng thị trường và thu hút khách hàng gần xa. Những du khách đã từng đến An Giang du lịch đa phần đều ghé thăm chợ mắm Châu Đốc để mua mắm, mua khô về làm quà cho gia đình, bè bạn.
Với lịch sử hình thành hơn 1 thế kỷ, làng nghề mắm Châu Đốc đã được Cục Sở hữu Trí tuệ công nhận là “Đặc sản mắm Châu Đốc”. Người dân Châu Đốc luôn tự hào và sống khỏe với nghề “gia truyền” do ông cha để lại. Họ không ngừng nâng cao tay nghề, tích cực quảng bá thương hiệu mắm Châu Đốc như một đặc sản “Quốc hồn, Quốc túy” đến với mọi miền đất nước và du khách nước ngoài. “Vương Quốc mắm” như cách gọi trìu mến của du khách khi đến Châu Đốc quả là danh bất hư truyền, mãi lắng đọng những dư vị đặc trưng sông nước miền Tây, mặn mà tình quê trong mỗi người khi được thưởng thức.
Hoàng Khánh - Chiến Khu