Số điện thoại:0913081908
Email:openskyhk@gmail
logo

Miền Tây: Chịu ảnh hưởng nặng từ hiện tượng El-Nino

Kênh rạch khô nứt nẻ, đường sá sạt lở, sụt lún khiến giao thông ách tắc, hàng chục nghìn người dân thiếu nước sạch sinh hoạt,… đó là những gì đã và đang diễn ra tại nhiều địa phương ở vùng ĐBSCL hiện nay.

Khô hạn, sụt lún bủa vây

Mùa khô năm nay, tỉnh Cà Mau là một trong những địa phương đang phải gánh chịu nhiều ảnh hưởng bởi hiện tượng El-Nino. Nắng hạn gay gắt làm cho cây cối, ruộng đồng, kênh mương,… và cả con người đều rơi vào tình cảnh “khát” nước. Hơn lúc nào hết người dân địa phương này mong ngóng mưa như “con thơ ngóng trông mẹ đi chợ về”. Hiện nay, vùng ĐBSCL đang bước vào giai đoạn cuối mùa khô, nhưng tình trạng nắng nóng oi bức vẫn còn khắc khiệt, nhiều nơi nắng gay gắt từ 37 – 38 độ.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, ngụ huyện Trần Văn Thời cho hay: “Nhiều tuyến kênh rạch ở huyện Trần Văn Thời giờ đã khô trơ đáy, ghe xuồng không thể đi lại được. Còn đường bộ thì nhiều nơi bị sụt lún, sạt lở khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn. Hạn hán gây thiệt hại nhiều đến đời sống, sản xuất của người dân địa phương”.

Nhiều tuyến kênh giờ đã khô trơ đáy, ghe xuồng không thể đi lại được

Tính đến cuối tháng 4-2024, ảnh hưởng của hạn hán, mặc dù tình hình sạt lở, sụt lún đất ở huyện Trần Văn Thời có dấu hiệu giảm, song trên địa bàn vẫn còn xuất hiện vài vị trí có dấu hiệu sụt lún mới. Trong đó, có 3 vị trí nằm trên tuyến đường bờ nam kênh Quảng Hảo thuộc xã Trần Hợi; 1 vị trí trên tuyến bờ bắc kênh Cơi Nhì và 1 vị trí trên tuyến bờ Đông kênh Hiệp Hoà, thuộc xã Khánh Hưng.

Từ đầu mùa khô đến nay, vùng ngọt huyện Trần Văn Thời đã có 135 tuyến đường xảy ra tình trạng sụt lún, sạt lở đất do ảnh hưởng bởi khô hạn với tổng chiều dài hơn 17km (đường bê tông hơn 13km), thiệt hại ước tính hơn 26 tỷ đồng.

Theo thông tin từ UBND huyện Trần Văn Thời, để ứng phó với hạn hán, sụt lún đất, đến cuối tháng 4, địa phương này đã thực hiện kè cây tạm tại 105 vị trí với chiều dài hơn 2,1km; cắt tỉa khoảng 2.000 cây tại 170 tuyến đường. Dự báo khi mùa mưa đến, nước len lỏi qua những khe nứt khiến cho tình trạng sạt lở sẽ còn diễn ra.

Rừng khô, người khát

Toàn tỉnh Cà Mau hiện có hơn 45.000ha rừng đang trong tình trạng khô hạn nặng, trong đó khoảng 31.000ha rừng đang ở mức cảnh báo cháy cấp 5. Tình trạng nắng nóng, khô hạn kéo dài trên diện rộng khiến phần lớn diện tích rừng ở Cà Mau đang có nguy cơ cháy cao. Vì vậy, chính quyền địa phương luôn trong tâm thế sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ chữa cháy khi có cháy xảy ra.

Hiện tại, mực nước ở các kênh mương trong phần rừng ngập ngọt Cà Mau đang xuống thấp do nắng nóng gay gắt khiến nước bốc hơi nhanh. Hiện mực nước có khu vực cao nhất khoảng 2m và thấp nhất là 0,05m. Với tình trạng nắng nóng như hiện nay thì diện tích lâm phần được dự báo cháy cấp 5 sẽ còn tăng lên trong vài ngày tới.

Trước tình trạng trên, ngành chuyên môn địa phương đã phối hợp với các chủ rừng thực hiện khảo sát, dự báo cấp cháy hàng tuần. Qua đó, kịp thời khắc phục những khó khăn, phát sinh trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô, không để xảy ra bị động.

Tình trạng hạn hán xâm nhập mặn tăng cao, gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và cuộc sống của người dân

Bộ NN-PTNT cho biết, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino và tình trạng gia tăng khai thác nước ở thượng nguồn sông Mê-Kông làm cho nguồn nước về vùng ĐBSCL bị thiếu hụt, dẫn tới tình trạng hạn hán xâm nhập mặn tăng cao, gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia, hiện tượng El Nino sẽ suy yếu dần và chuyển sang trạng thái trung tính từ khoảng tháng 4 – 6.2024 với xác suất từ 75 – 80%; từ tháng 7 đến tháng 9-2024 có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất từ 55-65%.

Vùng ĐBSCL hiện có hơn 50.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt nông thôn, riêng tỉnh Cà Mau có hơn 2.600 hộ. Các khu vực dân cư bị thiếu nước do nguồn nước ngầm suy giảm, không đủ khả năng cung cấp theo nhu cầu sử dụng như ở Cần Đước, Cần Giuộc (Long An); U Minh, Trần Văn Thời (Cà Mau). Nguồn nước mặt tại các công trình cấp nước tập trung bị nhiễm mặn với độ mặn vượt ngưỡng cho phép như các công trình cấp nước ở các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang…

Đồng thời, các hộ dân sống phân tán ở những khu vực chịu ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn và chưa được cấp nước từ công trình cấp nước tập trung và thiếu dụng cụ trữ đủ nước ngọt để sử dụng trong thời gian bị thiếu nước, xâm nhập mặn tập trung tại các tỉnh như Long An, Tiền Giang, Cà Mau và Kiên Giang.

Trong những tháng cao điểm của mùa khô nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã vận chuyển hàng nghìn m3 nước ngọt sinh hoạt và nước uống đến hỗ trợ miễn phí cho người dân các địa phương như xã Biển Bạch (huyện Thới Bình); Khánh Thuận (huyện U Minh); Trần Hợi, Khánh Bình Đông (huyện Trần Văn Thời),… Qua đó, góp phần giúp người dân giảm bớt gánh nặng tiền mua nước ngọt để sử dụng.

Bà Trần Thị Phước (71 tuổi, ngụ ấp 18, xã Biển Bạch) phấn khởi khi nhận được nước uống từ các nhà hảo tâm trao tặng. Bà bảo nhờ vậy mà gia đình bớt được gánh nặng tiền mua nước uống, nước sinh hoạt. “Tình trạng thiếu nước uống, nước sinh hoạt kéo dài khoảng 2 tháng nay do nguồn nước tích trữ từ các lu đã cạn kiệt. Gia đình tôi phải mua nước từ nơi khác vận chuyển tới với giá 40.000 - 45.000 đồng/m3. Nhưng khi nào rảnh rỗi họ mới chở tới bán, mình phải sử dụng tiết kiệm trong sinh hoạt hằng ngày chứ chẳng biết làm sao. Được tặng nước vào lúc này quả thật nước quý giá như vàng. Mong cho mùa mưa sớm tới để người dân nơi đây đỡ phần vất vả vì tình trạng thiếu nước sinh hoạt”, bà Phước nói.

Để “chữa khát” cho người dân khu vực thiếu nước ở Cà Mau, tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo ngành chuyên môn mở rộng đường ống dẫn nước từ các công trình cấp nước tập trung để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân khu vực thiếu nước. Đồng thời, tỉnh xuất kinh phí khoảng 10 tỷ đồng để hỗ trợ một số địa phương mua dụng cụ chứa nước, nối dài đường ống nhằm ứng phó với hạn mặn.

Ông Trần Anh Phương - Phó trưởng phòng Cấp nước và kế hoạch kỹ thuật, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết: “Trước nhu cầu bức xúc của người dân về nước sinh hoạt, thông qua nhà tài trợ, trung tâm đã tiếp nhận 1.500m ống và tiến hành huy động nhân lực tiến hành lắp đặt mở rộng đường ống dẫn nước từ Trạm cấp nước Vườn quốc gia U Minh Hạ về ấp Minh Hà B, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời với chiều dài 2km (trung tâm xuất kho thêm 500m ống - PV) để phục vụ cho 59 hộ dân trên tuyến”.

Trần Huy – Quang Lợi

Bài viết liên quan