Số điện thoại:0913081908
Email:openskyhk@gmail
logo

Lạc bước trong rừng tràm Trà Sư

Khi đến An Giang vào mùa nước nổi, bạn hãy một lần du ngoạn trong rừng tràm Trà Sư (thuộc xã Văn Giáo, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang). Rừng tràm Trà Sư được đánh giá là điểm tham quan thú vị và hấp dẫn nhất của mảnh đất An Giang. Du khách tới đây tham quan sẽ cảm thấy choáng ngợp trước rừng tràm mênh mông và có cơ hội khám phá hệ sinh thái rừng ngập nước đặc trưng phía Tây sông Hậu với nhiều loài động thực vật đa dạng quý hiếm.

Quang cảnh rừng trà Trà Sư

Cảnh quan xanh ngát rừng tràm Trà Sư

Rừng tràm Trà Sư là nơi du lịch yêu thích của các bạn trẻ

Rừng tràm Trà Sư là tên gọi cánh rừng có nhiều cây tràm tọa lạc gần khu vực núi Trà Sư của thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Tên gọi Trà Sư có người cho rằng nghĩa là ông thầy tu. Trong đó “Trà” là biến âm của “tà” – trong tiếng Khmer có nghĩa là ông; còn “Sư” được hiểu theo nghĩa Hán Việt là ông thầy tu. Thậm chí có ý kiến cho rằng “Trà Sư” có ý nghĩa là một ông sư (thầy chùa) tên Trà.

Rừng tràm Trà Sư được hình thành vào năm 1983, từ một vùng trũng hoang hóa, bị nhiễm phèn nặng đã được Lâm trường Tịnh Biên trồng tràm thử nghiệm để góp phần cải tạo đất và ngăn lũ đầu nguồn. Rừng tràm Trà Sư rộng 845ha nằm trên địa bàn 3 xã Vĩnh Trung, xã Văn Giáo của thị xã Tịnh Biên và một phần giáp xã Ô Long Vỹ của huyện Châu Phú (tỉnh An Giang).

Rừng tràm mênh mông cứ đến mùa nước nổi từ khoảng tháng 8 đến tháng 10 (âm lịch) lại khoác lên mình chiếc áo xanh mát với vẻ đẹp kiều diễm, mà dường như chẳng có bút mực nào có thể diễn tả hết.

Rừng tràm Trà Sư là nơi đa dạng sinh học với rất nhiều loài chim quý

Rừng Tràm Trà Sư có tác dụng rất quan trọng đối với môi trường nước và điều hòa khí hậu cho cả vùng Bảy Núi là nơi sinh sống của nhiều loài động, thực vật quý thuộc hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam. Kết quả nghiên cứu mới nhất của trường Đại học An Giang, rừng tràm Trà Sư là nơi cư trú của 70 loài chim, cò, trong đó có hai loài có tên trong “Sách đỏ Việt Nam” đó là cò lạo Ấn Độ (Giang Sen) và cò cổ rắn (Điêng Điểng). Hệ sinh thái cũng rất phong phú với 22 loài bò sát, 11 loài thú, 23 loài thủy sản, trong đó có 2 loài có giá trị khoa học và đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng là cá trê trắng và cá còm. Không chỉ phong phú về động vật, rừng tràm Trà Sư còn rất đa dạng về thực vật với 140 loài thuộc 52 họ và 102 chi, trong đó có gần 80 loài dược liệu.

Khung cảnh rừng tràm Trà Sư nhìn từ trên cao

Nhà trống mái là nơi triển lãm các chủng loài động, thực vật quý hiếm sinh sống trong rừng tràm Trà Sư

Bên cạnh vẻ đẹp tự nhiên, rừng Tràm Trà Sư còn có những công trình nhân tạo tuyệt đẹp. Tập hợp tất cả các loại tre Việt Nam ở mọi miền đất nước, nhà đầu tư quyết tâm xây dựng công trình đạt kỷ lục Giuness “cầu tre vạn bước” xuyên rừng tràm Trà Sư để phục vụ du khách. Mạng lưới giao thông “Tre” được trang trí như những cung đường hoa tuyệt đẹp len lỏi qua từng hàng tràm cổ thụ. Không khói bụi, không ô nhiễm tiếng ồn, không bê tông cốt thép, vạn nhịp cầu tre như cánh tay nối dài làm bệ đỡ cho tài nguyên Trà Sư sinh trưởng nhanh hơn.

Tại trung tâm rừng tràm là khu vực Nhà hàng với các chòi lá nhỏ nằm men theo bờ kinh, phục vụ các món ăn đặc sản mùa nước nổi: Chuột nướng lu, cá chạch nướng, cá lóc nướng trui, gỏi sầu đâu cá sặc, cá nàng hai chiên giòn,… Du khách đến đây chủ yếu vào các dịp nghỉ lễ hoặc cuối tuần nên các chòi lá đầy khách, kẻ ăn uống, người đu đưa trên võng tận hưởng không khí rừng tràm.

Rừng tràm Trà Sư có một Đài quan sát cao 30m, mà khi đứng từ Đài này, du khách có thể quan sát toàn cảnh bằng kính viễn vọng (tầm nhìn xa 25km), với bức tranh rừng tràm rộng mênh mông, bất tận. Với sự đa dạng và phong phú về tài nguyên khiến rừng tràm Trà Sư trở thành điểm đến lý tưởng đối với các nhà nghiên cứu, những người đam mê khám phá thiên nhiên hoang dã, những tay săn ảnh, những phượt thủ,...

Để phát huy tiềm năng du lịch rừng tràm Trà Sư, ngày 27-7-2018, Công ty Cổ phần Du lịch An Giang (An Giang Tourimex) thành viên Tập đoàn Sao Mai và Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng tỉnh An Giang ký kết hợp đồng “Cho thuê môi trường rừng, tại phân khu dịch vụ hành chính rừng tràm Trà Sư” để khai thác theo đề án UBND tỉnh phê duyệt ngày 5-12-2016. Thời hạn thuê là 20 năm Công ty Cổ phần Du lịch An Giang sẽ sử dụng vào mục đích quy hoạch để trở thành Khu du lịch xanh của khu vực. Đây là bước phát triển mới tạo điều kiện để rừng tràm Trà Sư trở thành Khu du lịch sinh uyển Quốc gia. Với tổng vốn đầu tư gần 33 triệu USD, Tập đoàn Sao Mai sẽ xây dựng Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Trà Sư Tịnh Biên có quy mô và kiến trúc xây dựng đẳng cấp hàng đầu Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngày 12-11-2021, Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh An Giang vừa ban hành Quyết định 2674/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư, giai đoạn 2021 - 2030”. Mục tiêu của phương án quản lý là bảo vệ những sinh cảnh tự nhiên tiêu biểu và độc đáo của hệ sinh thái đất ngập nước ở vùng đồng bằng ngập nước ven sông Cửu Long; bảo vệ nơi cư ngụ của các loài sinh vật bản địa, đặc biệt là các loài động vật quý hiếm, cung cấp nguồn giống sinh vật tự nhiên như thực vật, thủy sản và động vật hoang dã cho vùng Tây Sông Hậu.

 Hoàng Khánh - Chiến Khu

Bài viết liên quan