Các đại biểu và đại diện các cơ quan, đơn vị Tổng công ty tại Hội nghị.
Trong bối cảnh hiện nay, khi mà những thách thức về an ninh phi truyền thống ngày càng gia tăng, việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) không chỉ là một yêu cầu cấp thiết mà còn là một bước tiến quan trọng trong việc tăng cường sự lãnh đạo, quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) là một doanh nghiệp nhà nước chuyên ngành trong lĩnh vực Quản lý bay có mối quan hệ mở với các doanh nghiệp hàng không trong nước và quốc tế nên Lãnh đạo VATM luôn nhận thức và quán triệt quá trình hội nhập, mở rộng quan hệ quốc tế trong những năm qua vừa là cơ hội và cũng là thách thức đối với ngành hàng không nói chung và Quản lý bay nói riêng.
Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Trung tâm Phối hợp TKCNHK, Phó Trưởng ban chỉ huy PCCC&CNCH TCT - Đồng chí Nguyễn Văn Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Với quy mô hoạt động lớn, phạm vi hoạt động trải rộng trên 30 tỉnh thành cả nước, với tính đặc thù về kinh tế kỹ thuật, luôn chịu áp lực cao về tiêu chuẩn và tính an toàn hàng không. Địa bàn hoạt động của các cơ quan, đơn vị thành viên trong VATM đóng tại trên 30 tỉnh, thành của cả nước, trong đó có 03 huyện đảo là Côn Đảo, Phú Quốc và Trường Sa, một số cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay nằm ở khu vực hẻo lánh, với đặc thù công việc đa số làm việc theo ca kíp trực 24/24h nên việc triển khai tuyên truyền về công tác PCCC&CNCH đến tất cả các cán bộ, nhân viên trong Tổng Công ty có khó khăn. Do vậy Lãnh đạo VATM đặc biệt quan tâm sâu sát, chỉ đạo kịp thời công tác đảm bảo PCCC&CNCH, để từ đó toàn thể cán bộ nhân viên trong Tổng công ty không ngừng được trang bị đầy đủ các kiến thức về công tác đảm bảo PCCC&CNCH, kịp thời phát hiện và can thiệp kịp thời các tình huống cháy, nổ xảy ra trong phạm vị trách nhiệm quản lý.
Thời gian qua, bên cạnh việc quán triệt, thực hiện nghiêm các quy định, chỉ đạo tại các văn bản của Đảng và Nhà nước, Đảng ủy, Lãnh đạo VATM đã cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng nhằm tăng cường sự lãnh đạo, quản lý về công tác PCCC&CNCH, đề ra các Nghị quyết, Kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung công tác PCCC&CNCH phù hợp với đặc thù hoạt động của doanh nghiệp. Ngày 12/8/2024, Tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã ký Quyết định số 5035/QĐ-QLB ban hành “Quy định công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam”.
Quy định này là sự cần thiết trong việc tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Tổng công ty trong lĩnh vực PCCC&CNCH và đáp ứng các yêu cầu thực tiễn trong công tác bảo đảm PCCC&CNCH, bảo vệ tính mạng con người và tài sản của doanh nghiệp, duy trì hiệu quả hoạt động cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay.
Quy định công tác PCCC&CNCH của Tổng công ty gồm 07 Chương, 21 Điều, các nội dung cơ bản như sau:
- Quy định bao quát, thống nhất về nguyên tắc, các hành động bị nghiêm cấm và xác định trách nhiệm, phân công, phân cấp của người đứng đầu, các cơ quan, đơn vị trong quản lý về PCCC&CNCH; nâng cao trách nhiệm của Thủ trưởng các cấp trong Tổng công ty, cũng như trách nhiệm của các cấp, các cơ quan, đơn vị, cơ sở, cá nhân trong việc tổ chức thực hiện công tác PCCC PCCC&CNCH (Điều 3 - Điều 5):
- Nguyên tắc phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;
- Các hành động bị nghiêm cấm trong công tác PCCC&CNCH của Tổng công ty;
- Cụ thể hóa trách nhiệm, nhiệm vụ của Lãnh đạo Tổng công ty, Ban Chỉ huy PCCC&CNCH Tổng công ty, Cơ quan thường trực Ban chỉ huy, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các cá nhân trong công tác PCCC&CNCH.
- Quy định cụ thể các hoạt động Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Điều 6 - Điều 12):
- Quy định cụ thể các biện pháp đảm bảo an toàn trong PCCC&CNCH tại trụ sở, đài, trạm; phòng cháy trong sử dụng điện và đối với với các dự án đầu tư mới, nâng cấp; Huy động, điều động lực lượng phương tiện phục vụ công tác PCCC&CNCH;
- Xây dựng các phương án PCCC phù hợp với đặc thù hoạt động của cơ sở và được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời tổ chức huấn luyện, diễn tập thực hành phương án đã xây dựng;
- Xây dựng phương án CNCH, kế hoạch thực hiện công tác CNCH: lực lượng, phương tiện, kinh phí bảo đảm, cơ chế phối hợp.
- Quy định về tổ chức lực lượng PCCC&CNCH (Điều 13 - Điều 15):
- Thống nhất trong hoạt động của Ban Chỉ huy PCCC&CNCH các cấp trong chỉ đạo chung từ Tổng công ty đến cơ sở; bảo đảm nguồn nhân lực, trang thiết bị phương tiện và tài chính phục vụ cho công tác PCCC&CNCH;
- Công tác huấn luyện, cập nhật kiến thức của lực lượng PCCC&CNCH cơ sở.
- Quy định về quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện PCCC&CNCH (Điều 17 - Điều 19):
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm:
- Tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện PCCC&CNCH thuộc phạm vi quản lý;
- Tổ chức cho cán bộ, nhân viên, người lao động trong cơ quan, đơn vị, cơ sở huấn luyện, sử dụng phương tiện PCCC&CNCH đã trang bị;
- Phân công người làm công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện PCCC&CNCH;
- Bảo đảm kinh phí phục vụ công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện PCCC&CNCH;
- Kiểm tra, xử lý vi phạm hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm trong quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện PCCC&CNCH;
- Thống kê, báo cáo cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp và cơ quan có thẩm quyền về công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện PCCC&CNCH;
- Tổ chức lập và quản lý hồ sơ về phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
- Bổ sung, hoàn thiện chế độ, thực hiện chính sách bảo đảm đối với lực lượng PCCC&CNCH ở cơ sở và những vấn đề khác có liên quan (Điều 16):
- Chế độ hỗ trợ cho cán bộ, các thành viên đội PCCC&CNCH cơ sở;
- Trang bị bảo hộ cá nhân cho các thành viên đội PCCC&CNCH phù hợp với yêu cầu của công tác chữa cháy;
- Các chế độ chính sách khác thực hiện theo quy định tại Điều 34 Nghị định 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ.
Toàn cảnh Hội nghị.
Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Lãnh đạo VATM mỗi cán bộ, người lao động toàn VATM tiếp tục tích cực tìm hiểu kiến thức, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, nắm vững những mối nguy hiểm về cháy, nổ tại nơi làm việc và các biện pháp phòng ngừa.
Thường xuyên chú trọng việc quản lý và sử dụng an toàn nguồn lửa, nguồn nhiệt và các chất dễ cháy khác ở mọi lúc, mọi nơi, biết cách xử lý kịp thời khi có cháy xảy ra. Thường xuyên tự kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy, phát hiện và khắc phục ngay những sơ hở, thiếu sót về phòng cháy và chữa cháy tại cơ sở để hạn chế thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại do cháy, nổ gây ra, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ cuộc sống bình yên và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của VATM.
Hoàng Mỹ