Số điện thoại:0913081908
Email:openskyhk@gmail
logo

Ưu tiên nguồn vốn tín dụng cho Chương trình hỗ trợ tạo việc làm

Chiều ngày 15-2, tại Hà Nội, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị (HN) trực tuyến toàn quốc triển khai giải ngân vốn tín dụng chính sách xã hội giai đoạn 2022 – 2023, thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ năm 2023.

Ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc NHNN Việt Nam, phát biểu khai mạc HN (Ảnh: Chụp qua màn hình)

Tại các điểm cầu trực tuyến có đại diện Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành; các Sở, ngành liên quan, tổ chức chính trị - xã hội và chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành.

Phát biểu khai mạc HN, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh: Để góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, không lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu, đồng thời tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển KT-XH cho giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo, giải quyết phần nào khó khăn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 về Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH. NHCSXH đã tích cực phối hợp cùng các Bộ, ban, ngành Trung ương và chính quyền địa phương tổ chức triển khai, giải ngân các chương trình tín dụng, hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết số 11.

Quang cảnh HN tại điểm cầu TP. Cần Thơ

Trong năm 2022, hệ thống NHCSXH đã thực hiện giải ngân các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đạt 16.024 tỷ đồng; trong đó cho vay học sinh – sinh viên (HSSV) mua máy tính đạt 827 tỷ đồng, với hơn 85 nghìn lượt khách hàng mua máy vi tính và thiết bị học tập trực tuyến; cho vay nhà ở xã hội đạt 4.032 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng hơn 10,8 nghìn căn nhà ở xã hội; cho vay hỗ trợ việc làm đạt 10.000 tỷ đồng, với hơn 211 nghìn khách hàng được vay vốn; cho gần 2,6 nghìn cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập vay vốn, đạt 194 tỷ đồng; cho vay phát triển vùng đồng bào  dân tộc thiểu số  và miền núi (DTTS&MN) theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP đạt 971 tỷ đồng với gần 19,5 nghìn khách hàng vay vốn.

Đến ngày 31-12-2022, NHCSXH giải ngân số vốn vay các chương trình tín dụng chính sách được hỗ trợ lãi suất đạt hơn 93 nghìn tỷ đồng, cho trên 2,2 triệu khách hàng; thực hiện hỗ trợ lãi suất 2% đối với các khoản vay có lãi suất cho vay trên 6%/năm, tổng số tiền hỗ trợ là 878 tỷ đồng.

Các đồng chí chủ trì HN tại điểm cầu TP. Cần Thơ

Trong đó, tại TP. Cần Thơ, tính đến ngày 31-12-2022, Chi nhánh NHCSXH Cần Thơ đã giải ngân cho 4.066 lượt khách hàng vay vốn với số tiền 238.754 triệu đồng. Doanh số thu nợ: 340 triệu đồng. Dư nợ đạt 238.414 triệu đồng với 4,063 khách hàng. Cụ thể: Cho vay hỗ trợ tạo việc làm: 3.840 hộ, số tiền 190.000 triệu đồng; Cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/ND-CP: 146 khách hàng, số tiền 46.543 triệu đồng; Cho vay HS-SV có hoàn cảnh khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến: 61 hộ (81 HS-SV), số tiền 801 triệu đồng. Cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19: 13 cơ sở, số tiền 995 triệu đồng,… Chi nhánh Cần Thơ đã thực hiện Hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại NHCSXH theo Nghị định số 36/2022/NĐ-CP ngày 30-5-2022 của Chính phủ với dư nợ là 1.042.830 triệu đồng cho 28.665 món vay, tổng số tiền lãi được hỗ trợ là 8.944 triệu đồng.

Phó Thống đốc thường trực NHNN - Đào Minh Tú đánh giá: “Các chính sách tín dụng ưu đãi thuộc Chương trình theo Nghị quyết 11 đã thực hiện đúng theo chủ trương của Đảng, Chính phủ và mục tiêu của Chương trình đề ra, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho đời sống của người dân, người lao động, các nhóm yếu thế, người nghèo, người chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội”.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng - Nguyễn Văn Sinh phân tích những hạn chế đối với Chương trình Nhà ở xã hội (Ảnh: Chụp qua màn hình)

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến nguồn vốn, tiến độ giải ngân Chương trình, cơ chế chính sách,… đặc biệt tỷ lệ giải ngân vốn chưa cao đối với chương trình cho vay nhà ở xã hội và Nghị định số 28/2022/NĐ-CP phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN.

Chương trình cho vay nhà ở xã hội đến hết năm 2022, đã giải ngân 9.929 tỷ đồng/kế hoạch 15.000 tỷ đồng vốn của 2 năm 2022 – 2023. Về hạn chế này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phân tích: “Do nguồn cung nhà ở xã hội tại các địa phương còn khan hiếm, nhiều công trình chưa khởi công theo kế hoạch đăng ký, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện công trình. Một số dự án nhà ở xã hội, chủ đầu tư đã thế chấp, vay vốn Ngân hàng thương mại để thực hiện dự án và bán cho người mua nhà nhưng chưa giải chấp, nên các hộ này không đáp ứng được điều kiện về bảo đảm tiền vay để được vay vốn tại NHCSXH,…  

Để khắc phục, Thứ trưởng đề nghị chính quyền các địa phương tiếp tục quan tâm bố trí đất và chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án nhà ở xã hội từ đó tạo nguồn cung; đồng thời hỗ trợ kịp thời và hoàn thiện hồ sơ vay vốn cho các đối tượng có nhu cầu về nhà ở.

Đối với chương trình cho vay theo Nghị định 28, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đề nghị các cơ quan Dân tộc tại các địa phương phối hợp với các Sở, ngành và chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành sớm xác định, xây dựng kế hoạch và tổng hợp nhu cầu vốn tín dụng của các đối tượng thụ hưởng chính sách, làm cơ sở để NHCSXH xây dựng kế hoạch tín dụng đáp ứng đủ nhu cầu vốn và thực hiện cho vay theo Nghị định 28 và Nghị quyết 11 của Chính phủ.

Năm 2023, trên cơ sở tổng hợp nhu cầu vay vốn các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP và rà soát kế hoạch năm 2023 của các địa phương, dự kiến tăng 22.770 tỷ đồng so với năm 2022. Trong đó, nhu cầu vay vốn chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm năm 2022 và 2023 trên toàn quốc rất lớn (khoảng trên 43.000 tỷ đồng), trong khi kế hoạch bố trí vốn cho chương trình tín dụng trong 02 năm thực hiện Nghị quyết số 11 là 10.000 tỷ đồng nhưng đến  ngày 31-12-2022, NHCSXH đã thực hiện giải ngân đạt 100% chỉ tiêu được giao.

Từ thực tiễn trên, Hội nghị thống nhất: Tiếp tục phối hợp với NHNN, Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành có liên quan tham mưu, đề xuất Chính phủ bố trí nguồn vốn để thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi, đồng thời: “Trình cấp có thẩm quyền cho phép NHCSXH điều chỉnh linh hoạt tổng nguồn vốn cho vay các chính sách tín dụng ưu đãi (cho vay mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến; cho vay nhà ở xã hội, cho vay phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN; cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập) có nhu cầu vay vốn thấp hơn so kế hoạch giao, được chuyển sang cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, đảm bảo tổng dư nợ các chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11 đến ngày 31-12-2023 tối đa là 38.400 tỷ đồng.” - ông Bùi Quang Vinh – Phó Tổng Giám đốc NHCSXH  kiến nghị.

Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam - Dương Quyết Thắng kết luận HN (Ảnh: Chụp qua màn hình)

Kết luận HN, Tổng Giám đốc NHCSXH - Dương Quyết Thắng đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục quan tâm chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Các đơn vị trong hệ thống NHCSXH tập trung tổ chức, triển khai cho vay đúng đối tượng, công khai, minh bạch, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác dễ dàng tiếp cận tín dụng ưu đãi, sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ chương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Thường  xuyên rà soát, báo cáo Chính phủ để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. 

 Đan Phượng

Bài viết liên quan