Số điện thoại:0913081908
Email:openskyhk@gmail
logo

TP. HCM: Đạt nhiều điểm sáng tích cực về kinh tế-xã hội

Với phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, cùng nhiều giải pháp đồng bộ trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm 2022. UBND TP. HCM đã đạt được nhiều điểm sáng tích cực về kinh tế-xã hội trong 3 tháng đầu năm 2022.

TP. HCM đã đạt được nhiều điểm sáng tích cực về kinh tế-xã hội trong 3 tháng đầu năm 2022

Nhiều giải pháp đồng bộ

Theo UBND TP. HCM, trong Quý I/2022, thành phố (TP) quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các Nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, HĐND về phát triển kinh tế-xã hội bằng các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trên tất cả các lĩnh vực, chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, phân công, đôn đốc cụ thể các đơn vị thực hiện ngay từ đầu năm; Tổ chức các Đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo UBND TP chủ trì đến làm việc nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các cơ quan, đơn vị, định hướng và xác định các nội dung công tác trọng tâm năm 2022 phù hợp với yêu cầu, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Bên cạnh đó, tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức buổi làm việc với đoàn công tác của Chủ tịch Quốc hội nhằm đề xuất những nhóm vấn đề lớn, quan trọng, thiết thực, cấp bách, có tính chất chiến lược lâu dài cho sự phát triển của TP.

Cũng theo UBND TP. HCM, bước vào năm 2022 với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những tác động sau gần 2 năm phòng, chống dịch Covid-19, với sự quan tâm đặc biệt của trung ương, sự hướng dẫn, hỗ trợ tích cực của các Bộ ngành, các địa phương trong cả nước; những nỗ lực, cố gắng mạnh mẽ và quyết liệt của các cấp, các ngành, các DN và tầng lớp nhân dân TP,… Tình hình kinh tế-xã hội Quý I của TP, đã đạt nhiều điểm sáng đáng tích cực; dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát, hệ thống y tế cơ sở được quan tâm củng cố nguồn nhân lực gắn với mô hình thí điểm đưa bác sĩ trẻ mới tốt nghiệp thực hành tại các BV gắn liền với trạm y tế, bước đầu góp phần giảm tải.

Cùng với đó, TP đã chủ động triển khai đợt cao điểm của chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ, góp phần giảm thiểu nguy cơ chuyển nặng và tử vong; mở rộng mạng lưới các cơ sở y tế ngoài công lập tham gia công tác phòng, chống dịch covid-19; cung ứng thuốc kháng vi-rút theo chỉ định của Bác sĩ, giúp cải thiện khả năng tiếp cận thuốc của người dân.

Song đó, TP còn triển khai và đạt kết quả bước đầu về thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội giai đoạn 2022-2025 và Chủ đề năm 2022 “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng DN”.

Mặt khác, UBND TP. HCM còn tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU của Thành ủy về phương hướng, nhiệm vụ và một số cơ chế phát triển TP. Thủ Đức giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết về định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030. Qua đó, TP ban hành kế hoạch thực hiện công tác cải cách hành chính trên địa bàn TP năm 2022; triển khai Chương trình “Chuyển đổi số của TP. HCM” và Đề án “Xây dựng TP. HCM trở thành đô thị thông minh” vào năm nay.

Khởi sắc khá toàn diện

Từ những giải pháp trên, bước đầu TP. HCM đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ; trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn TP (GRDP) Quý I ước tăng 1,88% so với cùng kỳ. Từ mức giảm sâu ở Quý III, Quý IV/2021 lần lượt là -24,97% và -11,64%, đến nay kinh tế TP đã đạt mức tăng trưởng dương, tín hiệu này cho thấy TP đang phục hồi nhanh, sớm hơn kỳ vọng. Tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện ước đạt 121.037 tỷ đồng, đạt 31,31% dự toán, tăng 9,41% so với cùng kỳ.

Về tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 11,9 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 2,2%); tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 17,4 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 17,7%). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của thành phố ước tăng 1,04% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 3,8%). Giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao của Khu công nghệ cao ước đạt 5,147 tỷ USD, tăng 2,26% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, đối với bốn nhóm ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 5,39% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,5%) trong đó, có 2/4 nhóm ngành có mức tăng cao hơn so với cùng kỳ. Tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt tăng 1,24% so với cuối năm 2021. Về thành lập DN, tính chung tổng vốn đăng ký và bổ sung ước đạt 282.975 tỷ đồng, tăng 2,78% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản ước tăng 0,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 1,65%).

Cũng trong thời gian này, TP duy trì hiệu quả chương trình bình ổn thị trường; ngành du lịch mặc dù mức tăng trưởng giảm so với cùng kỳ nhưng có nhiều tín hiệu phục hồi khả quan và mạnh mẽ, nhất là việc Chính phủ cho phép mở cửa đón khách du lịch từ ngày 15/3. Các hoạt động văn hóa- xã hội được triển khai theo kế hoạch, nhất là tổ chức tốt, chu đáo các hoạt động chăm lo Tết theo phương châm “Tết tri ân, đầm ấm, an toàn, tiết kiệm”,…

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, một số chỉ tiêu mặc dù được cải thiện nhưng chưa đạt yêu cầu; tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 3 tháng đầu năm giảm 4,8% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 6,2%) cho thấy sức mua của người tiêu dùng chưa phục hồi hoàn toàn; Chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 1,51%, tăng gần 2 lần so với cùng kỳ (năm 2021 chỉ tăng 0,84%); tổng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) thu hút ước giảm khoảng 31,69% so với cùng kỳ; tổng số vốn doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới giảm 6,44% so với cùng kỳ; một số ngành công nghiệp chủ lực của TP còn chậm phục hồi, trong đó ngành sản xuất hàng điện tử ước giảm 12,92% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 24,7%); tổng doanh thu ngành du lịch ước giảm 11,8% so với cùng kỳ,…

Nhìn chung, tình hình phục hồi và phát triển kinh tế của TP. HCM trong Quý I có nhiều bước khởi sắc khá toàn diện; các khu vực đều có mức tăng trưởng khá, nhất là từ tháng 3 cho thấy các giải pháp chỉ đạo, điều hành của TP đã đem lại kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực. Đây là cơ sở quan trọng, tạo tiền đề để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022.

Cũng theo UBND TP. HCM, để đạt được kết quả nêu trên là sự nỗ lực, tinh thần cộng đồng trách nhiệm, đóng góp tích cực, hiệu quả của các tầng lớp nhân dân thành phố, các doanh nhân, DN thuộc các thành phần kinh tế; sự phối hợp chặt chẽ của UBMTTQ Việt Nam TP và các đoàn thể chính trị xã hội, sự nỗ lực của các ngành, các cấp đã góp phần tạo nên những thành quả phát triển kinh tế- xã hội trong 3 tháng đầu năm 2022.

Đăng Khoa

Bài viết liên quan