Số điện thoại:0913081908
Email:tranhuy.giaothongketnoi@gmail.com
logo

Tổng kiểm soát phương tiện kinh doanh vận tải trên toàn quốc

Từ ngày 1-8 đến ngày 15-10, Bộ Công an thực hiện Kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện kinh doanh vận tải hành khách và vận tải hàng hóa bằng container. Đồng thời, đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để phối hợp thực hiện Kế hoạch theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ trong tình hình mới.

Bộ Công an ban hành Kế hoạch Tổng kiểm soát xe kinh doanh vận tải (Ảnh: CSGT)

Trong thời gian gần đây trước tình hình TTATGT diễn biến phức tạp, số vụ TNGT do phương tiện kinh doanh vận tải gây ra chiếm từ 30% - 40% trên tổng số vụ TNGT đường bộ trên toàn quốc. Bộ Công an đã ban hành kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện kinh doanh vận tải, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm, góp phần hạn chế tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến phương tiện kinh doanh vận tải hành khách, vận tải hàng hóa bằng container, nhất là các vụ TNGT rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Mục đích của việc tổng kiểm soát nhằm tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của các chủ phương tiện và lái xe. Đồng thời, phát hiện những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, vận tải hàng hóa bằng container để kiến nghị các cơ quan chức năng các giải pháp khắc phục.

Việc tổng kiểm soát phải được cụ thể hóa phù hợp đặc điểm, điều kiện tình hình của từng địa phương và thực hiện đồng bộ ở cả 4 cấp Công an theo chức năng, nhiệm vụ, tuyến, địa bàn được phân công phụ trách. Tăng cường phối hợp với các lực lượng, nhất là các lực lượng thuộc ngành giao thông vận tải, kết hợp xử lý vi phạm có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, cũng nghiêm cấm việc lợi dụng tổng kiểm soát để nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Theo đó, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) trực tiếp tổ chức thực hiện tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm của xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bao gồm: Xe đưa đón học sinh, công nhân, xe hợp đồng chở khách, xe bus và xe ô tô vận tải hàng hóa bằng container. Nghiên cứu nắm chắc thời gian, địa điểm, hành vi các phương tiện thường xuyên vi phạm để xây dựng kế hoạch, tập trung kiểm soát, xử lý có hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm.

Các hành vi vi phạm được tập trung xử lý như: Vi phạm về quy tắc giao thông và điều kiện của người điều khiển phương tiện và phương tiện; nồng độ cồn, ma túy; xe hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định, quá khổ, quá tải; tốc độ; vi phạm phần đường, làn đường; chạy xe vào làn đường khẩn cấp của đường cao tốc; dừng đỗ, đón trả khách không đúng nơi quy định; chở quá số người quy định; tránh, vượt; giấy phép lái xe, đăng ký xe, giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định ATKT và BVMT; các hành vi vi phạm về hoạt động vận tải đường bộ: Chở quá số người quy định; Lệnh vận chuyển, tuyến đường, lịch trình, hành trình vận tải; hợp đồng vận chuyển, danh sách hành khách; lắp camera giám sát và thiết bị giám sát hành trình trên xe ô tô kinh doanh vận tải; phù hiệu, thời gian điều khiển phương tiện,... CSGT sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành việc kiểm soát, cản trở, mọi hành vi lăng mạ, chống đối lại lực lượng làm nhiệm vụ.

Lái xe, chủ xe được tuyên truyền vận động và ký cam kết chấp hành pháp luật về ATGT (Ảnh: CSGT)

Đồng thời, rà soát việc lắp đặt camera giám sát, thiết bị giám sát hành trình trên các phương tiện kinh doanh vận tải hành khách, vận tải hàng hoá bằng container; việc lưu trữ và truyền dẫn các thông tin (hành trình, tốc độ vận hành, thời gian lái xe liên tục,...) về hệ thống dữ liệu giám sát hành trình của Bộ Giao thông vận tải. Kiểm tra về hoạt động kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải đường bộ, việc quản lý lái xe, điều kiện của người điều khiển phương tiện tại các cơ sở của tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách, vận tải hàng hóa bằng container trên địa bàn; kiểm tra tại các điểm xuất phát, kiên quyết không cho xuất bến đối với các xe quá niên hạn sử dụng, hết hạn kiểm định, chở quá số người quy định, quá tải trọng xe, xe không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, lái xe không bảo đảm điều kiện sức khỏe; tăng cường kiểm tra, xử lý hoạt động vận tải hành khách tại các địa điểm có hiện tượng “xe dù, bến cóc".

Các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải, lái xe sẽ được tuyên truyền vận động ký cam kết thực hiện đúng các quy định về bảo đảm an toàn giao thông, không giao phương tiện cho người không đủ điều kiện, khả năng điều khiển, người đã sử dụng rượu, bia, có biểu hiện sử dụng ma túy hoặc các chất kích thích khác, đề cao trách nhiệm, không vì lợi ích kinh doanh nhất thời mà gây hậu quả xấu cho xã hội; không đưa phương tiện chưa đảm bảo an toàn kỹ thuật, hết hạn đăng kiểm, hết niên hạn sử dụng vào hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa...

Kế hoạch được triển khai từ ngày 1-8 đến ngày 15-10 và được chia thành 02 giai đoạn: Giai đoạn I (từ ngày 1-8 đến 14-8) sẽ tuyên truyền vận động chủ xe, chủ doanh nghiệp và lái xe chấp hành pháp luật, ký cam kết bảo đảm TTATGT và giai đoạn II (từ ngày 15-8 đến 15-10) Công an các đơn vị, địa phương đồng loạt ra quân tuần tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm.

An Hạ

Bài viết liên quan