Ông Nguyễn Hoàng Hành, Phó Vụ trưởng vụ Công tác địa phương - Ủy ban Dân tộc (áo xanh) cùng đoàn công tác đến dâng hương, viếng khu tưởng niệm liệt sỹ Néang Nghés nữ anh hùng dân tộc Khmer duy nhất tại xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn.
Thành phần Đoàn về nguồn gồm có ông Nguyễn Hoàng Hành, Phó Vụ trưởng vụ Công tác địa phương - Ủy ban Dân tộc (UBDT); Bà Phạm Thị Phước An, Phó Vụ trưởng vụ Công tác địa phương – UBDT; Ông Men Pholly, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh An Giang; Đại diện Đoàn Thanh Niên Công an TP. Cần Thơ; Nhà báo Trần Huy – Trưởng đại diện Hội An toàn Giao thông Việt Nam tại Cần Thơ & ĐBSCL; Và Đoàn Y, Bác sĩ tình nguyện, mạnh thường quân và các nhà hảo tâm, cùng các cán bộ địa phương.
Đoàn Y, Bác sĩ khám, chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho đồng bào tại địa bàn xã Ô Lâm
Đội ngũ Y, Bác sĩ tình nguyện thăm gia chương trình về nguồn
Đây là hoạt động nhằm tưởng niệm ngày hy sinh của liệt sỹ Neáng Nghés - nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong đồng bào dân tộc Khmer ở biên giới Tây Nam kết hợp Mừng tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer năm 2023.
Ông Nguyễn Hoàng Hành, Phó Vụ trưởng vụ Công tác địa phương - Ủy ban Dân tộc (áo xanh) đã trao quà cho người thân liệt sỹ Neáng Nghés
Neáng Nghés sinh năm 1942, trong gia đình người Khmer. Vùng đất cách mạng đã sớm thôi thức Neáng Nghés tham gia cách mạng từ năm 18 tuổi với công việc giao liên, tiếp tế lương thực, thuốc men cho địa phương, rồi tham gia Hội Phụ nữ Giải phóng xã Ô Lâm. Sống trong vùng căn cứ kháng chiến, vùng núi Tô huyền thoại nên Neáng Nghés sớm giác ngộ cách mạng. Sau đó, tham gia Hội phụ nữ giải phóng rồi vừa vận động quần chúng vừa làm giao liên. Chị luôn đi đầu trong các cuộc đấu tranh và có nhiều sáng kiến trong hoạt động. Mùa khô, để đồ tiếp tế trong thùng phân bò gánh đi bón ruộng. Mùa nước, thực phẩm, thuốc men để trong cái cà om (cái xoong-PV) giả đi giăng câu. Với tài chí ấy, chị đã kịp thời cung cấp thông tin, vận chuyển lương thực cho các chiến sĩ.
Ngày 13-3-1962, sau khi chuyển lương thực, thuốc men về chị đã bị phục kích và bắt giữ. Chúng đưa chị về đồn Tha-la-păng-xây giam giữ bằng lồng kẽm, chỉ cần nhúc nhích thì sẽ bị kẽm gai đâm. Chúng lôi chị ra tra khảo, hành hạ, khủng bố tinh thần chị nhưng đều vô ích. Dù bị tra tấn dã man nhưng chị vẫn kiên cường không khai báo cách mạng.
Chị anh dũng ngã xuống khi mới tròn 20 tuổi. Hành động quả cảm, hào hùng của chị đã gây xúc cảm cho nhân dân và trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là tấm gương sáng ngời, làm rạng rỡ thêm truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của người phụ nữ Việt Nam. Hình tượng đó đã trở thành cảm hứng cho nhiều tác giả sáng tác thơ và nhạc.
Ngày nay, khu tưởng niệm nữ liệt sĩ Neáng Nghés được đầu tư xây dựng khang trang hơn, là “địa chỉ đỏ” cho huyện Tri Tôn nói riêng, tỉnh An Giang nói chung về truyền thống cách mạng hào hùng ở vùng Bảy Núi, góp phần thắt chặt tinh thần đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa 2 dân tộc Kinh – Khmer.
Năm 2005, Chủ tịch Nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Néang Nghés và trở thành phụ nữ dân tộc Khmer đầu tiên và đến nay là duy nhất của tỉnh An Giang được phong tặng danh hiệu cao quý này.
Bên các hoạt động tại “chương trình về nguồn” đã tổ chức lễ dâng hương, viếng khu tưởng niệm liệt sĩ Néang Nghés nữ anh hùng dân tộc Khmer duy nhất tại xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn.
Đoàn đã đến thăm người có uy tín, cán bộ hưu trí, người già yếu, hộ gia đình nghèo, đồng bào di cư từ Camphuchia trở có hoàn cảnh khó khăn trên tuyến biên giới Tây Nam là người dân tộc Khmer tại xã Ô Lâm
Dịp này, đoàn đã tổ chức khám chữa bệnh, phát thuốc, tặng 300 phần quà gồm: gạo, mì, quần áo,… cho các hộ đồng bào tại xã Ô Lâm. Bên cạnh đó, đoàn công tác cũng đã đến thăm người có uy tín, cán bộ hưu trí, người già yếu, hộ gia đình nghèo, đồng bào di cư từ Camphuchia trở có hoàn cảnh khó khăn trên tuyến biên giới Tây Nam là người dân tộc Khmer tại xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn…
Trần Tuấn – Nguyên Phong