Số điện thoại:0913081908
Email:tranhuy.giaothongketnoi@gmail.com
logo

Sập bẫy lừa đảo “đáo hạn ngân hàng”

Thời gian gần đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang liên tục nhận được nhiều đơn thư tố cáo liên quan đến hoạt động cho vay, mượn tiền để “đáo hạn ngân hàng”. Qua đó, nhiều người tố cáo đã bị đối tượng xấu lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt số tiền lớn, có trường hợp lên đến hàng chục tỷ đồng. Vậy thủ đoạn các đối tượng lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản như thế nào và người dân cần cảnh giác ra sao để không rơi vào hoàn cảnh bị “tiền mất tật mang”?

Đáo hạn ngân hàng phát sinh do người vay tiền ngân hàng đến thời điểm trả nợ, nhưng chưa có khả năng chi trả nên buộc phải tìm kiếm nguồn tiền khác trả, để  sau đó được ngân hàng tiếp tục cho vay lại, vì vậy mà dịch vụ cho vay đáo hạn ngân hàng xuất hiện. Đáo hạn ngân hàng có lợi ích giải quyết khó khăn tài chính trước mắt, nên tất nhiên số tiền “vay nóng” để thực hiện việc đáo hạn thường đi kèm với “lãi suất” cao, vì vậy số tiền bỏ ra của người cho vay mượn càng nhiều thì cơ hội thu lời càng cao. Tuy vậy, đã có nhiều người phải “ôm hận” khi tham gia hoạt động tưởng như đầy béo bở này. Sau đây là một số chiêu thức được các đối tượng tung ra và đã có không ít trường hợp bị sập bẫy.

Chiêu thức “trung gian đáo hạn ngân hàng”, nghĩa là đối tượng thường khoe khoang có người thân làm ở ngân hàn hay quen biết nhiều người cần vay đáo hạn ngân hàng và đã thuyết phục những người khác đưa tiền cho mình, để cho những người cần đáo hạn ngân hàng vay mượn. Với lời hứa, sau khi “đáo hạn ngân hàng” xong, người trung gian sẽ trả cả gốc lẫn lãi cao cho người đưa tiền cho họ. Thường những lần đầu phối hợp “làm ăn” sẽ rất thuận buồm xuôi gió, người bỏ tiền cho mượn sẽ được kẻ “trung gian” trả lại cả tiền gốc lẫn lãi rất nhanh và hậu hĩnh. Nhưng khi đã lấy được niềm tin của người cho vay mượn tiền, đối tượng “trung gian” sẽ thực hiện hành vi chiếm đoạt trong những lần vay mượn tiền tiếp theo. Hai trường hợp sau đây là điển hình của chiêu thức này:

Vụ việc thứ nhất, chị Thái.T.T.N (chị N) sinh năm 1991, ngụ tại Châu Đốc, An Giang làm đơn tố cáo đối tượng Lưu.T.K.X (X), sinh năm 1990 cùng ngụ tại  Châu Đốc, An Giang. Chị N trình bày, vào tháng 6/2021 X chủ động liên hệ với chị để làm quen, sau đó X nói có mối quan hệ vơi nhiều ngân hàng có khách cần vay tiền để đáo hạn ngân hàng. Để tạo lòng tin, ban đầu  X chỉ vay chị N vài lần số tiền từ 600 triệu đến 800 triệu, với lãi suất 3%/ tháng, thời hạn vay từ 03 đến 07 ngày, đều trả gốc và lãi đúng hạn. Nhưng đến ngày 06/9/2021, X đã vay chị N số tiền 8,5 tỷ đồng cũng với thời hạn 07 ngày và lãi suất 3%/tháng. Nhưng, tới hạn trả gốc và lãi thì X nói rằng do hồ sơ vay của khách bị trục trặc nên ngân hàng chậm giải ngân, kêu chị N đợi vài ngày tiền giải ngân xong sẽ trả lại. Nhưng sau đó, không biết bằng lời ngon tiếng ngọt nào mà liên tục các ngày 09/9, 10/9, 20/9, 22/9, 24/9 đối tượng X đã thuyết phục được chị N chuyển thêm tiền cho X (mỗi đợt từ 500 triệu đồng đến 4 tỷ đồng). Như vậy, chỉ tính từ ngày 06-24/9/2021 đối tượng X đã vay mượn của chị N tổng cộng số tiền 20 tỷ đồng để thực hiện việc đáo hạn ngân hàng. Tuy nhiên, từ đó đến nay chị N liên tục yêu cầu đối tượng X trả tiền lại cho mình, nhưng X tránh né và không chịu trả tiền cho chị N.

Chị Lưu.T.K.N cung cấp lời khai cho lực lượng Công an (vụ chuyển 9,4 tỷ đồng  tiền cho Trương.T.A.Đ)

   Vụ việc thứ hai, theo đơn tố cáo của bà Nguyễn.T.T.T (bà T), sinh năm 1975, ngụ tại Tri Tôn, An Giang do có quen biết, tin cậy từ trước với Nguyễn.P.T.D.H (H), sinh năm 1986, ngụ tại Châu Phú, An Giang. Bà T biết chồng của H đang làm cán bộ ngân hàng, nên khi H năn nỉ, thuyết phục bà T chuyển tiền cho H, để thực hiện thủ tục đáo hạn ngân hàng cho khách hàng của chồng mình, bà T đã tin tưởng và đồng ý. Vì vậy, từ ngày 01/8/2021 đến ngày 30/11/2021, trong vòng 4 tháng bà T đã chuyển cho H tổng cộng 14 tỷ 650 triệu đồng. Tuy nhiên, đến ngày 02/12/2021 H điện thoại bà T cho biết ngoài nợ bà T thì H còn nợ tiền nhiều người khác, mà không có khả năng trả, nên H đã bỏ trốn và kêu bà T đừng làm phiền cha mẹ và chồng của H. Bà T điện cho chồng của H, thì được H trả lời là không biết gì và không có liên quan đến chuyện tiền bạc của vợ. Bà T tiếp tục điện thoại đến cơ quan H làm việc, thì được biết H đã xin nghỉ việc từ ngày 02/12/2021. Quá thất vọng, bà T làm đơn tố cáo H gửi đến cơ quan Công an.

Chiêu thức “Chung vốn đáo hạn ngân hàng”, nghĩa là đối tượng đang làm việc trong ngân hàng hay chuyên làm công việc đáo hạn ngân hàng sẽ rủ rê những người thân quen hay người có tiền nhàn rỗi cùng chung vốn với họ thực hiện các “phi vụ” đáo hạn ngân hàng ngon ăn. Những lần đầu họ cũng “ăn đồng, chia đủ” với những người hùn hạp, nhưng sau khi “cá đã cắn câu” với số lượng tiền lớn, thì họ sẽ tìm cách chiếm đoạt và cao chạy xa bay.

Điển hình là trường hợp của chị Lưu.T.K.N (chị N) sinh năm 1985, ngụ tại Châu Đốc, An Giang làm đơn tố cáo Trương.T.A.Đ (Đ), sinh năm 1988, cùng  ngụ tại Thành phố Châu Đốc, An Giang, Đ là kiểm soát viên của một ngân hàng tại Châu Đốc. Chị N trình bày, do Đ có mối quan hệ tình cảm với em ruột của chị N (có thời gian Đ về sống chung nhà với em và ba mẹ chị N, nên khi được ngỏ ý đưa tiền cho Đ để làm đáo hạn ngân hàng, chị N liền tin tưởng, đồng ý. Rất nhiều lần chị N đã đưa số tiền 500 triệu đồng cho Đ làm “dịch vụ” đáo hạn ngân hàng và lần nào Đ cũng trả cho chị N cả tiền gốc là tiễn lãi (1,5%/ngày) sòng phẳng, đúng hạn. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 10 năm 2021, đối tượng Đ đã “dụ ngọt” để chị N chuyển tiền nhiều lần cho Đ (mỗi lần từ 500 triệu đến 6,9 tỷ đồng) với lời hứa lãi suất mỗi ngày là 2%. Nhưng đến ngày, 05/10/2021 chị H đã được Đ thông báo rằng số tiền mà Đ mượn của chị N (để thực hiện đáo hạn ngân hàng) đã bị người khác lừa gạt hết, bây giờ không có khả năng trả nợ cho chị N (tổng số tiền lên đến 9,4 tỷ  đồng), sau đó thì Đ đã bỏ đi khỏi địa phương. Chị N nghi ngờ Đ đã chiếm dụng số tiền của mình để mua sắm các tài sản riêng của Đ, nên chị N đã làm đơn tố cáo Đ đến cơ quan Công an.

Nếu người dân có tiền nhàn rỗi có thể gửi vào các tổ chức tín dụng uy tín

Trao đổi với phóng viên, Thượng tá Huỳnh Văn Đảm, Chánh văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an An Giang cho biết “Khi tiếp nhận đơn tố cáo của người người dân liên quan đến hoạt động đáoo hạn ngân hàng, chúng tôi đã khẩn trương tiến hành xác minh, nếu vụ việc có hợp đồng vay mượn và đối tượng bị tố cáo có nơi cư trú rõ ràng, hiện đang có mặt tại địa phương (không có dấu hiệu bỏ trốn) thì được xác định là tranh chấp dân sự, sẽ hướng dẫn khởi kiện tại Tòa án để được xem xét  theo quy định của pháp luật. Nếu trường hợp nào, xác định đối tượng bị tố cáo có hành vi lừa đảo, lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của người khác thì sẽ tiếp nhận, giải quyết theo qui định pháp luật, nếu đủ căn cứ sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với người vi phạm”.

Như vậy, không phải đơn tố cáo nào về các vụ việc liên quan đến “đáo hạn ngân hàng” cũng được cơ quan Công an thụ lý, điều tra. Mà đa số các vụ việc đó là tranh chấp dân sự, thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Vì vậy để khỏi “sập bẫy” đối tượng xấu dẫn đến “tiền mất tật mang” mọi người hãy cảnh giác với những hứa hẹn “lãi suất cao và thu lợi trong thời gian ngắn”. Nếu có tiền nhàn rỗi hãy đầu tư vào các tổ chức tín dụng hợp pháp, trường hợp cho vay mượn, phải xem người vay có khả năng trả nợ hay không hoặc chỉ cho vay khi có tài sản thế chấp.

Phạm Giang

Bài viết liên quan