Theo thống kê của Tạp chí Giao thông vận tải chỉ trong 3 năm (2015, 2016 và 2017) tỉnh Nghệ An đã thanh lý, bán đấu giá gần 100 xe công vụ (xe biển xanh) cho tư nhân. Tuy nhiên, sau khi mua xong, người mua không chịu làm thủ tục chuyển sang biển trắng theo quy định. Đến hết năm 2017, còn có 70 xe ô tô biển xanh nhưng lại thuộc sở hữu của tư nhân. Thậm chí có nhiều trường hợp sử dụng xe biển xanh 80B sau khi mua thanh lý, đấu giá.
Việc này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan công quyền. Bởi khi đi trên đường không ai phân biệt được xe của tư nhân hay xe của cơ quan nhà nước vì đều biển xanh. Do đó, các xe biển xanh này vi phạm thì người dân, dư luận luôn thường nghĩ rằng đó là xe của cơ quan nhà nước vi phạm.
Đa số các trường hợp là tư nhân sau khi mua đấu giá xe công thanh lý không sang tên đổi chủ, sử dụng xe biển xanh lưu hành vào các mục đích cá nhân. Trước hiện tượng nói trên vào đầu tháng 12/2021, Công an tỉnh Nghệ An đã có công văn gửi các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn, đề nghị thực hiện việc thu hồi biển số, đăng ký xe công thanh lý trước khi giao cho khách hàng mua trúng đấu giá, tránh tình trạng tư nhân sử dụng xe biển xanh lưu thông. Tuy nhiên tình trạng tư nhân sử dụng xe biển xanh thanh lý lưu hành vẫn chưa được xử lý triệt để.
Phòng CSGT Công an tỉnh Nghệ An cũng cho biết: “Việc xử lý cá nhân sử dụng xe biển xanh thanh lý hiện gặp khó khăn vì không có quy định xử phạt hành chính đối với hành vi này, chỉ xử lý trong trường hợp xe gây tai nạn hoặc có hành vi vi phạm pháp luật. Việc quản lý cũng gặp khó khăn do sau khi bán xe thanh lý, cơ quan nhà nước không có văn bản thông báo cho phía CSGT, một số cơ quan không thu hồi đăng ký, biển số xanh trước khi giao xe thanh lý cho khách hàng. Chúng tôi chỉ xử lý đối với các trường hợp làm thủ tục sang tên đổi chủ chậm”.
Việc này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đối với việc kiểm tra, xử lý của lực lượng cức năng trong thời gian qua. Đã có nhiều trường hợp tư nhân sử dụng xe biển xanh gây hậu quả, ảnh hưởng đến hình ảnh của các cơ quan công quyền, cụ thể: Vào ngày 11/7/2017 trên tuyến tránh TP Vinh, tài xế xe cấp cứu “biển xanh” 37A – 0615 vác dao rượt đuổi, chém xe tải 37C – 244.41 sau khi xảy ra va chạm giao thông. Tài xế xe biển xanh đã dùng dao đập phá khiến xe tải 37C – 244.41 bị vỡ kính, hư hỏng nặng. Tài xế và phụ xe tải hoảng sợ bỏ chạy thoát than do sợ tài xe cấp cứu “biển xanh” 37A – 0615 đâm chém. Ngay sau đó, lực lượng CSGT Công an huyện Hưng Nguyên, Nghệ An đã có mặt và làm rõ, chiếc xe cứu thương biển xanh 37A – 0615 trong giấy đăng ký là của Bệnh viện Tâm thần Nghệ An. Tuy nhiên, qua xác minh điều tra thì xe cứu thương “biển xanh” BKS 37A-0615 đã được Bệnh viện Tâm thần Nghệ An đã làm thủ tục thanh lý, bán đấu giá từ tháng 12/2016 thông qua công ty đấu giá với giá bán 42 triệu đồng. Như vậy, chiếc xe biển xanh đã được bán thanh lý nhưng người mua xe vẫn chưa làm thủ tục sang tên, đổi biển số từ biển xanh sang biển trắng theo quy định.
Tài xế xe Biển xanh vác dao chém nhau sau va chạm giao thông
Gần đây nhất, vào tháng 5/2021, Công ty Đấu giá hợp danh An Trà My tổ chức bán đấu giá ôtô 7 chỗ hiệu Mitsubishi Pajero BKS 37A-1539, là tài sản thanh lý của Trung tâm Công tác xã hội Nghệ An. Sau khi bán đấu giá, phía Trung tâm Công tác xã hội Nghệ An không thu hồi đăng ký, biển số xe công, phía khách hàng không làm thủ tục sang tên đổi chủ mà sử dụng biển xanh cũ để lưu hành. Việc này gây nên hệ lụy xấu trong dư luận xã hội.
Ôtô 7 chỗ hiệu Mitsubishi Pajero BKS 37A-1539 là tài sản thanh lý của Trung tâm Công tác xã hội Nghệ An, sau khi mua đấu giá tư nhân vẫn sử dụng biển xanh để lưu hành
Theo Thông tư số 15/2014/TT-BCA ngày 4/4/2014 của Bộ Công an quy định: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày làm chứng từ chuyển quyền sở hữu xe thì chủ xe phải đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để làm thủ tục sang tên đổi chủ. Khi bán xe, chủ xe cũ và người mua mới phải đến cơ quan công chứng để làm hợp đồng tài sản giao dịch. Nếu đã có hợp đồng tài sản giao dịch công chứng, khi có vấn đề gì người bán xe có thể trình bày với cơ quan chức năng việc đã bán xe và chuyển hợp đồng giao dịch, mua bán đã công chứng cho cơ quan công an để không bị xử lý.
Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt cũng quy định: Từ ngày 01/01/2017, người sở hữu xe (gồm cả ôtô công thanh lý) không làm thủ tục đăng ký sang tên xe sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng (đối với cá nhân), từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng (đối với tổ chức). Chủ xe không chấp hành việc thu hồi giấy đăng ký xe, biển số, giấy kiểm định an toàn và bảo vệ môi trường sẽ bị phạt hành chính 2-4 triệu đồng với cá nhân, và phạt 4-8 triệu đồng với tổ chức.
Thế nhưng, đến nay tình trạng nói trên vẫn chưa xử lý được dứt điểm.
Hải Yến