Số điện thoại:0913081908
Email:openskyhk@gmail
logo

Huyền bí địa danh “Đầu Sấu” ở Cần Thơ

Chuyện kể rằng, sau trận chiến ác liệt, từng phần cơ thể con cá sấu trôi đi khắp nơi, phần da dạt vào một chỗ gọi là Cái Da, phần răng trôi qua một nơi gọi là Cái Răng, còn chỗ cái đầu dạt vào thì gọi là Đầu Sấu.

Ngày xưa, ở Vàm sông Cần Thơ, nơi giáp giới giữa hai làng Thường Thạnh và Tân An, có một con sấu rất to lớn và rất mê hát bội. Những lần đình làng tổ chức cúng lễ thượng điền, hạ điền có mời gánh hát bội về diễn, con cá sấu đều trườn lên bãi nằm xem. Do con cá sấu chẳng hại ai, nên người dân dần quen, rồi không còn sợ hãi nữa.

Một dạo, có một chàng trai cưới vợ, rước dâu qua sông thì con cá sấu bất ngờ nổi lên, làm chìm 3,4 chiếc xuồng, ghe. Mọi người cố bơi vào bờ, nhưng cô dâu đã mất tích. Chú rể đau đớn, thề phải giết được con cá sấu. Anh gom góp hết gia sản đi mời cho bằng được 3 gánh hát bội nổi tiếng dụ cá sấu đến, và vận động trai tráng ở các làng hợp sức. Sau đêm diễn, con sấu bơi ra sông cái thì bị chặn lại bằng con đập do mọi người đào trước. Từ trên bờ, con cá sấu bị tấn công tới tấp. Để trả thù, chàng trai mất vợ giành phần phanh da, xẻ thịt con sấu. Rồi từng phần cơ thể con cá sấu trôi đi khắp nơi, chổ cái đầu dạt vào thì gọi là Đầu Sấu, phần da dạt vào thì gọi là Cái Da, phần răng trôi vào thì gọi là Cái Răng…

Xoay quanh câu chuyện này còn có một số dị bản khác. Nhưng nội dung đều xoay quanh câu chuyện người dân chiến đấu với một con cá sấu to lớn, hung dữ. Xác cá sấu bị phân thành nhiều mảnh, trôi dạt khắp nơi, tạo nên những tên gọi như vừa kể. Ngày nay, ở ngay chợ nổi Cái Răng là cầu Cái Răng, gần đó là cầu Đầu Sấu (qua rạch Đầu Sấu) và cầu Cái Da (qua rạch Cái Da). Khi nhắc đến địa danh Đầu Sấu thì người ta lại nghĩ ngay tới cầu Đầu Sấu thuộc tuyến đường 3/2, nối liền phường Hưng Lợi và phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

Theo các vị cao niên, thì tại đầu vàm xưa kia chỉ là một cây cầu ván qua lại. Đến đời Pháp thuộc thì thay bằng cầu sắt và có đường lộ đá, xe hơi, xe ngựa lưu thông dễ dàng (lúc đó bà con chỉ gọi cầu sắt). Mãi đến khi cầu dời ra lộ cái, cùng thời với cầu Cái Răng bắc năm 1913, cầu vẫn mang tên là Cầu Sắt. Không biết đến năm nào cây cầu sắt nầy mới đổi tên là cầu Đầu Sấu cho đến tận ngày nay.

Cầu Đầu Sấu ngày nay

Trước đó, vào năm 2010, nhiều người dân TP. Cần Thơ đã tận mắt chứng kiến mảng xương đầu của một con cá sấu khổng lồ do một ngư dân vừa phát hiện. Điều đặc biệt là mảng xương này được tìm thấy ngay dưới lòng sông vàm Đầu Sấu, phường An Bình, quận Ninh Kiều, địa danh đã có từ rất lâu đời ở Cần Thơ.

Anh Trần Văn Út (người phát hiện bộ xương) cho biết: Xương đầu cá sấu được tìm thấy trong một lần anh đi làm đáy dưới lòng sông và đã được cất giữ cẩn thận khoảng 3 tuần qua. Mảng xương đầu có chiều dài gần 0,9m, chiều ngang hơn 0,4m mặc dù đã có dấu hiệu bị bào mòn. Đường kính chiếc răng cá sấu được xác định là 4cm với độ sâu lỗ chân răng dài khoảng 1 tấc.

Theo ước tính của những bậc cao niên, với độ dài xương đầu và bề rộng hộp sọ, con cá sấu có khả năng đạt trọng lượng từ 300 đến 400 kg. Cùng với những dấu hiệu hóa thạch, niên đại của xương thấp nhất cũng trên một trăm năm tuổi. Việc người dân tình cờ vớt được xương cá sấu to tại khu vực vốn có nhiều giai thoại về cá sấu sẽ là cơ sở quan trọng để các nhà nghiên cứu tìm hiểu rõ hơn về địa danh Đầu Sấu vốn in đậm trong lòng người dân Tây Đô.

Trần Tú – Gia Gia

Bài viết liên quan