PGS. TS Lê Vũ Nam – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; Trưởng BĐH mạng lưới các cơ sở đào tạo luật tại Việt Nam, PB khai mạc hội thảo
Hội thảo nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng về đào tạo luật đồng thời còn là hoạt động hữu ích trong việc gắn kết, chia sẻ giữa các cơ sở đào tạo luật trong mạng lưới, góp phần tạo nền tảng vững vàng trong việc hợp tác và nâng cao chất lượng đào tạo luật ở Việt Nam đáp ứng nhu cầu của xã hội và hội nhập quốc tế.
PGS.TS.Phan Trung Hiền – Trưởng Khoa Luật, Trường ĐH/CT (bìa trái), tặng hoa cho BĐH mạng lưới các cơ sở đào tạo luật tại Việt Nam
PGS.TS.Phan Trung Hiền – Trưởng Khoa Luật, Trường ĐH/CT, cho biết: Hội thảo sẽ mở đầu cho quá trình gắn kết xa hơn, sâu rộng hơn giữa Trường ĐH/CT, cụ thể là Khoa Luật, với các cơ sở thực hành luật trong và ngoài vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng là yếu tố cần thiết tạo dựng môi trường rèn luyện kỹ năng thiết thực cho các em sinh viên nhằm đáp ứng mục tiêu đào tạo của Nhà trường.
Chương trình HT diễn ra làm 02 phiên với các tham luận được trình bày từ các báo cáo viên là đại diện các đơn vị đào tạo luật cũng như từ phía giảng viên (GV), sinh viên. Nội dung xoay quanh các vấn đề đào tạo luật trong xu thế hội nhập hiện nay, các cách thức thúc đẩy chất lượng đào tạo luật phù hợp với thực tiễn và tình hình xã hội - kinh tế phát triển.
Đoàn Chủ toạ Phiên I
Các diễn giả tập trung vào 03 nhóm vấn đề chính: Những vấn đề chung về nâng cao chất lượng ngành luật. Đổi mới phương pháp giảng dạy đáp ứng nhu cầu đào tạo. Phát triển kỹ năng cho sinh viên ngành luật. Trong đó một số kinh nghiệm giảng dạy được nhiều đại biểu đánh giá cao như: “Vận dụng mô hình giáo dục (GD) pháp luật thực hành để nâng cao chất lượng đào tạo luật thực tiễn tại Khoa Luật, trường ĐH/CT”, “Đào tạo luật trong thời đại số: Một số gợi mở đầu tiên” của trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; “Một số kiến nghị về hoạt động đảm bảo và kiểm định chất lượng GD các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam” của Khoa Luật, Trường ĐH Vinh, “Nhận diện một số kỹ năng cơ bản trong đào tạo nghề luật ở Việt Nam” của Khoa Luật Kinh tế, Trường ĐH Luật – Đại học Huế…
Trong phần thảo luận, theo nhiều đại biểu, một trong những nguyên nhân căn cơ gây khó khăn cho hoạt động thực hành nghề của giảng viên (GV) luật là pháp luật hiện hành không khuyến khích GV luật thực hiện hoạt động hành nghề, nghĩa là viên chức dạy luật không đồng thời hành nghề Luật sư – nghề được xem là linh hồn ngành luật. PGS.TS.Phan Trung Hiền – Trưởng Khoa Luật, Trường ĐH/CT, phân tích: “Ở góc độ nghiên cứu lý luận, việc thiếu ghi nhận quyền tự do học thuật trong hoạt động GD đại học làm cho GV luật còn khá “e dè” trong nghiên cứu, giảng dạy các học thuyết pháp lý hiện đại, đặc biệt là các học thuyết pháp lý phương Tây, qua đó ảnh hưởng đến tiềm năng nghiên cứu khoa học cũng như chất lượng giảng dạy luật ở Việt Nam. Như vậy, có thể thấy rằng giảng viên luật ở nước ta hiện đang lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan ở cả góc độ nghiên cứu lý luận và hoạt động thực tiễn. Do vậy việc ghi nhận quyền tự do học thuật trong luật giáo dục đại học và cho phép GV được hành nghề luật sư có thể được xem là bước tiến lớn trong việc dỡ bỏ rào cản, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân luật ở nước ta trong thời gian tới”.
Nhóm nghiên cứu Đề tài khoa học “Vận dụng mô hình giáo dục pháp luật thực hành để nâng cao chất lượng đào tạo luật thực tiễn tại Khoa Luật, trường ĐH/CT” trình bày tham luận
Các đại biểu thống nhất: Để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân luật ở Việt Nam, nên chăng, trong Luật GD đại học cần ghi nhận quyền tự do học thuật, đồng thòi bổ sung giảng dạy các học phần: “Học thuyết pháp lý”, “Tư duy pháp lý”, “Đạo đức nghề luật” vào chương trình đào tạo ngành luật với vị trí là học phần cơ sở ngành. Tăng cường sự gắn kết giữa hoạt động nghiên cứu pháp luật và hoạt động thực hành nghề luật. Theo đó, cần thiết kế chương trình đào tạo theo mô hình của trường Y, trong đó lồng ghép các khóa học giảng dạy với luân phiên thực hành. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu xây dựng nội dung các khóa học theo kết cấu “Mô-đun vấn đề pháp lý”. Các nội dung trên nên được xây dựng và hoàn thiện song song với việc tiếp cận đúng và đủ “Phương pháp nghiên cứu khoa học luật” và xây dựng “Tư duy pháp lý”. Cho phép viên chức là giảng viên luật được thực hiện hoạt động nghề nghiệp, đặc biệt là hành nghề luật sư. Thêm vào đó, cần quy định giờ chuẩn thực hành nghề hàng năm của giảng viên, sinh viên tại Trung tâm tư vấn pháp luật trực thuộc cơ sở đào tạo. Đồng thời
PGS.TS Lê Vũ Nam – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; Trưởng Ban điều hành mạng lưới các cơ sở đào tạo luật tại Việt Nam, cho rằng: “Cần kết nối giữa Trung tâm tư vấn pháp luật của cơ sở đào tạo với các cơ quan, tổ chức có chức năng hành nghề thực tiễn như Trung tâm trợ giúp pháp lý (Sở Tư pháp), các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật, hội luật gia,... nhằm hỗ trợ tư vấn pháp lý cho những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, thậm chí tham gia tố tụng khi cần thiết. Qua đó tạo môi trường để GV, sinh viên có cơ hội trau dồi chuyên môn, va chạm với các tình huống phát sinh trên thực tế. Chốt lại, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành luật chỉ có thể được cải thiện tốt nhất nếu được tiếp cận từ cả ba phía chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, chuyên môn của người dạy và nỗ lực học tập tốt của người học. Vì lẽ đó, bản thân người học cũng cần phải tự mình chọn và trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho lĩnh vực pháp luật mà mình muốn theo đuổi trong tương lai”.
Đan Phượng