Ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, chia sẻ tại toạ đàm
Có 9 ý kiến của các nhà báo tại toạ đàm, trong đó đại diện các cơ quan truyền thông bày tỏ lòng biết ơn trước sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo TP đối với hoạt động tác nghiệp của báo chí và khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành, góp phần vào sự phát triển của Cần Thơ,… Theo các đại biểu: Với khoảng 70 văn phòng đại diện, cơ quan báo chí trung ương, địa phương đặt tại Cần Thơ, TP không chỉ là một trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội của ĐBSCL mà còn là trung tâm báo chí của khu vực. Do vậy, việc kết nối phối hợp chia sẻ giữa Cần Thơ và các cơ quan truyền thông có vai trò quan trọng cho cả hai phía. Vừa thông tin kịp thời tình hình phát triển của TP. Cần Thơ, khu vực ĐBSCL vừa tuyên truyền hiệu quả chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước,…
Toạ đàm diễn ra trong không khí cởi mở, chân tình
Một trong những vấn đề nổi bật tại hội thảo là sự thông tin, hợp tác cần đi trước một bước. Theo đó, để sự phối hợp hiệu quả hơn, các đại biểu mong TP. Cần Thơ chủ động hơn trong cung cấp thông tin với báo chí. Ông Lê Thế Chữ - Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, nói: “Mỗi tháng, TP. Cần Thơ họp báo giao ban báo chí một lần, nhưng trong điều kiện tác nghiệp báo chí hiện nay không thể chờ 1 tháng mới có thông tin. Vì vậy, đối với những sự kiện nóng, sự kiện quan trọng, Cần Thơ có thể tổ chức ngay những buổi họp báo để thông tin đi trước, góp phần để TP chủ động hơn trong chỉ đạo, điều hành”. Đồng quan điểm, nhà báo Mai Ngọc Phước - Tổng biên tập báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh, phân tích: “Báo chí là cầu nối giữa nhân dân và lãnh đạo. Các đồng chí lãnh đạo nên coi báo chí là bạn đồng hành; các Sở, Ban, Ngành cần chủ động cung cấp thông tin kịp thời. Như thông tin cần giải tỏa một khu vực, phải thông tin trước để lòng dân thuận thì khi làm sẽ ổn hơn. Hay có những vấn đề xử lý khủng hoảng, đừng để mạng xã hội, người dân đồn đoán. TP cần phải chủ động, không nên chờ”. Ông Phước cũng cho rằng: Sau khi có Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị về phát triển TP. Cần Thơ và các Nghị quyết của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 59 thì TP. Cần Thơ có sự phát triển lớn. Tuy nhiên, thông tin về TP. Cần Thơ, trong đó có sự điều hành, cải cách thủ tục dành cho các Doanh nghiệp, những chính sách xã hội,… chưa xứng tầm so với sự phát triển đó.
Theo các đại biểu: Sự phối hợp không chỉ là quan tâm, tạo điều kiện tác nghiệp báo chí mà còn là sự đồng hành giữa TP trong các hoạt động sau mặt báo, như từ thiện xã hội, các chương trình vì cộng đồng,…
Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng đồng thuận với những chia sẻ của các nhà báo
Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng, đề nghị Cần Thơ và các cơ quan báo chí tăng cường kết nối, tổ chức những buổi tọa đàm để chia sẻ và cùng tháo gỡ những vướng mắc trong phối hợp. “Có thể tổ chức cho người làm báo Cần Thơ lên tham quan học hỏi, trao đổi kinh nghiệm tại các cơ quan báo chí tại TP. Hồ Chí Minh,… Về phía các cấp Hội Nhà báo, có thể tổ chức các câu lạc bộ phóng viên chuyên ngành, chẳng hạn như về nông nghiệp, du lịch, công nghệ thông tin để phối hợp cùng TP. Cần Thơ thông tin, tuyên truyền hiệu quả hơn”- ông Dũng nói.
Ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, tiếp thu những ý kiến của các cơ quan báo chí, giao Sở Thông tin và Truyền thông củng cố lại cách thức phối hợp hai bên để những việc TP cần chia sẻ ngay, sẽ truyền tải được tới người dân, từ đó người dân cũng giám sát TP thực hiện,… Người đứng đầu UBND TP. Cần Thơ thẳng thắn thừa nhận: Lâu nay Cần Thơ luôn được khẳng định có vai trò vị thế trung tâm vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, đến nay vai trò này vẫn chưa thực sự rõ nét. Chỉ có một số lĩnh vực Cần Thơ nổi trội hơn so với các tỉnh trong khu vực như giáo dục, y tế, còn lại nhiều lĩnh vực chưa thể hiện được vị thế của một TP động lực của vùng: “Một điều rất đáng mừng là gần đây nhất, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 13 về phương hướng phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đã chỉ rõ những hạn chế của Cần Thơ cũng như vùng ĐBSCL vì sao chưa phát triển xứng tầm, vì sao phát triển chậm so với cả nước. Từ đó cũng nêu rõ các nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ liên kết vùng, làm thế nào để phát huy thế mạnh của từng địa phương. Trong đó, Cần Thơ tiếp tục được khẳng định giữ vai trò trung tâm, động lực của cả vùng, đó là một trung tâm dịch vụ, thương mại, logistics để tiêu thụ nông sản cả vùng”- Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ nói.
Cũng theo Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ: Nghị quyết 45 của Quốc hội về một số cơ chế đặc thù cho Cần Thơ đã mở ra nhiều kỳ vọng cho Cần Thơ và ĐBSCL nhưng đây cũng là nhiệm vụ nặng nề cho địa phương. Có rất nhiều việc phải làm, trong khi thời gian thực hiện thí điểm của Nghị quyết chỉ 5 năm: “Như việc thành lập Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL; Thực hiện xã hội hoá để nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ,… Để thực hiện, Cần Thơ đang vướng nhiều thủ tục mà thời gian thì có hạn. TP rất mong tiếp tục nhận được sự đồng hành của các cơ quan báo chí để thực hiện được những chủ trương, chính sách, Nghị quyết của Chính phủ, Quốc hội dành cho TP. Cần Thơ.”- ông Trường chia sẻ.
Ông Lê Thế Chữ - Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ, nêu các kiến nghị với lãnh đạo TP. Cần Thơ
Đan Phượng