Số điện thoại:0913081908
Email:tranhuy.giaothongketnoi@gmail.com
logo

Hậu Giang: Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa

Tỉnh uỷ Hậu Giang vừa ban hành Chương trình của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh  uỷ về Thực hiện Kết luận  số 36-KL/TW ngày 23-6-2022, của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với nhiều mục tiêu quan trọng.

Nguồn nước sông Cái Lớn bị ô nhiễm  tại thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. (Ảnh: LÝ ANH LAM)

Theo đó, đến năm 2025: Hậu Giang phấn đấu trên địa bàn tỉnh có 100% hộ gia đình ở thành thị và 85% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn; Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước cho sản xuất, cơ bản sửa chữa, nâng cấp thủy lợi bị xuống cấp, bảo đảm an toàn các đập, hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp.

Đến năm 2030: Cân đối đủ nước phục vụ dân sinh và phát triển KT-XH; 100% hộ gia đình ở thành thị và 90% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn. Hoàn thành sửa chữa, nâng cấp các đập, hồ chứa nước hư hỏng, xuống cấp, thiếu năng lực phòng, chống lũ, xâm nhập mặn. Bước đầu khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng tại một số lưu vực sông; Chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Tầm nhìn đến năm 2045: Chủ động được nguồn nước phục vụ dân sinh và phát triển KT-XH; Bảo đảm hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn. Dự báo, cảnh báo dài hạn để xử lý ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, ứng phó với thiên tai, BĐKH; Kiểm soát và khắc phục tình trạng suy thoái, ô nhiễm nguồn nước tại các lưu vực sông.

Về giải pháp để đạt các mục tiêu trên: Các cấp ủy đảng, chính quyền tổ chức triển khai, quán triệt Kết luận số 36-KL/TW để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, Đảng viên, các tầng lớp Nhân dân, nhất là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (DN) về tầm quan trọng bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới.

Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, Đảng viên và Nhân dân có nhận thức đúng, đầy đủ về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài, liên quan trực tiếp đến đời sống Nhân dân, phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh đất nước,... Phát huy vai trò giám sát của người dân, cộng  đồng, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Vận động Nhân dân quản lý, chủ động tích trữ, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Tăng cường công tác quy hoạch, điều tra cơ bản, giám sát, kiểm kê, đánh giá trữ lượng nguồn nước, phục vụ hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành. Chủ động nghiên cứu, đánh giá tác động việc xây dựng công trình thủy lợi, giải quyết các tác động cực đoan về hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, úng, suy thoái nguồn nước, bảo vệ môi trường nước.

Tăng cường thực hiện các biện pháp sử dụng nước trong sản xuất nông nghiệp tiết kiệm, hiệu quả. Đầu tư khép kín, hoàn chỉnh hệ  thống công trình thủy lợi, đảm bảo chủ động trữ nước ngọt, điều hòa, phân phối  nguồn nước trong Tỉnh, liên cấp huyện. Xây dựng, hoàn thiện công trình cấp thoát nước sinh hoạt nông thôn, đô thị, ưu tiên đầu tư cho khu vực chịu ảnh hưởng của thiên tai.

Tăng cường chuyển đổi số, hiện đại hóa công tác quản lý, vận hành hệ thống công trình thủy lợi, hệ thống chống  ngập đô thị, công nghiệp, khu dân cư. Quản  lý chặt chẽ việc khai thác cát, lòng  sông, hồ chứa nước.  Nâng cấp, hiện đại hóa mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn, mạng lưới trạm thủy văn chuyên dùng, hệ thống giám sát mặn. Xây dựng, nâng cấp bảo đảm an toàn công trình thủy lợi.  Sử dụng tiết kiệm nước. Quản lý hiệu quả nhu cầu sử dụng nước trong các ngành kinh tế, nhất là trong nông nghiệp. Xây dựng cơ chế, chính sách đào tạo, đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ông Trần Văn Huyến – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Hậu Giang, nhấn mạnh: “Đặc biệt, tỉnh sẽ giám sát chặt các nguồn thải, chất thải xả vào nguồn nước, nhất là nước thải sinh hoạt, công nghiệp. Đánh giá khả năng chịu tải, phân vùng xả thải, hạn ngạch xả nước thải; Xác định mục tiêu, lộ trình giảm xả thải vào nguồn nước, công trình thủy lợi không còn khả năng chịu tải. Xây dựng và triển khai lộ trình cấm sử dụng các loại hóa chất độc hại gây ô nhiễm nguồn nước; Quản lý chặt chẽ khai thác nước ngầm ở khu vực có nguy cơ  xâm nhập mặn, sụt lún đất. Đẩy nhanh việc cải tạo, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, ô nhiễm nghiêm trọng.  Bảo vệ và nâng cao chất lượng rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn; Bảo vệ và phát triển bền vững nguồn sinh thủy, các hệ sinh thái ngập nước quan trọng”.

Cần nói thêm: Theo Công ty Cổ phần Cấp nước và Vệ sinh môi trường nông thôn Hậu Giang (HG), đến nay tỷ lệ người dân nông thôn tỉnh HG sử dụng nước hợp vệ sinh là 97,89%. Tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia của Bộ Y tế là 81,94%. Trong đó, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung đạt 55,64% và tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước nhỏ lẻ đạt 29,30%.

Đan Phượng

Bài viết liên quan