Số điện thoại:0913081908
Email:openskyhk@gmail
logo

Hàng trăm container hàng vẫn chưa được thông quan qua cửa khẩu

Chỉ còn 10 ngày nữa là vào dịp nghỉ Tết Nhâm Dần 2022, thế nhưng tại ga Yên Viên, vẫn dồn ứ hàng trăm container cả hàng nhập lẫn hàng xuất.

Theo phản ánh trên báo Giao thông, tại bãi hàng Trung tâm logistics ITL ga Yên Viên, các container chồng lên nhau như dãy chung cư 4-5 tầng vì phải đợi làm thủ tục hải quan, để lập tàu xuất qua ga biên giới Đồng Đăng hoặc giải tỏa đi các nơi.

Ga Đồng Đăng quá tải, đường ga, bãi hàng kín toa xe liên vận quốc tế xuất - nhập qua biên giới (Ảnh: Báo Giao thông)

Đại diện Công ty CP Vận tải và thương mại đường sắt (Ratraco) - doanh nghiệp chuyên vận chuyển hàng liên vận quốc tế cho hay, hàng nặng tại bãi Yên Viên đang còn khoảng 300 container. Số này chưa kể hàng chục container nặng trên các toa xe, chiếm dụng đường.

Nguyên nhân khiên tình trạng ùn ứ, quá tải xảy ra là do hiện chỉ có các ga Đồng Đăng, Lào Cai, Yên Viên là ga liên vận quốc tế, có cơ quan hải quan làm thủ tục xuất nhập khẩu. Hàng Trung Quốc về nhiều, ga Đồng Đăng cũng đang quá tải, nên hàng dồn về ga Yên Viên để giải tỏa đi nội địa.

Chiều ngược lại, hàng xuất đi Trung Quốc, châu Âu và cả vỏ container trả Trung Quốc cũng về ga để làm thủ tục hải quan. Tuy nhiên, thời gian làm thủ tục hải quan kéo dài, do chủ hàng chưa đủ chứng từ. Cùng đó, cơ quan hải quan cũng thiếu nhân lực. Trong khi tại ga Yên Viên chỉ có bãi ITL đủ năng lực để làm thủ tục hải quan và xếp dỡ container.

Tại ga Đồng Đăng, ông Phạm Đức Khái, Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt, kiêm Trưởng ga Liên vận quốc tế Đồng Đăng cho biết, theo Nghị định thư đường sắt biên giới, hàng ngày giữa ga Đồng Đăng và ga Bằng Tường chạy 6 đôi tàu, tương đương khoảng 150 toa xe xuất - nhập. Nhưng trên thực tế, chỉ chạy tối đa 4 đôi/ngày do năng lực ga Đồng Đăng không đáp ứng được, chỉ chứa được khoảng 150 toa xe.

Diện tích khu bãi hàng gồm cả kho, đường xếp dỡ rộng, khoảng 23ha. Tuy nhiên, do chưa được đầu tư, sửa chữa lớn nên xuống cấp nghiêm trọng, năng lực rất kém, không đáp ứng được nhu cầu vận tải. Hiện chỉ có 4 đường xếp dỡ ngắn, mỗi đường khoảng 100m, chứa được khoảng 6 toa xe/1 đường.

Theo ông Phan Quốc Anh, Phó TGĐ Tổng công ty Đường sắt VN, đơn vị đang  đang kiến nghị làm bãi hàng tại ga Yên Viên Bắc và xem xét đầu tư, lập ga Kép (Bắc Giang) là ga liên vận quốc tế. Khi đó, với hàng nhập từ Trung Quốc sẽ gửi vận đơn về ga Kép để làm thủ tục hải quan, còn hải quan ga Đồng Đăng chỉ giám sát, làm thủ tục thông qua. Như vậy sẽ giảm được ách tắc tại ga Đồng Đăng. Hơn nữa, tại ga Kép, có thể dỡ hàng hoặc làm vận đơn nội địa để tiếp tục theo tàu đi các ga khác, giải tỏa được hàng nhanh.

Không riêng gì đường cửa khẩu, nhiều doanh nghiệp chuyển sang vận chuyển bằng đường biển cũng gặp phải khó khăn. Trong đó, để có container lạnh chuyển hàng, doanh nghiệp phải tốn rất nhiều chi phí. Nhiều doanh nghiệp phải mua lại container lạnh từ doanh nghiệp khác nên giá tăng gấp đôi, thậm chí 3-4 lần so với giá thực tế (giá thực tế dao động 4-8 triệu một container 20 feet.

Theo ông Phạm Ngọc Thành, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO),  trước đây giá cước vận chuyển một container lạnh chỉ 30-40 triệu đồng, nay tăng lên 200 triệu đồng, cộng chi phí vỏ container lạnh tăng cao khiến chi phí xuất hàng của doanh nghiệp tăng nhiều lần. Lợi nhuận vì thế cũng giảm mạnh.

Từ 1/1/2022, Lệnh 248 và 249 của Trung Quốc có hiệu lực, đòi hỏi các sản phẩm xuất sang thị trường này cần đảm bảo an toàn và chất lượng cao hơn.

Hiện nay, ngoài 300.000 tấn thanh long đang vào vụ thu hoạch, bưởi, mít, chuối, nhãn, dưa hấu của Việt Nam cũng đang tìm đầu ra với số lượng lên tới hàng trăm tấn.   

Minh Tú (t/h)

Bài viết liên quan