Số điện thoại:0913081908
Email:openskyhk@gmail
logo

Gia Lai: Diễn đàn “Kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản vùng Tây Nguyên”

Ngày 21-5, tại TP. Pleiku, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai, tổ chức Diễn đàn “Kết nối Tây Nguyên” với nội dung “Kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản vùng Tây Nguyên”.

Buổi Lễ Ký kết Biên bản hợp tác kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản

Dự và chỉ đạo Chương trình có các đồng chí: Hồ Văn Niên - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai; Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT. Cùng dự còn có các đồng chí lãnh đạo các Bộ, Ngành Trung ương; Lãnh đạo các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương; các Cơ quan ngoại giao, các tổ chức, Doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, đồng chí Phùng Đức Tiến, cho biết: “Tây Nguyên được xác định là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, chính trị, quân sự của cả nước, với diện tích 54.474 km2 (chiếm 16,46 % cả nước), dân số hơn 5,9 triệu người và có 47 dân tộc anh em sinh sống. Thời gian qua, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên, nhờ vậy, nông nghiệp Tây Nguyên liên tục phát triển theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế vùng, địa phương, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với cơ chế thị trường. Giai đoạn 2016-2020, giá trị sản xuất nông nghiệp vùng Tây Nguyên tăng bình quân 6,05%/năm; năm 2021 tăng 5,8% và chiếm gần 12,8% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp cả nước. Trong chăn nuôi, có hơn 900 ngàn con bò; 88,4 ngàn con trâu; gần 2,2 triệu con heo; 28 triệu con gia cầm. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 36,6 ngàn ha. Tổng diện tích rừng là hơn 2,56 triệu ha, với tỷ lệ che phủ rừng đạt 45,94%.

Bên cạnh đó, Tây Nguyên hiện có 87 cơ sở chế biến cà phê quy mô lớn (chiếm 36,4% cả nước); 10 doanh nghiệp chế biến cao su, công suất trên 70 ngàn tấn/năm; 40 nhà máy chế biến chè, công suất 200 ngàn tấn/năm, chiếm trên 20% sản lượng chè cả nước; 8 nhà máy chế biến hạt điều, chiếm 20% sản lượng cả nước; trên 20 nhà máy chế biến rau quả, với công suất trên 300 ngàn tấn/năm; 4 nhà máy chế biến đường, công suất trên 2 triệu tấn mía/năm. Ngoài ra, có 334 cơ sở trồng trọt/32.282 ha được chứng nhận VietGAP; 797 trang trại và cơ sở được chứng nhận VietGAP với sản lượng 27.702 tấn thịt, 16 cơ sở nuôi thủy sản được chứng nhận VietGAP; 241 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND Gia Lai, đồng chí Kpă Thuyên, cho rằng: “Diễn đàn Kết nối Tây Nguyên với nội dung: Kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản vùng Tây Nguyên tại Gia Lai là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là dịp để các tỉnh, TP ký kết, hợp tác, xúc tiến tiêu thụ nông sản, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đồng thời, tỉnh mong muốn và tin tưởng rằng, với sự quyết tâm, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng thuận của Nhân dân, đặc biệt là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các Bộ, Ngành Trung ương, sự giúp đỡ, hỗ trợ của các Cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước, sự đồng hành, hợp tác của tỉnh, các Doanh nghiệp, ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung sẽ có những bước chuyển biến mạnh mẽ, tạo động lực góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, phát triển nhanh và bền vững”.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, nhấn mạnh: “Diễn đàn không chỉ làm nổi bật được tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp Tây Nguyên, mà còn là nơi trao đổi, kết nối, sẻ chia những kinh nghiệm về phát triển chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ nông sản giữa các tỉnh, TP, nhất là trong bối cảnh thế giới và Việt Nam chịu tác động trực tiếp do dịch Covid-19 làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng. Đặc biệt tại Diễn đàn này, chúng ta đã chứng kiến Lễ Ký kết Biên bản hợp tác kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT với 5 tỉnh Tây Nguyên và 6 Hiệp hội ngành hàng; giữa UBND tỉnh Gia Lai và 3 TP Trung tâm tiêu thụ nông sản lớn của vùng Tây Nguyên; giữa Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Doanh nghiệp; giữa tỉnh Gia Lai và các Doanh nghiệp, nhà phân phối lớn ngoài tỉnh. Đây là tiền đề quan trọng mở ra cơ hội hợp tác, liên kết phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững giữa các bên.

“Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ luôn đồng hành, lắng nghe và hỗ trợ các tỉnh, các Doanh nghiệp nhằm tạo ra chuỗi giá trị liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản bền vững. Theo đó, sẽ tập trung vào một số nội dung trọng điểm như tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển nông nghiệp, nông thôn khu vực Tây Nguyên. Đồng thời, các địa phương cần tập trung chuyển nhanh tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, gắn với đô thị hóa nhằm tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái, hiện đại, bền vững. Xác định các cây trồng, vật nuôi ưu tiên, xây dựng một số trung tâm sản xuất cây công nghiệp, nông nghiệp giá trị cao, như: dược liệu, cao su, cà phê, hồ tiêu, chè, gỗ rừng trồng. Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, liên kết nông nghiệp nội vùng và với các vùng Đông Nam Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, cũng như cả nước để thúc đẩy sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Đầu tư phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ phục vụ chế biến sâu và nâng cao giá trị các sản phẩm chủ lực của từng vùng”- Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT nhấn mạnh.

Tại Diễn đàn đã diễn ra lễ ký kết, ghi nhớ hợp tác giữa các bên như: Ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT, 5 tỉnh Tây Nguyên với một số hiệp hội ngành hàng chủ lực; ký kết hợp tác giữa 5 tỉnh Tây nguyên với một số chuỗi phân phối nông sản; ký kết giữa Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai với Sở Nông nghiệp và PTNT TP. Hồ Chí Minh, Ban An toàn vệ sinh thực phẩm và UBND TP. Đà Nẵng; ký kết giữa Trung tâm Khuyến nông Quốc gia với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp.

Trọng Bảy

Bài viết liên quan