Tham dự diễn đàn gồm có: Ông Trần Việt Trường – Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ; Ông Phạm Văn Hiểu - Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND TP. Cần Thơ; Bà Huỳnh Kim Định - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn kiêm Phó chánh VP thường trực của VP Điều phối Nông nghiệp Nông thôn vùng ĐBSCL; Đại diện Lãnh đạo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển Thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Đại diện Lãnh đạo Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương; Lãnh đạo thành phố; các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân trong và ngoài thành phố cùng cơ quan báo, đài địa phương và các tỉnh, thành lân cận.
Ông Trần Việt Trường – Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, phát biểu tại diễn đàn
Phát biểu tại diễn đàn Ông Trần Việt Trường – Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết: “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam là sự kiện thường niên được Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổ chức từ năm 2017, đến nay đã tổ chức Diễn đàn lần thứ 5, với mục đích là nơi trao đổi ý kiến, chia sẻ quan điểm giữa các cơ quan, Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước, các Chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp về những cơ hội và thách thức của nền kinh tế, định hướng phát triển đất nước”.
“Là một trong bảy vùng kinh tế của Việt Nam, vùng ĐBSCL là một trong những đồng bằng lớn nhất thế giới, có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển kinh tế - xã hội. ĐBSCL giữ vị thế hết sức quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và trong giao thương với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tiểu vùng sông Mekong. Vùng có diện tích tự nhiên 39.734 km2 chiếm 12,2% diện tích cả nước; dân số khoảng 18 triệu người, chiếm 19% dân số cả nước.
Đồng bằng sông Cửu Long có quy mô kinh tế ngày càng mở rộng, năm 2020 đạt 970 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,95% tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả nước; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người đạt 56,02 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 62,8%. Đây là vựa lúa, trung tâm sản xuất thủy sản, trái cây lớn nhất cả nước; đóng góp 31,37% GDP toàn Ngành Nông nghiệp và hơn 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% lượng trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu, 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu; đóng vai trò quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu”. – Ông Trường nhận định.
Những con số nêu trên đã khẳng định mạnh mẽ vai trò và sự đóng góp rất lớn về mặt kinh tế của vùng ĐBSCL cho kinh tế cả nước. Do đó, ĐBSCL nói chung, thành phố Cần Thơ nói riêng cần tiếp tục khai thác, phát huy tốt hơn những tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển, đặc biệt là ngành Nông nghiệp.
Tuy thế mạnh của vùng là như thế, nhưng nông nghiệp vùng ĐBSCL vẫn còn gặp nhiều khó khăn: Phát triển phân tán, quy mô nhỏ lẻ, giá trị kinh tế thấp; Nguồn nhân lực, tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp nhất so với các vùng khác trong cả nước. Chất lượng nguồn nhân lực, nguồn lao động chưa tương xứng với vị thế vai trò vùng. Hạ tầng giao thông nội và liên vùng vẫn thiếu và yếu (đường thủy, đường bộ) giao thông kết nối yếu kém dẫn đến tăng chi phí vận chuyển trong các chuỗi giá trị sản xuất, dẫn đến giảm sức cạnh tranh; Khoa học kỹ thuật và công nghệ cũng còn rất hạn chế; Biến đối khí hậu vẫn còn tác động đến toàn vùng.
Để phát triển vùng ĐBSCL đến năm 2030 trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới trên cơ sở phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp, các hành lang kinh tế và các đô thị động lực tập trung các dịch vụ và công nghiệp đa dạng với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu. Chính phủ đã ký Quyết định ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, Bộ Chính trị và Quốc hội cũng đã thông qua việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại thành phố Cần Thơ để xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
TP. Cần Thơ thời kỳ hội nhập
Hàng năm, Cần Thơ đóng góp khoảng 1,47% GDP cả nước, khoảng 3,24% GRDP của 5 thành phố lớn trực thuộc Trung ương và khoảng 9,45% GRDP của vùng ĐBSCL. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 74,50 triệu đồng, gấp 7,1 lần so năm 2005; cao hơn so với GDP bình quân đầu người cả nước 64,49 triệu đồng, đứng vị trí thứ 5 so với các thành phố lớn trực thuộc Trung ương và trong tốp đầu vùng ĐBSCL. Kết quả này cũng chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của thành phố Cần Thơ trong mối liên kết vùng.
Diễn đàn Kinh tế là sự kiện thường niên được Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ phối hợp các Sở, ngành tổ chức với mục tiêu cụ thể sau: Nhận dạng xu thế và tầm quan trọng của Trung tâm liên kết tại vùng ĐBSCL; Hiến kế giải pháp khả thi tổ chức triển khai khi Trung tâm được phê duyệt, nhất là giải quyết điểm nghẽn chung của vùng về khâu tổ chức, sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL; Cơ chế chính sách thu hút nhà đầu tư, kết nối hạ tầng giao thông, logistics, giải phóng mặt bằng, tái định cư,... phục vụ cho Trung tâm; Kết quả kỳ vọng này giúp UBND thành phố Cần Thơ có bước chuẩn bị tốt cho việc triển khai các cơ chế đặc thù theo tinh thần Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội, trong đó có Trung tâm Liên kết sản xuất chế biến tiêu thụ nông nghiệp vùng ĐBSCL tại thành phố Cần Thơ.
Với chủ đề: “Vai trò và giải pháp liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. Diễn đàn đã góp phần thu hút nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế, tạo ra các động lực tăng trưởng mới, tăng tính kết nối tiêu thụ và gia tăng giá trị sản phẩm, đẩy mạnh dịch vụ logistic, tăng tính cạnh tranh, thu hút lao động, ứng dụng khoa học, công nghệ nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội TP. Cần Thơ nói tiêng và vùng ĐBSCL nói chung.
Trần Huy - Quang Châu