Số điện thoại:0913081908
Email:tranhuy.giaothongketnoi@gmail.com
logo

Để bảo vệ hiệu quả môi trường sống

Sau 1 ngày làm việc, Hội thảo: “Tình hình ban hành và thực hiện pháp luật ứng phó với Biến đổi khí hậu (BĐKH) ở Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2021 và giải pháp trong thời gian tới”, do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN-MT) của Quốc hội phối hợp cùng Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức tại TP. Cần Thơ vào ngày 8-12, đã thành công tốt đẹp.

Ban Chủ trì Hội thảo 

Tham dự hội thảo (HT) có ông Lê Quang Huy - Ủy viên TW Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; ông Oemar Idoe - Phó Giám đốc GIZ; lãnh đạo Ủy ban của Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại diện các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế. Tại TP. Cần Thơ, các đồng chí: Lê Quang Mạnh - Bí thư Thành ủy Cần Thơ; Nguyễn Ngọc Hè - Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, tham dự.

Ông Lê Quang Huy – Uỷ viên TW Đảng, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban (KH,CN-MT) của Quốc hội, phát biểu khai mạc HT

Phát biểu tại HT, ông Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN-MT của Quốc hội, nhấn mạnh: BĐKH đang có xu hướng diễn biến rất phức tạp, tác động ngày càng trầm trọng trên phạm vi thế giới. Do đó chung tay của nhiều quốc gia đề ra các hành động tăng khả năng chống chịu và ứng phó với BĐKH, bảo vệ môi trường là cần thiết. Đặc biệt các cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại COP26 trong các hoạt động ứng phó với BĐKH, phấn đấu đạt mục tiêu trung hoà phát thải carbon vào năm 2050 càng cho thấy tầm quan trọng và sự quan tâm của cộng đồng quốc tế nói chung và Việt Nam nói riêng đối với vấn đề này.

Thời gian qua, Quốc hội đã thông qua nhiều Luật có liên quan đến thích ứng với BĐKH, trong đó có Luật Bảo vệ môi trường năm 2022, Luật Trồng trọt năm 2018, Luật Chăn nuôi năm 2018, Luật Đa dạng Sinh học năm 2018, Luật Thủy sản năm 2017,… Đồng thời, Chính phủ cũng ban hành nhiều chiến lược, nghị quyết, quy hoạch liên quan đến BĐKH, nổi bật là Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH,…

Thống nhất với ông Huy, các đại biểu khẳng định, những năm gần đây, BĐKH  diễn biến ngày càng khó lường, các hiện tượng như bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, xói lở biển, nước biển dâng thường xuyên xảy ra với cường độ mạnh hơn; đã tác động ngày càng nghiêm trọng đến tất cả các mặt đời sống, kinh tế, xã hội, đặc biệt là tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

Ông Christoph Klinnert – Giám đốc Dự án MCRP, GIZ (Đức), giới thiệu cuốn sách “Kinh nghiệm của một số quốc gia trong hoạt động lập pháp và thực thi pháp luật về ứng phó với BĐKH”

Các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đã thảo luận những vấn đề về bối cảnh và kinh nghiệm của quốc tế trong chính sách ứng phó với BĐKH; giải pháp về chính sách, pháp luật thúc đẩy kinh doanh tín chỉ carbon và tham gia thị trường các-bon thế giới; phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; sản xuất và tiêu dùng thân thiện với môi trường; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, tăng cường liên kết vùng,... trong ứng phó với BĐKH. Đồng thời đi sâu thảo luận, đánh giá tình hình ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BĐKH ở Việt Nam. Quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020; đánh giá kết quả chủ yếu đạt được; những khó khăn, vướng mắc,…

Để việc thực hiện pháp luật ứng phó với BĐKH hiệu quả hơn, đặc biệt là các giải pháp thích ứng với BĐKH trong thực hiện quy hoạch phát triển tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL – nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH, theo các đại biểu và các chuyên gia: Việt Nam cần xây dựng Luật BĐKH nhằm “bao trùm” tất cả các lĩnh vực. Khi xây dựng văn bản luật riêng về BĐKH, cần xem xét và kết hợp đồng thời 4 vấn đề, gồm: Luật hóa các cam kết quốc tế về BĐKH mà nước ta đã tham gia. Gắn với quan điểm và chiến lược của Việt Nam trong ứng phó với BĐKH. Rà soát, tổng kết việc thực thi pháp luật về BĐKH. Nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm của các nước trên thế giới,… Ngoài ra, nên tích hợp việc ứng phó BĐKH với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững để tạo ra các giá trị gia tăng. Đồng thời, phải tính đến sự hội tụ, cản trở thực hiện mục tiêu riêng và mục tiêu tổng hợp trong ứng phó BĐKH, bảo vệ môi trường sống và giúp người dân phát triển bền vững.

Các đại biểu dự HT chụp ảnh lưu niệm

Theo Ban Tổ chức: Những đề xuất, kiến nghị của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các tổ chức quốc tế, đều được Ủy ban KH, CN-MT của Quốc hội ghi nhận, là nguồn tư liệu quí cho các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan  trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo luật định. Ông Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN-MT của Quốc hội, cho rằng: “Hội thảo không chỉ là cơ hội chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về chủ đề đặt ra, mà còn góp phần kết nối để tạo lập thêm nhiều cơ hội, diễn đàn thảo luận chính sách pháp luật khác trong thời gian tới, nhằm thúc đẩy sự hợp tác, thực thi hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về ứng phó với BĐKH, bảo vệ môi trường ở Việt Nam”.

 Đan Phượng

Bài viết liên quan