Số điện thoại:0913081908
Email:openskyhk@gmail
logo

ĐBSCL: Giải bài toán nguồn cát để thi công tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau

Ngày 14-5, thông tin từ Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ GTVT), cho biết: Đến nay toàn tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau đã đào hữu cơ được hơn 37km và tổ chức thi công các cầu đã có mặt bằng và có đường tiếp cận (hơn 39 cầu).

Cần Thơ đã tìm đủ nguồn cát làm cao tốc

Vẫn gặp khó khăn về cát

Liên quan đến khó khăn về nguồn cát, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết đã phối hợp với nhà thầu chủ động làm việc cùng các địa phương. Đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã có văn bản báo cáo Bộ GTVT và Bộ TNMT về khả năng cung ứng cát cho cao tốc khoảng 1,9 triệu m3.

Còn UBND tỉnh An Giang và UBND tỉnh Vĩnh Long đã giao cơ quan tham mưu nghiên cứu đề xuất. Tuy nhiên, đến nay, chỉ có UBND tỉnh Đồng Tháp có quyết định nâng công suất mỏ cát đang khai thác để cung cấp cho dự án 0,37 triệu m3 (đạt 2% nhu cầu) dẫn đến nhiều đoạn tuyến đã được đào hữu cơ, đắp bờ bao,... nhưng không có cát để đắp.

Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận kiến nghị UBND các tỉnh ưu tiên thực hiện các thủ tục để cung cấp vật liệu cát đắp nền cho dự án theo nguyên tắc dự án nào thi công trước thì cung cấp trước trong khi chờ nghiên cứu thử nghiệm cát biển.

Trong một diễn biến khác, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giao UBND các tỉnh bố trí ngay nguồn cát đắp cho dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau như đã cam kết.

Cụ thể, tỉnh An Giang 6,55 triệu m3 (năm 2023 cần 3,3 triệu m3); Đồng Tháp 6,55 triệu m3 (năm 2023 cần 3,3 triệu m3); Vĩnh Long 5 triệu m3 (năm 2023 cần 2,51 triệu m3). Đối với các dự án còn lại, kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện phân bổ, điều phối nguồn vật liệu đảm bảo kế hoạch.

Các phương tiện thi công dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau

Gỡ khó cách nào?

Ghi nhận tại Cần Thơ, tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau (đoạn đi qua địa phương này), có chiều dài 0,6km, một nút giao IC2 và đường nối vào cao tốc 9,2km. Tổng diện tích mặt bằng 54,3ha, tổng số 638 hộ dân bị ảnh hưởng với kinh phí bồi hoàn 1.058 tỷ đồng

Ông Lê Tiến Dũng – Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP. Cần Thơ cho biết: “Nhu cầu sang lấp đối đối với các công trình giao thông trên địa ban TP là rất lớn, trên dưới 5 triệu khối cát. Riêng đối với 2 tuyến cao tốc nêu trên cần khoảng 3,5 triệu khối. Vừa qua, TP. Cần Thơ đã làm việc với tỉnh An Giang và tỉnh này đã đồng ý dành cho Cần Thơ và Hậu Giang khai thác hai mỏ cát có trữ lượng khoảng 7 triệu khối (mỗi mỏ khoảng 3,5 triệu khối). Như vậy, vấn đề cát làm cao tốc cơ bản đã được giải quyết”.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải - Lê Đình Thọ: “Bộ GTVT đã chỉ đạo các nhà thầu tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi hoàn thành công tác huy động nhân sự, máy móc, thiết kế bản vẽ thi công, xây dựng đường công vụ, phối hợp chính quyền địa phương giải quyết thủ tục mỏ vật liệu, bãi đổ thải,… để đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công các gói thầu. Bộ đã tổng hợp nhu cầu sử dụng các loại vật liệu xây dựng theo tiến độ triển khai dự án gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để thực hiện phân bổ, điều phối”.

Bộ TNMT cũng đã có văn bản gửi các địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long cung cấp số liệu về khả năng cung ứng vật liệu cát đắp nền làm cơ sở phân bổ cho các dự án. Dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang và dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau đã triển khai thi công từ tháng 1-2023 nên cần ưu tiên phân bổ trước nguồn cát đắp để đáp ứng tiến độ triển khai thi công.

Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc - Tư lệnh Binh đoàn 12, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn (đơn vị thi công cao tốc Cần Thơ – Cà Mau), cho biết, vừa qua các địa phương đã làm rất tốt công tác giải phóng mặt bằng dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau, cụ thể các địa phương đã giao khoảng 90% mặt bằng. Khi có mặt bằng đến đâu, nhà thầu triển khai đến đó.

“Thời gian tới, chúng tôi đề xuất Chính phủ chỉ đạo các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long bố trí ngay nguồn cát đắp cho dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau như đã cam kết, bởi nếu không có cát, nhà thầu không thể triển khai xử lý nền đất yếu và đường găng của dự án khó hoàn thành được”. - Đại tá Ngọc cho biết thêm.

Liên quan đến đề xuất của Bộ GTVT về vấn đề cung ứng vật liệu đắp cho tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng Tháp - Huỳnh Minh Tuấn thông tin: “Đồng Tháp đã cam kết cung cấp 1,9 triệu m3; trong đó tăng công suất 371.000m3 và giới thiệu 2 mỏ cát mới cho các đơn vị tiếp cận. Việc nâng 50% công suất, hiện tại các đơn vị thi công đã nhận khoảng 30.000m3, tức là chưa tới 10% việc tăng công suất. UBND tỉnh Đồng Tháp sẽ tiếp tục rà soát, giới thiệu các mỏ mới; khôi phục các mỏ cát đã cấp phép nhưng đã dừng khai thác để cung cấp cho cao tốc. Đồng thời, tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường giải quyết những khó khăn xoay quanh vấn đề cát đắp cho dự án.

Hoàng Khánh – Gia Gia

Bài viết liên quan