Số điện thoại:0913081908
Email:openskyhk@gmail
logo

Đầu tư cho công tác bảo vệ, chăm sóc Sức khỏe học đường

Ngày 10-2, tại Hà Nội Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ công bố Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức. Buổi lễ tổ chức theo hình thức trực tuyến, nối với các điểm cầu đặt tại UBND 63 tỉnh, thành trong cả nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ công bố Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng bày tỏ niềm vui khi dự lễ công bố và khẳng định: “Cùng với việc mở cửa trường học trở lại trên phạm vi cả nước, đây là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc, góp phần thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em và học sinh.”

Thủ tướng phân tích: “Đối với gần 23 triệu trẻ em, học sinh (HS), công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho các cháu rất quan trọng bởi đây là thế hệ tương lai của đất nước. Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới giáo dục, đào tạo và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân nói chung và sức khỏe học đường nói riêng. Nhiều đề án, chương trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã mang lại một số hiệu quả nhất định trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trẻ em.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân hoạt động bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe học đường vẫn còn những hạn chế, trong đó điều kiện các nhà vệ sinh trong trường học chưa đáp ứng yêu cầu, kể cả ở những thành phố lớn. Điều kiện rèn luyện thể chất hạn chế, ảnh hưởng đến việc rèn luyện sức khỏe của các cháu, nhất là các môn liên quan đến kỹ năng sinh tồn của trẻ như bơi lội, phòng tránh thiên tai…” Hằng năm có khoảng 2.000 trẻ em bị đuối nước. Đặc biệt, dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng  đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của hàng chục triệu HS…    

  

Điểm cầu tại TP. Cần Thơ

Trên cơ sở nhận thức và xác định rõ những hạn chế, khó khăn, thách thức và nguyên nhân nêu trên, ngày 2-10-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1660/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025, giao nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan, địa phương, đồng thời huy động sự tham gia của các tổ chức, triển khai lồng ghép với các đề án, chương trình, kế hoạch liên quan nhằm đẩy mạnh hoạt động chăm sóc toàn diện, đồng bộ về thể chất, tinh thần cho trẻ em, HS.

Đề nghị các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ để triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp của chương trình theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tấm lòng của mỗi người, trong đó cần quán triệt tinh thần chung là: giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, HS là nghĩa vụ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, trong đó ngành giáo dục và ngành y tế đóng vai trò nòng cốt. Các bộ, ngành, cơ quan liên quan phối hợp về chuyên môn. Cần coi sức khỏe HS là đối tượng phục vụ đặc biệt và coi trọng chăm sóc sức khỏe tinh thần ngang với sức khỏe thể chất.

Chúng ta phải suy nghĩ, phải quyết tâm hơn, hành động tích cực hơn, hiệu quả hơn  khi vẫn còn những trẻ em chưa được bảo vệ, còn đối mặt những nguy cơ mất an toàn về tính mạng... Những việc cụ thể chúng ta cần chung tay giải quyết sớm và quyết liệt là: cải thiện điều kiện vật chất, cơ sở trường học, tăng cường xây dựng quy hoạch các điểm trường đảm bảo hợp lý, khoa học, chất lượng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Nghi thức công bố Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025

Tiếp tục cải thiện hệ thống nhà vệ sinh, bếp ăn trường học và cơ sở vật chất để các cháu có không gian rèn luyện sức khỏe, chú trọng dạy các kỹ năng sinh tồn cho trẻ, có giải pháp giảm tỉ lệ trẻ đuối nước. Cải thiện bữa ăn, chế độ dinh dưỡng cho trẻ, đặc biệt ở những khu vực ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19. Giảm tải chương trình học, trước hết là ở bậc tiểu học để "mỗi ngày đến trường là một ngày vui".      

Để thực hiện được những việc đó, tôi đề nghị: “Bộ GD-ĐT thực hiện tốt vai trò đầu mối, chủ trì, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan, rà soát để sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế. Vấn đề trước mắt hiện nay là mở cửa lại trường học trực tiếp sau hai năm gián đoạn.

Bộ GD-ĐT phải có giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả để phụ huynh HS yên tâm khi các cháu trở lại trường. Bộ Y tế phối hợp các ngành liên quan và các địa phương tiếp tục phát động chiến dịch tiêm chủng cho các cháu từ 5 đến 12 tuổi an toàn, hiệu quả để kiểm soát dịch bệnh.

Các bộ, cơ quan, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước cho sức khỏe học đường trên tinh thần đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho sự phát triển, đầu tư cho tương lai.” Thủ tướng nhấn mạnh.

Ký kết hợp tác giữa Bộ GD-ĐT và Bộ Văn hóa-Thể thao & Du lịch trong thực hiện Chương trình

Cần nói thêm: “Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025, xác định 5 nhóm nội dung và 7 nhóm giải pháp về chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe trẻ em, HS, giáo dục thể chất (GDTC) và hoạt động thể thao học đường. Tổ chức bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, giám sát, thống kê, tuyên truyền, giáo dục sức khỏe học đường trong trường học.”

Chỉ tiêu đề ra là: “Đến năm 2025, 100% trường học tổ chức bữa ăn học đường và căng tin trường học, sử dụng sữa học đường theo tiêu chuẩn được quy định trong “Chương trình Sữa học đường quốc gia”. Các trường có đủ giáo viên GDTC, được nâng cao trình độ nghiệp vụ. Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025, kỳ vọng sẽ mang đến những thay đổi tích cực trong trường học, để chăm sóc và nuôi dưỡng một thế hệ Việt Nam khỏe mạnh và năng động.”

Trần Tú - Đan Phượng

Bài viết liên quan