Số điện thoại:0913081908
Email:tranhuy.giaothongketnoi@gmail.com
logo

Đảm bảo công bằng cho mọi người dân, khi tiếp cận Luật đất đai

Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tại Hội nghị (HN) lấy ý kiến Nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). HN do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tổ chức ngày 14-3, tại TP. Cần Thơ.

Phó Thủ tướng Chính phủ - Trần Hồng Hà, chỉ đạo  

Tham dự HN có ông Lê Quang Mạnh – Uỷ viên TW Đảng, Bí thư Thành uỷ Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Minh Ngân, cùng lãnh đạo các cơ quan thuộc Quốc hội, các Bộ, Ngành TW; đại diện lãnh đạo UBND 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, các Viện, trường Đại học và các chuyên gia.

Quang cảnh HN

Tại HN, các đại biểu đánh giá dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về cơ bản đã thể chế hoá các nội dung của Nghị quyết 18-NQ/TW, có những điểm mới tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương, người dân, doanh nghiệp (DN) nâng cao chất lượng quản lý, sử dụng đất. Hiện các cơ quan, tổ chức, đơn vị tại các địa phương đang tổ chức lấy ý kiến đóng góp, báo cáo kết quả lấy ý kiến Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo quy định, gửi về UBND tỉnh, thành để tổng hợp trình Chính phủ.

Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ - Trần Việt Trường, trình bày kiến nghị

Đóng góp tại HN, với kinh nghiệm và thực tiễn quản lý đất đai tại địa phương, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ - Trần Việt Trường kiến nghị cơ quan soạn thảo xem xét, cụ thể hoá nội dung về trường hợp giao đất, cho thuê đất thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng năm; cơ chế giao đất, cho thuê đất sản xuất nông nghiệp,... Đề nghị trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nên đặt quy hoạch sử dụng đất là quy hoạch nền để các quy hoạch khác thực hiện theo, tránh sự chồng chéo bất cập. Đồng thời đề xuất bỏ Khoản 3 và Khoản 4 tại Điều 65 Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện “Đối với quận, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương. Về giao đất, cho thuê đất (quy định tại Chương 9, từ Điều 116 đến Điều 128) Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần nêu rõ trường hợp nào trả tiền thuê hàng năm và trường hợp nào phải trả tiền thuê 1 lần. Trường hợp nào đất tôn giáo phải trả tiền thuê (Điều 120). Đề nghị điều chỉnh điểm b khoản 3 Điều 175 “b: Giao đất, cho thuê đất đối với cá nhân ở địa phương không có đất hoặc thiếu đất sản xuất;” thành “b: Cho thuê đất đối với cá nhân ở địa phương không có đất hoặc thiếu đất sản xuất;”

Lãnh đạo UBND các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang, Đồng Tháp.… đóng góp nhiều ý kiến sát thực tiễn, về vấn đề định giá đất; bổ sung các điều, khoản thu hồi đất, bồi thường, tái định cư,… tương thích với các Luật, Nghị định có liên quan; thẩm quyền của địa phương về chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, phát triển quỹ đất…Nhiều đại biểu thống nhất: Đề nghị sửa lại thời gian thực hiện kế hoạch sử dụng đất cấp huyện là 30 tháng (2,5 năm) trong Dự thảo Luật cho phù hợp thực tiễn, vì kế hoạch sử dụng đất cấp huyện có thời hạn là 01 năm rất khó thực hiện, gây nhiều phiền phức; tốn kém thời gian, kinh phí của người dân, các tổ chức và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Khoản 2 Điều 62 Dự thảo Luật Đất đai quy định kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh là 5 năm, cấp huyện là hàng năm).

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu đóng góp là việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cơ chế chuyển dịch đất đai (Chương 7, từ Điều 89 đến Điều 110) trong đó quy định việc hỗ trợ trong thu hồi đất nông nghiệp chỉ áp dụng cho tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp - là những người không được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tổ chức kinh tế, chính trị xã hội khác, kể cả người về hưu. Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ - Trần Việt Trường trình bày: “Việc quy định người trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp gây ra nhiều bất cập cho nhiều cán bộ, công chức, viên chức tham gia các công việc giúp cải thiện đời sống gia đình thông qua việc sản xuất nông nghiệp. Trong khi đặc thù của ĐBSCL nói chung, TP. Cần Thơ nói riêng, trên 80% cán bộ, công chức, viên chức xuất thân là nông dân, như vậy, họ không được xem là đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp nên khi bị thu hồi đất thì chỉ được nhận tiền bồi thường, không được nhận tiền hỗ trợ”.

Đại diện Uỷ ban Dân tộc Quốc Hội và Lãnh đạo tỉnh Trà Vinh đề nghị bổ sung vào Luật: Phải tạo sinh kế cho bà con trước khi thu hồi đất. Thống nhất với ý kiến trên, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh – Phó CT/UBND tỉnh Vĩnh Long, đề nghị bổ sung: Khi thu hồi đất cần có phương án bồi thường, việc giải phóng mặt bằng và tái định cư phải đồng bộ; tránh tình trạng thu đất trước rồi mới lên phương án bồi thường. Phương án tái định cư cần đảm bảo sinh kế, đào tạo nghề để người dân có cuộc sống ổn định. Khoản 1 Điều 106: Bổ sung thêm thời hạn: Sau  khi Quyết định thu hồi đất có hiệu lực 30 ngày thì phải giao nền tái định cư. Cũng trong thời hạn 30 ngày kể từ khi giao đất trên thực địa phải cấp Giấy Chứng nhận Quyền sử dụng đất, nếu chậm so với thời hạn trên thì phải trả thêm tiền phạt tính theo Luật thuế khi chậm nộp. Khoản 2 Điều 100: Bồi thường đối với cây trồng, vật nuôi nhưng chỉ bồi thường thuỷ sản, đề nghị bổ sung: Bồi thường phải xác định thiệt hại của người dân khi họ đầu tư sản xuất cây trồng, vật nuôi và những vấn đề phát sinh chung quanh  việc thu hồi đất, trong đó có cán bộ, công chức, viên chức tăng gia sản xuất hoặc thừa kế đất,…

PGS.TS. Phan Trung Hiền – Trưởng Khoa Luật, Trường ĐH/CT, đóng góp tại HN

PGS.TS. Phan Trung Hiền – Trưởng Khoa Luật, Trường ĐH/CT, đồng thuận với những kiến nghị của Phó CT/UBND tỉnh Vĩnh Long và bổ sung: Đối với quy định “Tái định cư phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” cần cụ thể: Khu tái định cư phải đảm bảo các tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật (đường, điện, nước…), hạ tầng xã hội (trường học, chợ, công viên…) và đảm bảo môi trường. Việc thu hồi đất và bồi thường phải công khai, minh bạch. Việc bồi thường phải tính toán theo thiệt hại của người dân và giá trị kinh tế, xã hội, du lịch,… của tài sản; ví dụ: Vùng trồng chuyên canh phải có giá hơn vì chủ hộ đầu tư nhiều: “Đặc biệt, không được phép cưỡng chế khi chưa cấp nền tái định cư để không phát sinh các vụ khiếu kiện… Về định giá đất, ngoài quy trình hành chính (UBND và các Sở, ngành định giá đất) cần thêm quy trình chuyên môn, nghĩa là các tổ chức sẽ thực hiện thẩm định trên cơ sở công khai, minh bạch quy trình và chủ thể thẩm định giá.” - PGS.TS.Phan Trung Hiền đề nghị.

Phát biểu kết luận HN, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trần Hồng Hà ghi nhận và cảm ơn những đóng góp của các đại biểu và cho biết: Sẽ tổng hợp trình Quốc hội và Chính phủ xem xét, phân tích, góp phần hoàn thiện Luật đất đai trên tinh thần đảm bảo công bằng cho mọi người dân khi tiếp cận Luất đất đai.

Trao đổi thêm về các ý kiến trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở địa phương, Phó Thủ tướng nhấn mạnh mối quan hệ chặt chẽ giữa quy hoạch đất đai với quy hoạch giao thông, quy hoạch xây dựng và các quy hoạch khác: "Giao thông đến đâu sẽ mở ra không gian phát triển mới đến đó, tạo hệ sinh thái mới về đô thị, thương mại, dịch vụ. Chúng ta phải sử dụng nguồn lực đất đai đầu tư cho hạ tầng và dùng hạ tầng để phát triển nguồn lực đất đai"- Phó Thủ tướng nói.

Về tập trung đất đai, Phó Thủ tướng cho rằng đây là vấn đề rất quan trọng cần nghiên cứu kỹ, trên cơ sở phân tích, đánh giá khả năng chuyển đổi nền kinh tế, chuyển dịch lực lượng lao động, tác động của thiên tai, dịch bệnh,… “Tập trung đất đai cần chú trọng vào phương thức tổ chức sản xuất trên cơ sở huy động đất đai quy mô lớn. Nhà nước tạo điều kiện thúc đẩy và bảo vệ các cơ chế tham gia như DN, hợp tác xã, tổ hợp tác, cá nhân, cũng như lợi ích của các bên tham gia, cần phải bảo đảm hợp tác công bằng.” – Phó Thủ tướng lưu ý.

Đan Phượng

Bài viết liên quan