Số điện thoại:0913081908
Email:openskyhk@gmail
logo

Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau

Khánh thành ngày 10-12-2019, Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau do Thủ đô Hà Nội tặng tỉnh Cà Mau xây dựng ở xã Đất Mũi (Ngọc Hiển, Cà Mau) đã phát huy giá trị văn hóa của một biểu tượng núi sông liền dải từ Bắc đến Nam.

Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau nhìn từ trên cao. Ảnh Nguồn Ngọc Duyên

Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau khởi công xây dựng ngày 16-1-2016 và khánh thành ngày 10-12-2019. Hôm khánh thành, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lúc đó có mặt, đã xúc động đọc câu thơ của Xuân Diệu: “Tổ quốc tôi như một con tàu/Mũi thuyền ta đó - mũi Cà Mau”. Mũi Cà Mau là điểm dừng chân cuối cùng trên đất liền của người Việt xưa trong hành trình mở cõi, vùng đất Cà Mau chất chứa trong lòng cả một di sản văn hóa sông nước, ẩn chứa biết bao nhiêu giai thoại, câu chuyện về những con người làm nên nhiều chiến công oanh liệt, viết những trang sử hào hùng.

Cũng dịp khánh thành, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Cà Mau chia sẻ: “Biểu tượng Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau được xem là một công trình thế kỷ, có giá trị nghệ thuật, kiến trúc đẹp mang đậm dấu ấn văn hóa lịch sử và có ý nghĩa thiêng liêng khẳng định chủ quyền lãnh thổ dân tộc, chủ quyền biển đảo quốc gia, gắn bó Bắc - Nam một nhà, gắn bó tình cảm keo sơn, sâu nặng của người dân Thủ đô đối với quê hương đất Mũi Cà Mau và bạn bè quốc tế”.

Cột cờ nhìn từ biển. Ảnh Nguồn Ngọc Duyên

Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau được xây dựng trong khuôn viên Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau. Ở đây có Mốc tọa độ Quốc gia GPS0001, Đền thờ Lạc Long Quân và tượng Mẹ, Công trình điểm cuối đường mòn Hồ Chí Minh tạo thành một quần thể lịch sử, tâm linh cực Nam. Công trình Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau có diện tích hơn 1,6 ha, cao 45 m (tính từ chân đế cột cờ đến đỉnh tháp) gồm khối đế hình vuông và cột cờ hình bát giác côn (thu lại phía trên). Khối đế có 3 tầng, tầng 1 mỗi cạnh 45 m, diện tích 2.025 m2, cao 4 m; các tầng trên nhỏ dần và cao hơn, tầng 2 cao 4,4 m và tầng 3 cao 6 m. Cột cờ cao 24,5 m, ở đỉnh có lầu bát giác cao 3,9 m, mái lầu bát giác cao 1,5 m. 

Bên trong 3 tầng khối đế trưng bày nhiều hình ảnh về lịch sử vùng đất và dân tộc. Tầng 1 có chủ đề “Quá trình hình thành và diễn thế tự nhiên” với diện tích khoảng 400 m2 trưng bày nhiều ảnh, mô hình Làng rừng cùng Hệ sinh thái rừng ngập mặn Mũi Cà Mau và một số tiêu bản động vật ở vùng Đất Mũi. Tầng 2 khoảng 320 m2 trưng bày ảnh chủ đề “Đất Mũi Cà Mau trên đường phát triển”. Tầng 3 khoảng 152 m2 trưng bày chủ đề “Cà Mau - Tấm lòng của cả nước” có nhiều ảnh, hiện vật tập trung giới thiệu Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến.

Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau bên cạnh Công trình điểm cuối đường mòn Hồ Chí Minh. Ảnh Nguồn Ngọc Duyên

Trong tháp Cột cờ có thang bộ cho khách tham quan lên lầu bát giác với 8 cửa sổ. Lên đó, khách tham quan có thể phóng tầm mắt ngắm rừng đước xanh tươi, bãi bồi Đất Mũi mềm mại và biển Đông mênh mông. Xung quanh Cột cờ là khu vực có thể tổ chức các lễ hội. Từ ngoài vào khu vực Cột cờ có đường trục chính dài 240 m, rộng 14 m.

Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau được xây dựng phỏng theo Cột cờ Hà Nội.

Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau gần với Đền thờ Lạc Long Quân và tượng Mẹ. Ảnh Nguồn Ngọc Duyên

Cột cờ Hà Nội xây dựng dưới triều Nguyễn vào năm 1805, hoàn thành năm 1812, trên phần đất phía Nam của Hoàng thành Thăng Long, một công trình cao nhất thành phố thời bấy giờ. Đế là khối vuông với 3 tầng. Tầng 1 mỗi cạnh 42,5 m, cao 3,1 m, có hai cầu thang. Tầng 2 mỗi cạnh 27 m, cao 3,7 m có bốn cửa: cửa phía đông gắn chữ “nghênh húc” nghĩa là đón nắng ban mai, cửa tây gắn chữ “hồi quang” nghĩa là ánh sáng phản chiếu, cửa nam gắn chữ “hướng minh” nghĩa là nhìn về phía ánh sáng. Tầng 3 mỗi cạnh 12,8 m, cao 5,1 m. Phần thân cột cờ cao 12,8 m, hình bát giác, có 54 bậc cầu thang đi bên trong dẫn lên đỉnh, có 39 cửa lấy sáng hình hoa thị và 6 cửa hình rẻ quạt. Đỉnh cột có đài quan sát cũng hình bát giác, có 8 cửa sổ. Tổng chiều cao phần xây dựng là 33,4 m, nếu tính cả cột thép treo cờ là hơn 40 m.

Mốc tọa độ Quốc gia GPS0001 trong Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau. Ảnh Nguồn Ngọc Duyên

Như thế, đất nước hiện nay tính trên đất liền, ở Thủ đô có Cột cờ Hà Nội, nơi cực Bắc có Cột cờ Lũng Cú ở Hà Giang, cực Nam có Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau. Cũng tính trên đất liền, cực Tây là xã Apa Chải (Mường Nhé, Điện Biên) và cực Đông là Mũi Đôi (Vạn Ninh, Khánh Hòa) đều có những cột cờ.

Ngày bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp hôm 23-5-2021, Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau là điểm bỏ phiếu thuộc đơn vị bầu cử số 8, tổ bầu cử số 12 của xã Đất Mũi. Trong ngày hội toàn dân đó, nhiều cử tri của ấp Mũi đã xúc động khi bỏ lá phiếu vào thùng phiếu đặt bên chân Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau, trên đầu lồng lộng gió biển tung bay lá cờ đỏ sao vàng thiêng liêng. Những năm qua, nơi đây cũng diễn ra nhiều lễ hội của các dân tộc anh em trong vùng. Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau đã là hình ảnh tìm kiếm và reo vui của nhiều ngư dân trên biển khi tìm về đất mẹ hơn hai năm nay, đã in lên rất nhiều tấm ảnh kỷ niệm hạnh phúc trong hàng triệu gia đình Việt Nam và cả nước ngoài.

Lan Rừng – Duy Tương

Bài viết liên quan