Số điện thoại:0913081908
Email:tranhuy.giaothongketnoi@gmail.com
logo

CHỢ NỔI CÁI RĂNG – NGUY CƠ RÁC THẢI ẢNH HƯỞNG “DU LỊCH BỀN VỮNG” VÀ GIẢI PHÁP GỢI Ý

Chợ nổi Cái Răng là địa điểm du lịch nổi tiếng của thành phố Cần thơ nói riêng và là nét văn hóa rất đặc trưng của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Tuy nhiên, vấn đề quản lý, xử lý rác thải và ý thức về bảo vệ môi trường trên khu vực này có nguy cơ làm xấu đi hình ảnh “1 trong 10 khu chợ ấn tượng nhất thế giới” trong mắt du khách nếu không có những giải pháp quyết liệt và bền vững.

1 hộ kinh doanh ăn uống trên chợ nổi buổi bình minh

Du khách nước ngoài lướt ngang dòng sông có hình ảnh rác đang trôi

Đối với du khách trong nước và quốc tế, khi ghé Cần Thơ thì chợ nổi là nơi đầu tiên có trong lịch trình. Trong vai một người dẫn đường, tôi có dịp được xuôi dòng từ bến Ninh Kiều đến chợ nổi Cái Răng, được sử dụng nhiều dịch vụ ẩm thực, mua bán và trải nghiệm cuộc sống ấn tượng của miền Tây sông nước.

Tuy nhiên, với cái nhìn của một du khách, tôi cũng phần nào thấy được việc xả rác, quá trình thu gom rác thải và ý thức của người dân, hộ kinh doanh, kể cả những du khách chưa cao. Hình ảnh rác nổi lềnh bềnh trên sông và quanh khu vực các hộ kinh doanh buôn bán sẽ để lại hình ảnh xấu cho chợ nổi và nguy cơ khách sẽ không muốn quay trở lại.

Trước đây đã có rất nhiều dự án bảo vệ môi trường, thu gom rác thải của các tổ chức cá nhân cũng như chính quyền. Họ là những người yêu chợ nổi, yêu môi trường và tâm huyết với quê hương. Dù vậy, chừng đó là chưa đủ, để bảo vệ chợ nổi và hướng đến sự phát triển bền vững đòi hỏi chúng ta phải có những hành động quyết liệt hơn từ chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý du lịch và hơn hết là tất cả những người dân, thương hồ đang kinh doanh hàng ngày và cả những du khách ghé thăm cũng phải có trách nhiệm tham gia. Sau đây là một số giải pháp thiết thực mà cá nhân tôi với tư cách là 1 khách du lịch xin đóng góp gợi ý.

Du khách check in và đằng sau là rác trôi bồng bềnh

Các túi buộc nhiều bao rác nhỏ cũng trôi về các điểm trên dòng sông Hậu

Đối với chính quyền và cơ quản quản lý du lịch: Nên chăng xây dựng bộ quy tắc hoạt động kinh doanh bền vững cho những hộ kinh doanh cố định và không cố định trong khu vực chợ nổi. Quy tắc này có các mục ngắn gọn về việc gìn giữ môi trường xanh và các chế tài nghiêm ngặt xử lý những trường hợp vi phạm và không tuân thủ. Chính quyền tổ chức giám sát và thanh kiểm tra thường xuyên sự tuân thủ này.

Các khu vực kinh doanh chợ nổi như cửa hàng xăng dầu, đồ lưu niệm, quán ăn uống,… có hệ thống loa âm thanh tuyên truyền phát vào giờ cao điểm hoặc định kỳ về những quy tắc hoạt động bền vững và hướng dẫn khách du lịch về việc vứt rác, thu gom rác và các biện pháp chế tài nếu phát hiện vi phạm,… Chính quyền địa phương cũng xây dựng thêm địa điểm thu gom rác tập kết rác ở trên bờ từ nơi đi là bên Ninh Kiều và địa điểm đến là Cái Răng và tăng cường xe lấy rác đi vào mùa cao điểm.

Đối với thương lái, hộ kinh doanh: Nghiêm túc chấp hành mọi quy tắc về phát triển bền vững với môi trường trong đó về việc thu gom và xử lý rác thải, đồng thời trang bị đầy đủ các thùng rác, nội quy, tuyên truyền,... Các hộ kinh doanh chịu trách nhiệm vệ sinh và giữ gìn sạch sẽ khu vực do mình quản lý, đảm bảo cảnh quan sạch đẹp và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với dịch vụ kinh doanh ăn uống.

Đối với các công ty du lịch, lữ hành cung cấp tàu thuyền và các hộ tư nhân: Cần có giấy phép đăng ký và sự tuân thủ bộ quy tắc về phát triển xanh do chính quyền đề ra, trang bị các nội dung tuyên truyền trang thiết bị như thùng rác,… và nhắc nhở du khách trên thuyền. Sự thanh tra và kiểm tra của chính quyền có thể đột xuất để đảm bảo tính chấp hành của các tàu chở khách.

Đối với du khách: Tăng cường tuyên truyền “Không mang rác đến chợ nổi” , “mang theo cái gì thì mang về cái đấy” và rác phát sinh trong quá trình sử dụng tại chợ nổi phải bỏ đúng nơi quy định và có chế tài xử phạt những trường hợp vi phạm.

Đối với người dân địa phương: Thông qua các cấp chính quyền, trường học, các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền về văn hóa phát triển bền vững và hướng dẫn cho người dân các biện pháp tuân thủ chấp hành. Khơi dậy niềm tự hào về việc sử hữu “báu vật” di sản văn hóa miền Tây mà tất cả cần chung tay bảo vệ.

Ngoài ra, những đại sứ du lịch là những hướng dẫn viên du lịch các đoàn cũng tuyên truyền những quy định về giữ gìn môi trường xanh và tinh thần “du lịch có trách nhiệm” đến toàn thể các du khách trong đoàn.

Các Trường đào tạo ngành Du lịch và Đại học trên địa bàn thành phố, các tổ chức đoàn thể địa phương, các tổ chức tự nguyên nên định kỳ ra quân nhặt rác với mục đích tuyên truyền việc bảo vệ môi trường.

Với khối lượng theo thống kê lên đến 1 tấn rác /ngày ở chợ nổi Cái Răng thì tất cả các đơn vị như tôi đề cập ở trên phải cùng chung tiếng nói trong việc thực thi, giải quyết các vấn đề có hệ thống hàng ngày một cách triệt để, bảo vệ môi trường xanh, sạch đẹp, đem lại sự phát triển bền vững. Từ đó,thông qua các phương tiện truyền thông  nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân về việc bảo vệ môi trường sống và duy trì không gian văn hóa đậm đà bản sắc nam bộ xứng đáng là “di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” và là 1 trong 6 chợ nổi đẹp nhất châu Á do Trang www.youramazingplaces.com bình chọn.

Ngô Liệu

Bài viết liên quan