Số điện thoại:0913081908
Email:tranhuy.giaothongketnoi@gmail.com
logo

Cần Thơ: Tập trung nguồn lực đẩy mạnh Chuyển đổi số trong lĩnh vực Y tế

Ngày 04-8, tại Bệnh viện (BV) Đa khoa TP. Cần Thơ, ông Nguyễn Thực Hiện - Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, chủ trì Hội thảo (HT) Chuyển đổi số trong lĩnh vực Y tế. Hội thảo do UBND thành phố tổ chức.

Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện, chỉ đạo tại Hội thảo

Ông Nguyễn Thực Hiện - Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, cho biết: Thành phố đặt mục tiêu phấn đấu thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố/cả nước thực hiện chuyển đổi số tốt; Tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý của bộ máy chính quyền, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường sống an toàn, nhân văn.

Đại biểu dự HT

Trong triển khai, Thành ủy Cần Thơ đã ban hành Đề án số 8 về xây dựng Y tế thông minh, trọng tâm là Y tế cộng đồng giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn TP. Cần Thơ. Theo đó thành phố xác định Y tế là một trong các lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số, tập trung vào các nội dung chính: Xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên các công nghệ số. Hoàn thiện hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân. Phát triển, triển khai các ứng dụng số cho phép quản lý tiêm chủng, quản lý bệnh truyền nhiễm, quản lý bệnh không lây nhiễm. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số (CNS) toàn diện tại các cơ sở khám, chữa bệnh; Phát triển Bệnh viện số (bệnh viện thông minh); Triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, không sử dụng bệnh án giấy, không dùng tiền mặt trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế.

Bên cạnh đó, các đơn vị thực hiện kết nối liên thông các hệ thống thông tin y tế. Triển khai các nền tảng hỗ trợ khám chữa bệnh (KCB) từ xa, giúp giảm tải cho các cơ sở y tế, hạn chế tiếp xúc đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo. Ngoài ra, các cơ sở y tế đẩy mạnh xây dựng nền tảng quản trị y tế thông minh dựa trên CNS,… Các hoạt động trên trong chuyển đổi số ngành Y tế nhằm phấn đấu đến năm 2030, TP. Cần Thơ hình thành nền y tế thông minh, với 3 nội dung chính là phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh.

BS Phạm Phú Trường Giang – Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Cần Thơ, nêu những khó khăn trong thực hiện CĐS trong lĩnh vực y tế

Theo BS Phạm Phú Trường Giang – Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Cần Thơ, thời gian qua, ngành Y tế đã thực hiện nhiều hoạt động cần thiết để bước đầu thực hiện chuyển đổi số (CĐS) trong ngành, như: Phối hợp cùng Công ty Viettel Cần Thơ chia sẻ kinh nghiệm CĐS lĩnh vực y tế; Mời các chuyên gia Phần Lan đến chia sẻ kinh nghiệm về CĐS; Tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm mô hình bệnh án điện tử, đăng ký KCB trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, tại BV Đa khoa khu vực tỉnh An Giang,…

Đến nay công tác khám bệnh từ xa, quản lý tiêm chủng, thanh toán không dùng tiền mặt, thống kê, công tác hành chính,… bước đầu được triển khai tốt tại nhiều đơn vị y tế trên địa bàn thành phố.  Là một trong số đơn vị đi đầu trong CĐS của thành phố, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP. Cần Thơ đã ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) để quản lý, giám sát các bệnh truyền nhiễm, bệnh tâm thần, bệnh sốt rét,… Quản lý, giám sát phòng chống dịch; Tổng hợp số liệu F0; Thực hiện Bản đố Covid-19 TP.Cần Thơ,…

Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, đại diện BV Nhi đồng TP. Cần Thơ nêu thực trạng tại Bệnh viện, đồng thời cũng là  “điểm nghẽn” chung của các đơn vị y tế trên địa bàn thành phố hiện nay là nguồn lực về kinh phí rất hạn hẹp. Do đó cản trở rất nhiều trong công tác triển khai CĐS. Cụ thể là việc trang bị máy móc, thiết bị, phần mềm phục vụ cho CĐS. Trình độ tin học của nhân viên còn hạn chế,… Hiện Bệnh viện Nhi đồng chỉ thực hiện tốt phần thanh toán không dùng tiền mặt. 

Đại diện BV Ung bướu Cần Thơ đề nghị: Thay vì mỗi đơn vị y tế chọn một phần mềm thì toàn ngành y tế thành phố nên sử dụng chung một phần mềm cho thống nhất và tiết kiệm. Song song đó, thành phố cần có các chương trình, chính sách đào tạo đội ngũ nhân lực ngành y tế, nhằm nâng cao chất lượng để có “những con người chuyển đổi số chuyên nghiệp”, làm chủ được công nghệ.

Thạc sĩ Lâm Hoàng Dũng – Phó Giám đốc CDC Cần Thơ, kiến nghị Giải pháp nhằm đẩy mạnh CĐS

Thạc sĩ Lâm Hoàng Dũng – Phó Giám đốc CDC Cần Thơ, nêu những khó khăn về CĐS trong hệ thống y tế dự phòng, như: Hệ thống hạ tầng CNTT không được đầu tư đồng bộ do thiếu nguồn lực. Hiện mỗi trạm y tế có 2-3 máy vi tính phục vụ công tác KCB và thống kê, báo cáo nhưng trang thiết bị đã cũ, không đáp ứng được nhu cầu CĐS. Việc lưu trữ dữ liệu hồ sơ sức khoẻ người dân tại Trung tâm dữ liệu chung của thành phố còn nhiều bất cập như máy chủ chưa đáp ứng đủ dung lượng, đường truyền chưa đảm bảo,… Ông Dũng đề nghị UBND TP.Cần thơ thiết lập Trung tâm thông tin phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố, trụ sở đặt tại CDC. Phòng điều hành trang bị hạ tầng tối đa, đặc biệt là hệ thống và các phần mềm tổng hợp phân tích và dự báo dịch bệnh. Cục Y Tế dự phòng đầu tư, trang bị hạ tầng cho 9 Trung tâm y tế và 80 Trạm y tế xã, phường,…

Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ  Nguyễn Thực Hiện đề nghị: Thời gian tới, Công an thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông, Bảo hiểm xã hội thành phố sớm triển khai đồng bộ, kết nối chia sẻ dữ liệu KCB, dữ liệu tiêm chủng trên cơ sở ứng dụng dữ liệu dân cư. Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu để TP.Cần Thơ sớm có chính sách đào tạo đội ngũ nhân lực chuyên trách công nghệ thông tin cho ngành Y tế. Ngành Y tế sớm triển khai thực hiện các hoạt động ưu tiên như hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân; Xây dựng phần mềm dùng chung thay thế các phần mềm đang sử dụng tại các trạm y tế và trung tâm y tế trên địa bàn thành phố,…

 Đan Phượng

Bài viết liên quan