Số điện thoại:0913081908
Email:tranhuy.giaothongketnoi@gmail.com
logo

Cần Thơ: Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp hoạt động, sản xuất, kinh doanh

Ngày 01-7, ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, chủ trì Hội nghị Đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 của  TP. Cần Thơ và Đối thoại giữa chính quyền thành phố với doanh nghiệp năm 2022.

Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường, phát biểu tại HN

Hội nghị (HN) diễn ra trên tinh thần “Chính quyền luôn đồng hành cùng doanh nghiệp” và phương châm “Trong thành công của doanh nghiệp có nghĩa vụ của chính quyền, trong thất bại của doanh nghiệp có trách nhiệm của chính quyền”. Tham dự có các Chuyên gia, Lãnh đạo các Sở, Ban, ngành, UBND quận, huyện,  đại diện UBND tỉnh Đồng Tháp và đông đảo doanh nghiệp (DN).

Năm 2021, TP. Cần Thơ duy trì vị trí thứ 12 trong Bảng xếp hạng cả nước. Điểm tổng hợp là 68,06 điểm, tăng 1,73 điểm (năm 2020 là 66,22 điểm) bước vào nhóm tỉnh, thành phố xếp hạng Tốt, đứng 02/13 địa phương ĐBSCL. Trong đó có 5 chỉ số thành phần tăng điểm (Tiếp cận đất đai; Chi phí không chính thức; Tính năng động của chính quyền tỉnh; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và Thiết chế pháp lý); Và 5 chỉ số thành phần giảm điểm (Gia nhập thị trường; Tính minh bạch; Chi phí thời gian; Cạnh tranh bình đẳng; Đào tạo lao động).

Đối thoại giữa Lãnh đạo thành phố với DN

So sánh điểm số giữa TP. Cần Thơ với các tỉnh, thành khác trong nhóm có chất lượng điều hành Tốt (có 11 tỉnh/thành phố), điểm số chênh lệch giữa các tỉnh, thành không cao và so với các tỉnh, thành ĐBSCL (trừ Đồng Tháp ở vị trí thứ 1 khu vực với 70,53 điểm), điểm số của Cần Thơ cũng có độ chênh lệch không nhiều so với các tỉnh còn lại trong khu vực. Trong 5 năm trở lại đây, xếp hạng của Cần Thơ luôn xoay quanh vị trí từ thứ 10 dến thứ 12 trong cả nước.

 Điểm nổi bật của HN là việc đánh giá, phân tích chỉ số PCI được kết hợp với tổ chức Đối thoại giữa Chính quyền thành phố với DN,… Tại HN, các đại biểu, chuyên gia, DN, đã thảo luận dân chủ, khách quan, thẳng thắn đóng góp nhiều ý kiến, chỉ ra những điểm cần phải cải thiện, hoàn thiện các giải pháp giúp thành phố nâng cao hơn  chất lượng phục vụ hành chính, nâng cao chỉ số PCI. Trong đó nhiều kiến nghị được lãnh đạo Sở, Ngành liên quan trực tiếp trả lời, giải quyết, trong đó Giám đốc Sở Công thương - Hà Vũ Sơn, cam kết sẽ làm việc với ngành chức năng để sớm đưa lưới điện quốc gia về những khu vực chưa có đường điện 3 pha tại phường Phú Thứ, quận Cái Răng; Đồng thời kết hợp Bộ Công thương trình Chính phủ những kiến nghị về chính sách hỗ trợ DN khắc phục khó khăn trong hoạt động,…

Giám đốc Sở Công Thương - Hà Vũ Sơn, trình bày các giải pháp hỗ trợ DN

Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường, thay mặt Lãnh đạo thành phố, trân trọng tiếp thu và ghi nhận các ý kiến của các đại biểu, và cho biết: Cần Thơ xác định PCI không chỉ là thứ bậc trong bảng xếp hạng mà còn là những dư địa cải cách được chỉ ra, những giải pháp cải cách cần tiến hành và những bài học thực tiễn từ các tỉnh, thành bạn cần được nghiên cứu, chọn lọc và ứng dụng một cách linh hoạt, thông minh phù hợp tình hình thực tiễn của thành phố, nhằm đạt được mục đích quan trọng nhất, cốt lõi nhất của  cải thiện điểm số PCI là phục vụ và tạo điều kiện thuận lợi nhất, cơ hội nhiều nhất cho quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN.

Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ khẳng định: “Thành phố cam kết sẽ giải quyết thấu đáo các kiến nghị, đề xuất của DN nêu tại Hội nghị và trong quá trình thực hiện đầu tư, kinh doanh, đảm bảo hài hòa lợi ích DN, người dân và lợi ích của thành phố,… Để cải thiện chỉ số PCI, thành phố sẽ nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc giải quyết các thủ tục hành chính (HC) liên quan đến lĩnh vực đầu tư. Giao trách nhiệm cho Sở KH-ĐT chủ trì phối hợp các Sở, Ngành, xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể để tiếp cận và hỗ trợ DN hiệu quả gắn với khảo sát đánh giá mức độ hài lòng của DN để có hướng điều chỉnh, hỗ trợ thiết thực. Thực hiện mạnh mẽ hơn cải cách HC, đặc biệt là các lĩnh vực gây nhiều phiền hà cho DN; Tăng cường triển khai các chương trình hỗ trợ trong khuôn khổ Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Các sở, ngành, các cấp phải làm mạnh mẽ hơn công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện xử lý sai phạm, nhất là hành vi “tham nhũng vặt” gây phiền hà cho người dân và DN. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải nâng cao năng lực Lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đội ngũ cán bộ các cấp phải có động lực đổi mới, sáng tạo”.

Bà Võ Thị Thu Hương – Phó GĐ VCCI Cần Thơ, phân tích chỉ số PCI vùng ĐBSCL và TP. Cần Thơ năm 2021

Dịp này, Người đứng đầu UBND TP. Cần Thơ giao nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể cho các Sở, Ngành trong đó Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, đề xuất các giải pháp, mô hình nhằm cải thiện thời gian cấp các loại giấy phép kinh doanh. Sở Công Thương nâng cao chất lượng cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc liên quan đến các FTA, đáp ứng nhu cầu chính đáng của DN. Sở LĐTB-XH tham mưu các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tìm kiếm lao động. Tham mưu các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề; Chú trọng các ngành nghề thị trường đang cần. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động và theo đặt hàng của DN. Phát huy cơ chế phối hợp 3 bên: Nhà nước - Nhà trường – DN; Gắn đào tạo với việc làm, với thị trường lao động. Giao Chủ tịch Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa xây dựng lại trình tự, thủ tục cấp tín dụng cho các DN theo hướng đơn giản, dễ thực hiện nhưng vẫn đảm bảo các quy định về cấp bảo lãnh tín dụng.

 Đan Phượng

Bài viết liên quan