Số điện thoại:0913081908
Email:tranhuy.giaothongketnoi@gmail.com
logo

Cần Thơ: Những kiến nghị thiết thực góp ý dự thảo Luật đất đai (sửa đổi)

Ngày 9-3, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN) TP. Cần Thơ tổ chức Hội nghị (HN) lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật đất đai (sửa đổi). Ông Dương Tấn Hiển – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Cần Thơ,  và lãnh đạo các Sở, ngành, các tổ chức đã dự.

Ông Dương Tấn Hiển – Phó CT Thường trực UBND TP. Cần Thơ, phát biểu tại HN

Tại HN, các đại biểu sôi nổi đóng góp ý kiến. Trong đó nổi bật là Điều 24: “Quyền của công dân đối với đất đai” - Theo bà Nguyễn Ý Nguyện – Phó CT Hội đồng tư vấn kỹ thuật – Công nghệ, UBMTTQVN TP. Cần Thơ, đây là điều người dân mong chờ nhưng cần cụ thể hơn trong các văn bản dưới Luật để đảm bảo người dân được thực hiện các quyền này. Đối với Điều 24: Quyền tiếp cận thông tin đất đai, bà Ý Nguyện cho rằng: Cần cụ thể trong thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các thông tin về đất đai (quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất…) để tránh trường hợp dân mua đất thuộc vùng quy hoạch. Đề nghị bổ sung: Phải  có ý kiến của người dân trong quy hoạch đất đai, nhất là thông tin quy hoạch thu hồi đất, liên quan đề quyền lợi của họ.  

Các đại biểu dự HN

Liên quan vấn đề bồi thường, tái định cư, nhiều ý kiến đề nghị Dự thảo cần cụ thể hơn về cơ cấu thành viên hội đồng bồi thường thiệt hại và tái định cư; quy định cụ thể hơn dự án xây dựng công trình phục vụ sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư. Ðồng thời  quy định rõ việc thu hồi đất ở chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành bố trí tái định cư, trừ trường hợp tái định cư tại chỗ hoặc người có đất bị thu hồi đồng ý nhận tiền bồi thường để tự lo chỗ ở hoặc người có đất bị thu hồi đồng ý,…

Phó CT/UBMTTQVN TP. Cần Thơ - Đinh Trung Trực, điều hành HN

Hòa thượng Đào Như – Trưởng Ban trị sự Phật giáo Việt Nam TP.Cần Thơ, nêu các kiến nghị

Bên cạnh đó, theo hầu hết đại biểu: Cần thể chế hóa rõ hơn quy định “tốt hơn nơi ở cũ” để địa phương có căn cứ áp dụng. Thực tế, có những khu tái định cư, đưa dân vào nhưng nơi đó không điện, không nước, không chợ, xa trường học. Đặc biệt, nhà cũ họ ở, tuy nhỏ hẹp nhưng là nơi họ có điều kiện làm ăn, sinh sống. Khi đất ở thuộc diện quy hoạch, họ vào nơi ở mới, nhà có thể rộng hơn nhưng không có điều kiện mưu sinh,… Hòa thượng Đào Như – Trưởng Ban trị sự Phật giáo Việt Nam TP. Cần Thơ, đề nghị: “Cần thực hiện cụ thể, đúng theo luật tái định cư, có biện pháp lo cho người dân để cuộc sống người dân tốt hơn, như chuyển đổi nghề. Đặc biệt, đối với hộ là nông dân đã lớn tuổi, phải cấp cho họ mảnh đất để họ trồng trọt mưu sinh, nếu không có đất thì cấp tiền tương đương để họ mua đất sản xuất. Tôi thấy đây là vấn đề thiết thân nhất đối với người dân bị thu hồi đất. Cấp cho người dân căn hộ ở khu tái định cư, họ ở trên lầu nhưng họ mưu sinh bằng gì khi trình độ không có, lớn tuổi, nghề nghiệp chính chỉ là sản xuất nông nghiệp, nhất là bà con Khmer” – Hòa thượng Đào Như trình bày.

Đề cập đến các quy định liên quan đến nguyên tắc lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, Thượng tọa Lý Hùng – Phó Ban Trị sự Phật giáo VN TP. Cần Thơ, Phó Hội trưởng Thường trực Hội Đoàn kết sư sãi TP. Cần Thơ, cho rằng: “Quy hoạch xong rồi tùy tiện điều chỉnh quy hoạch, gây ra nhiều hệ lụy làm biến dạng quy hoạch hoặc quy hoạch treo, bỏ trống đất thời gian dài làm ảnh hưởng đến sự phát triển và đời sống nhân dân. Thiết nghĩ, nếu quy hoạch đã được phê duyệt thì không nên điều chỉnh trừ các trường hợp như: Do an ninh, quốc phòng, giao thông công cộng. Đối với đất an ninh quốc phòng, rừng tự nhiên, đất rừng phòng hộ, không nên điều chỉnh,… Tôi đề nghị bổ sung thêm: Hàng năm, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức rà soát, xử lý và công bố công khai việc hủy bỏ, thu hồi đất, chuyển mục đích đối với đất đã được ghi trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện, trên trang thông tin điện tử của UBND cấp huyện, cấp tỉnh, Bộ Tài nguyên Môi trường và thông tin đến người sử dụng đất nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện ở các xã, phường, thị trấn”.

Bà Dương Thị Thu Hà – Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. Cần Thơ, đồng tình: Thời gian qua việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thường xuyên thay đổi; việc điều chỉnh thay đổi quy hoạch không ổn định trong đó có xảy ra lợi ích nhóm. Dự thảo lần này quy định nhiều nội dung khá cụ thể về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo 3 cấp (cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện). Tuy nhiên tại Điều 71 Dự thảo nêu những căn cứ để điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thiếu cụ thể trong điều chỉnh quy hoạch, đây là kẽ hở dẫn đến tiêu cực khi quy hoạch. Kế hoạch sử dụng đất cần bổ sung quy định cụ thể hơn, cần kết hợp giữa chỉ tiêu các loại đất gắn với không gian, phân vùng, hệ sinh thái tự nhiên. Riêng đối với trường hợp thu hồi đất cho Dự án Nhà ở thương mại thì cần quy định các Dự án này phải gắn với điều kiện: Có sự đồng thuận của đa số hộ gia đình có đất bị thu hồi.

Các đại biểu cũng góp ý về vấn đề phân cấp, giám sát quyền lực; về hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất; trình tự thủ tục thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai. Nên xem xét quy định chung thành 2 đối tượng sử dụng đất là tổ chức và cá nhân, bỏ đối tượng hộ gia đình khi tính là người sử dụng đất bởi việc giao đất, cho thuê đất, cấp giấy CNQSDĐ), thực hiện các quyền của người sử dụng đất… trên thực tế không bao gồm đầy đủ các thành viên gia đình.

Phát biểu tại HN, ông Dương Tấn Hiển – Phó CT Thường trực UBND TP. Cần Thơ, đồng thuận với các ý kiến đóng góp và bổ sung một số vấn đề, trong đó có quy định đấu thầu chọn nhà đầu tư: “Cả nước đang lúng túng về vấn đề này. Giả định là chưa có thật nhưng thu tiền là thật. Giá đất bồi thường luôn biến động nên rất khó cho doanh nghiệp (DN) trúng thầu. Đặc biệt là vấn đề đền bù hộ bị thu hồi đất, vì thế nào là giá thị trường? Hiện cả nước không ai dám xác định tiền sử dụng đất, dù vấn đề này có 5 phương pháp xác định giá nhưng ra đáp số khác nhau, vậy ai dám làm? Kiểu gì cũng chết. Nên cả nước không ai dám làm.

Về thu hồi đất đai. Nhà nước thu hồi và bồi thường theo giá thỏa thuận. Vậy giá thỏa thuận là giá nào? Trong thực tế, thí dụ có 5 hộ dân thuộc diện thu hồi đất, 3 hộ đồng ý giá bồi thường, còn 2 hộ không đồng ý giá thỏa thuận, thậm chí có người nói: “Ông bà tôi ở đây đã trăm năm, bây giờ nhà nước đền bù giá nào tôi cũng không rời nơi này”. Do vậy cần có giá trần, từ mức thấp nhất đến mức cao nhất để tạo hành lang pháp lý cho Nhà nước và DN khi thu hồi đất,… Các ý kiến đóng góp ở đây  rất hay. Đề nghị MTTQVN TP. Cần Thơ tập hợp lại, gửi về thành phố để tổng hợp trình TW xem xét, góp phần hoàn thiện luật đất đai, tháo gỡ được những ách tắc trong cơ chế về luật đất đai”.

Đan Phượng

Bài viết liên quan