Số điện thoại:0913081908
Email:tranhuy.giaothongketnoi@gmail.com
logo

Cần Thơ: Liên kết để nâng cao giá trị nông sản của đồng bằng

Ngày 19-5, tại TP. Cần Thơ, Bộ  Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp UBND TP. Cần Thơ, tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý Đề án thành lập trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại TP. Cần Thơ (gọi tắt là Trung tâm).

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam trình bày dự kiến phương thức hoạt động của Trung tâm

Mục tiêu của Trung tâm là góp phần xây dựng TP. Cần Thơ trở thành Trung tâm KT-XH của ĐBSCL, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp toàn vùng theo hướng xanh hoá, hiện đại hoá theo tinh thần Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị về Xây dựng, phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết 45 của Quốc hội cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ, có hiệu lực từ năm 2022.

Với chức năng là trung tâm logistics của vùng, do vậy Trung tâm có sứ mệnh liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản ĐBSCL, đặc biệt là xuất khẩu. Bên cạnh đó, Trung tâm còn có khả năng thông thương hàng hóa hai chiều giữa các tỉnh ĐBSCL, có hệ thống kho lạnh đạt chuẩn để có thể bảo quản hàng nông sản xuất khẩu trong một khoảng thời gian nhất định, thông quan hàng nông sản một cách thuận tiện và có các Cảng quốc tế (Cảng hàng không và Cảng biển) có khả năng thực hiện xuất khẩu trực tiếp từ Cần Thơ, giảm chi phí vận chuyển. Hoạt động của Trung tâm góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp và giảm chi phí dịch vụ logistics, góp phần làm thay đổi phuong thức sản xuất nông nghiệp tại khu vực được xem là trọng điểm sản xuất lương thực của cả nước.

Quang cảnh HN

Theo dự thảo, Trung tâm sẽ có diện tích 3.300ha, đặt tại phường Long Tuyền (quận Bình Thủy) và xã Giai Xuân (huyện Phong Điền), trong đó giai đoạn 1 (2022 - 2027) sẽ triển khai trên diện tích 450ha. Giai đoạn 2, sẽ triển khai trong giai đoạn 2027-2050. Theo Đề án, Trung tâm sẽ thực hiện xã hội hoá để kêu gọi đầu tư ở 4 lĩnh vực: Xây dựng hạ tầng; Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ; Sản xuất, chế biến; Cung ứng dịch vụ xuất khẩu nông sản và tiêu thụ.

Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết: Sễ cố gắng hoàn thành Đề án vào tháng 6-2022 

Ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, chia sẻ: “Thành phố sẽ không làm được gì nếu không có sự tham gia của các tỉnh trong vùng, vì vậy Hội nghị nhằm lấy ý kiến chuyên gia và lãnh đạo các tỉnh để hoàn thiện Đề án trước khi trình Chính phủ phê duyệt”.

Hội nghị (HN) đã diễn ra trong không khí sôi nổi, thẳng thắn với những đóng góp của nhiều đại biểu. Ông Lê Văn Sử – Phó CT/ UBND tỉnh Cà Mau, cho rằng: Trong Quy hoạch vùng ĐBSCL vừa được Chính phủ phê duyệt, TP. Cần Thơ là trung tâm vùng, nhưng các địa phương cũng có trung tâm điều phối chuyên ngành như Kiên Giang có trung tâm điều phối về thủy sản, một số tỉnh có trung tâm trái cây, lúa gạo, tôm: "Vì vậy, đây sẽ là trung tâm của các trung tâm. Mà theo Đề án thì trung tâm này có chức năng chế biến sâu nông sản cả vùng. Rồi trung tâm ở các tỉnh có cần chế biến sâu không, khi mà Cần Thơ đã có chế biến sâu?" - ông Sử băn khoăn.

Phó CT/UBND tỉnh Sóc Trăng Vương Quốc Nam kiến nghị: Ngoài 4 lĩnh vực kêu gọi đầu tư nêu trên, cần thêm lĩnh vực hỗ trợ dịch vụ và kết nối thị trường để kết nối giữa Trung tâm tại Cần Thơ với các trung tâm tai các tỉnh,…  Cũng theo ông Nam, việc tổ chức thực hiện đề án rất quan trọng, vì vậy cần bổ sung cơ chế phối hợp cấp vùng, trong đó đề xuất Bộ NN-PTNT là cơ quan chủ trì.

Ông Trần Quốc Toản –  Phó Cục trưởng Cục  Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, đóng góp ý kiến

Đồng tình với Phó CT/UBND tỉnh Sóc Trăng, nhiều đại biểu cũng đề nghị Trung tâm nên có cơ chế phối hợp 13 địa phương vùng ĐBSCL vào Đề án này. Đặc biệt, Cần Thơ cần kiến nghị Chính phủ dành nhiều quan tâm để đầu tư, hoàn thiện mạng lưới giao thông của vùng, trong đó sớm thông luồng cho các Cảng đường thủy hoạt động (sớm nạo vét luồng Định An) và mở rộng sân bay Quốc tế Cần Thơ,… 

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN - PTNT Trần Thanh Nam, đi sâu phân tích ý nghĩa nhiều mặt của việc thành lập Trung tâm, nhằm nâng cao và phát huy thế mạnh của hàng nông sản, góp phần đẩy mạnh phát triển KT-XH toàn vùng. Thứ trưởng cho rằng: Các  trung tâm tại các tỉnh sẽ kết nối với Trung tâm  tại Cần Thơ để tạo thành một hệ thống đồng nhất trong hoạt động, gồm: Sản xuất – chế biến theo công nghệ cao – tiêu thụ (SX-CB-TT): “Chúng ta tiếp tục nghiên cứu thêm cơ chế liên kết này để các hoạt động không bị chồng chéo, cạnh tranh lẫn nhau, trong đó quan trọng là thành lập các tiểu ban và phân vai cho từng tiểu ban,… Để các lĩnh vực SX-CB-TT hoạt động nhịp  nhàng, chất lượng, phải có các Hiệp hội ngành hàng để điều tiết sản xuất. Trung tâm phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động. Thành lập sàn giao dịch, đấu giá thương mại để đưa sản phẩm nông nghiệp chất lượng vào chế biến, bảo đảm ĐBSCL luôn có đủ nguồn hàng đáp ứng nhu cầu xuất khẩu của các doanh nghiệp” – Thứ trưởng Bộ NN-PTNT nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường trân trọng tiếp thu và cảm ơn những ý kiến đóng góp của các đại biểu và cho biết: Sau HN này Cần Thơ sẽ tiếp tục tham vấn các ý kiến đóng góp của lãnh đạo UBND các tỉnh trong vùng, các Doanh nghiệp, các Hiệp hội, chuyên gia để hoàn thiện Đề án trình Chính phủ.

     Đan Phượng

Bài viết liên quan