Số điện thoại:0913081908
Email:tranhuy.giaothongketnoi@gmail.com
logo

Cần Thơ: Kiên quyết tổ chức di dời dân ở những khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn

Ngày 18-5, Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai - Tìm kiếm Cứu nạn TP.Cần Thơ tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Ông Nguyễn Ngọc Hè - Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, chỉ đạo các nhiệm vụ, biện pháp cần tập trung để chủ động PCTT và TKCN

Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Quí Ninh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi - Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN TP. Cần Thơ, cho biết: “Trên địa bàn TP. Cần Thơ, năm 2021 đã xảy ra 2 đợt sét đánh, 26 đợt mưa dông kèm lốc xoáy, 23 điểm sạt lở bờ sông, 1 đợt triều cường đạt mức 2,06m (trên mức báo động III: 0,06m). Ước tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trên 9 tỷ đồng (trong đó làm sập 8 căn nhà, ảnh hưởng 101 căn nhà. Sét đánh làm chết 3 người),… Trong những ngày triều cường dâng cao, các tuyến đường thuộc khu vực nội ô TP có công trình thấp đã bị ngập, gây trở ngại lớn cho nhiều hoạt động KT-XH, đặc biệt là kinh doanh, buôn bán, hoạt động giao thông, sản xuất, vệ sinh môi trường, và bộ mặt cảnh quan đô thị.

Để chủ động trong công tác phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, trong năm 2021, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN TP đã xây dựng và triển khai kế hoạch về công tác phòng, chống và tìm kiếm cứu nạn. Trong đó, Sở NN-PTNT đã tham mưu kịp thời UBND TP thống nhất chủ trương thiết lập các trạm đo mặn phục vụ công tác phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô. Theo đó TP thuê Đài Khí tượng Thủy văn (KTTV) Cần Thơ thiết lập 2 trạm đo mặn cố định và 1 trạm đo mặn lưu động trên sông Hậu thuộc phường Tân Phú, quận Cái Răng, giáp ranh tỉnh Hậu Giang.

Quang cảnh Hội nghị

Đài KTTV tổ chức đo đạc, giám sát, cảnh báo xâm nhập mặn tại các khu vực có nguy cơ bị ảnh hường xâm nhập mặn để hướng dẫn người dân lấy nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt phù hợp. UBND TP phân bổ 120 tỷ đồng vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 cho các dự án khẩn cấp phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, trong đó đã phân bổ 40 tỷ đồng để nạo vét, nâng cấp 4 tuyến kênh thủy lợi tạo nguồn nhằm phòng, chống, giảm nhẹ ảnh hưởng của hạn hán.

TP tổ chức cắm 100 biển cảnh báo sạt lở tại những khu vực dân cư, cơ sở hạ tầng quan trọng, các vị trí có nguy cơ sạt lở cao để người dân và chính quyền địa phương chủ động trong công tác phòng, chống.

Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Văn Sử, trình bày kế hoạch cơ cấu mùa vụ thích hợp đối với vùng thường xuyên bị ảnh hưởng của lũ, hạn mặn

Đặc biệt, bên cạnh các công trình kè bảo vệ bờ sông bằng bê tông cốt thép (đã đầu tư hoàn thành 6.000m kè bê tông, đang tổ chức thi công xây dựng trên 9.000m kè bê tông phục vụ phòng, chống sạt lở), Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN đã phối hợp các địa phương thực hiện gia cố trên 3.000m kè chống sạt lở bằng các giải pháp dân gian truyền thống (sử dụng cừ dừa, cừ bạch đàn, cừ tràm kết hợp rọ đá và vãi địa kỹ thuật). Thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện gia cố tại các vị trí sạt lở bằng các biện pháp dân gian này, với tổng chiều dài dự kiến khoảng 5.000m.

Theo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN, công tác phòng, chống thiên tai của Cần Thơ còn nhiều vấn đề cần khắc phục, như: Đội ngũ cán bộ làm công tác PCTT các cấp còn thiếu và chưa được đào tạo bài bản. Cơ sở hạ tầng công cộng, nhà ở của nhiều người dân chưa đảm bảo an toàn trước thiên tai, đặc biệt là các khu vực sơ tán dân. Phương tiện, thiết bị phục vụ cho công tác PCTT và TKCN còn rất hạn chế, thiếu về số lượng, chủng loại, đặc biệt là phương tiện TKCN trên sông lớn,…

Ông Nguyễn Quí Ninh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi - Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN TP. Cần Thơ, báo cáo công tác PCTT và TKCN

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Hè - Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, chỉ đạo nhiệm vụ, biện pháp cần tập trung để chủ động đối phó, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra. Trong đó các quận, huyện phải chấn chỉnh, khắc phục những mặt còn hạn chế, xây dựng phương án, nhiệm vụ trong năm 2022 sát với tình hình thực tế địa phương, đơn vị mình, có tính đến những yếu tố bất thường do biến đổi khí hậu. Cần tính toán chi tiết việc huy động lực lượng, phương tiện cơ giới để di dời dân nhanh chóng đến nơi trú ẩn an toàn khi xảy ra thiên tai. Chủ động ứng phó với thiên tai và nhanh chóng khắc phục hậu quả theo phương châm “Bốn tại chỗ”; Thực hiện hiệu quả các chính sách xã hội, làm tốt công tác cứu trợ và khắc phục hậu quả. Kiên quyết tổ chức di dời dân ở những khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn với mục tiêu lâu dài là giảm tải, giải phóng, trả lại sự thông thoáng của bờ sông, kênh rạch,… Tập trung huy động mọi nguồn lực để duy tu, gia cố đê bao ngăn lũ, nhất là các đoạn đê xung yếu, đảm bảo phục vụ ngăn lũ cho lúa, vườn cây ăn trái, vùng nuôi trồng thủy sản,…

      Đan Phượng

Bài viết liên quan