Số điện thoại:0913081908
Email:tranhuy.giaothongketnoi@gmail.com
logo

Cần Thơ: Hợp tác phát triển thị trường nông sản và du lịch nông thôn

Ngày 28-9, tại TP. Cần Thơ, sau một ngày làm việc, Hội thảo Quốc tế “Đầu tư phát triển thị trường nông sản khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và du lịch nông thôn” đã thành công tốt đẹp.

Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Nguyễn Văn Hồng, phát biểu tại HT

Hội thảo (HT) do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị (LHCTCHN) TP. Cần Thơ phối hợp cùng Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF/Đức) và Khoa Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ tổ chức. Đến tham dự có ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ; ông Nguyễn Trung Nhân - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Cần Thơ; GS.TS. Andreas Stoffers - Giám đốc Quốc gia FNF/Đức; bà Lê Thị Thanh Giang - Chủ tịch LHCTCHN TP. Cần Thơ; GS.TS Trần Ngọc Hải - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ; lãnh đạo các Viện, Trường, các Sở, ban ngành vùng ĐBSCL.

Hội thảo nhằm tạo cầu nối giữa các nhà khoa học, doanh (DN) gặp gỡ, trao đổi  kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thiết thực về thu hút đầu tư và phát triển thị trường nông sản cũng như du lịch nông thôn ở ĐBSCL, đặc biệt là tận dụng những thế mạnh vốn có của vùng; đồng thời mở ra cơ hội để DN tại TP. Cần Thơ và DN tại Đức tìm hiểu, trao đổi về tiềm năng hợp tác đầu tư, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Sự kiện còn đánh dấu cột mốc khởi đầu cho các hoạt động hợp tác nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu trong thời gian tới giữa LHCTCHN TP. Cần Thơ, Viện FNF/Đức và Trường ĐH Cần Thơ.

Ông Nguyễn Trung Nhân - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Cần Thơ, tặng quà lưu niệm cho GS.TS. Andreas Stoffers - Giám đốc Quốc gia FNF/Đức

Tại HT, các chuyên gia đã trình bày tham luận và thảo luận, xoay quanh các vấn đề: Giải pháp thị trường để bình ổn giá bán lúa cho nông dân. Sở thích của người tiêu dùng và sự sẵn lòng chi trả cho cam hữu cơ. Năng suất nhân tố tổng hợp của nông hộ trồng lúa trong cánh đồng lớn ở ĐBSCL. Hiệu quả kinh tế của hộ nuôi cá tra ở ĐBSCL. Tổng quan nghiên cứu về mối quan hệ giữa nhận thức về môi trường và hành vi có trách nhiệm với môi trường trong lĩnh vực cư trú. Tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp công nghệ cao ở TP. Cần Thơ. Phân tích các yếu tố marketing địa phương gắn với du lịch: Trường hợp TP. Cần Thơ. Tác động của hình ảnh điểm đến tới sự hài lòng của du khách nội địa đối với điểm đến du lịch Đồng Tháp.

Giáo sư Andreas Stoffers - Giám đốc Quốc gia FNF/Cộng hòa Liên bang Đức, nhấn mạnh vai trò điều phối, định hướng của chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy các DN kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp cần nhanh nhạy nắm bắt và tận dụng những hỗ trợ từ Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA). Trong đó, lợi thế từ niềm tin ngày càng tăng của các nhà đầu tư châu Âu đối với Việt Nam. Các công ty ở ĐBSCL trở thành đối tác thương mại hấp dẫn hơn đối với các nước thành viên EU. Trên cơ sở đó, ĐBSCL có cơ hội thu hút thêm các khoản đầu tư chất lượng cao từ EU, những cuộc chuyển giao kiến thức, đồng thời các công ty trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ được hưởng lợi từ hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao từ EU. Khi tận dụng được các lợi thế này, sẽ thúc đẩy sự hội nhập của ĐBSCL vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.

PGS.TS. Lê Khương Ninh – Trưởng Khoa Kinh tế, ĐH Cần Thơ, trình bày tham luận 

Để bình ổn giá bán lúa cho nông dân, PGS.TS. Lê Khương Ninh – Trưởng Khoa Kinh tế, ĐH Cần Thơ, nêu các giải pháp: Phát triển hệ thống kho ký gửi lúa (lúa cần được tồn trữ để điều hoà lượng cung sao cho tương thích với cầu ở mỗi thời điểm. Khi đó giá sẽ ít biến động và tránh bất lợi cho nông hộ). Thông qua kho ký gửi, chính phủ có thể tiếp cận thông tin chính xác hơn thông tin về lượng tồn trữ lúa trong hộ gia đình và các tác nhân khác trong chuỗi giá trị lúa gạo,… Bên cạnh đó cần phát triển thị trường đặt trước và thị trường tương lai và phát triển hoạt động bán lúa chung theo nhóm (như mô hình Hợp tác xã,…)

Về du lịch, các chuyên gia cho rằng, ngoài việc đa dạng loại hình du lịch, đa dạng sản phẩm, dịch vụ du lịch, cần kết hợp vào chuỗi giá trị nông sản, đặc biệt là phát triển du lịch nông nghiệp công nghệ cao. Điều này nhằm gia tăng trải nghiệm cho du khách, nâng cao thu nhập cho nông dân và đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn dựa trên thế mạnh về nông nghiệp của vùng.

Phát biểu tại HT, ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, cho biết: Với vai trò là trung tâm thương mại, dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, trung tâm y tế của vùng, đồng thời là đầu mối giao thương kinh tế  kết nối ĐBSCL với cả nước cũng như quốc tế, Cần Thơ luôn rộng mở chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư, đặc biệt là trong các lĩnh vực: Nông nghiệp; công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm; thương mại, dịch vụ và du lịch,…

Ông Nguyễn Văn Hồng tin tưởng trong thời gian tới, Viện FNF/Đức tiếp tục quan tâm hỗ trợ LHCTCHN TP. Cần Thơ nói riêng và thành phố nói chung, trong công tác đối ngoại nhân dân, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác trao đổi, xúc tiến đầu tư tại Cần Thơ với các đối tác và các DN Đức trên nhiều lĩnh vực, góp phần xây dựng và phát triển các mối quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm cùng Ban tổ chức

Đan Phượng

Bài viết liên quan