Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ, Chủ tịch MRBN, nhận định về những ưu điểm của năng lượng tái tạo
Hội thảo nhằm cung cấp cho các cơ quan chức năng và cộng đồng DN những thông tin mới về tác động của Biến đổi khí hậu (BĐKH) đối với ĐBSCL; Mối quan hệ giữa tác động của BĐKH và phát triển kinh tế. Cơ hội, rủi ro của các DN; Các giải pháp để liên kết giữa cơ quan chức năng và DN trong việc chủ động phòng, chống và thích ứng với BĐKH, phát triển kinh tế địa phương.
Theo số liệu của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (BĐKH), Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong những vùng bị tác động lớn nhất do BĐKH, đặc biệt là tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán, sụt lún, sạt lở,… đã diễn biến phức tạp trong những năm gần đây. Những tác động dễ nhận thấy là nhiệt độ mùa hè cao hơn bình thường, mùa mưa phân phối bất thường ở các địa phương. Các chuyên gia ước tính: Thiệt hại do BĐKH có thể lên đến 10% GDP của Việt Nam (tương đương 15 tỷ USD) giai đoạn 2007 – 2050.
Đại biểu dự Hội thảo
Để ứng phó với rủi ro thiên tai, một trong những giải pháp quan trọng là sử dụng điện từ năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời,… ) trong sản xuất, kinh doanh để giảm phát thải nhà kính, bảo vệ môi trường. Ông Nguyễn Văn Vy – Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, khẳng định: Doanh nghiệp (DN) sẽ đạt nhiều lợi ích khi thực hiện và phát triển năng lượng tái tạo (NLTT), cụ thể: Giúp giảm chi phí (đầu tư 1 đồng vốn cho sử dụng NLTT giúp giảm 4 đồng vốn cho phát triển nguồn và giảm các chi phí khác, đặc biệt là tiết kiệm chi phí mua điện); Giảm rủi ro trong cung cấp điện (nguồn điện bị ngừng khi mạng lưới truyền tải điện của EVN gặp sự cố); Nâng cao uy tín thương hiệu của DN; Cải thiện điều kiện làm việc cho nhân viên; Góp phần bảo vệ môi trường, chống BĐKH.
Vùng ĐBSCL có nhiều thuận lợi để thực hiện các nguồn năng lượng tái tạo. Theo nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), tiềm năng tổng công suất điện mặt trời của vùng có thể lên tới 136.275MW, lượng điện ước tính đạt 216,5 tỷ KWh/năm, nhiều gấp đôi so với 108 tỷ KWh/năm của 14 nhà máy nhiệt điện than dự kiến xây dựng trong vùng. Nhiều địa phương trong vùng đang dịch chuyển dần sang phát triển NLTT, đặc biệt là điện gió, điện mặt trời. Nhận định các doanh nghiệp (DN) có xu hướng sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất, Trưởng đại diện Quỹ Châu Á tại Việt Nam - ông Michael R. Digregorio cho biết: Ở Việt Nam có nhiều dự án chuyển than đá sang năng lượng không kêu gọi được các nhà đầu tư. Sự chuyển hướng của các công ty đầu tư chuyển sang nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, năng lượng mặt trời, pin trữ,... ), là do họ nhìn thấy cơ hội, khả năng cạnh tranh trong tương lai.
Kỹ sư Long Văn Nghĩa – Cty TNHH Thuỷ sản Long Mạnh, chia sẻ kinh nghiệm và hiệu quả về mô hình nuôi tôm công nghệ cao kết hợp điện mặt trời áp mái
Mặt khác, ĐBSCL đã có những DN tiến hành phát triển NLTT để phục vụ sản xuất, kinh doanh và đạt hiệu quả cao. Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ, Chủ tịch MRBN, nhận định: DN sử dụng năng lượng tái tạo góp phần thúc đẩy trách nhiệm xã hội, tăng cường uy tín và là cơ hội để quảng bá đến nhà đầu tư. NLTT giảm thiểu nguy cơ thiếu điện, giảm chi phí vận hành, góp phần ổn định lưới điện và thu hút các nhà đầu tư đến với ĐBSCL.
Tuy nhiên do chi phí đầu tư cao để xây dựng hệ thống điện mặt trời nên không dễ để nhân rộng giải pháp năng lượng tái tạo này. Ngoài ra Chính phủ Việt Nam chưa ban hành cơ chế mua - bán điện năng lượng mặt trời, lượng điện dư phải xả bỏ đã gây lãng phí rất lớn và là điểm nghẽn đối với những DN muốn thực hiện sản xuất xanh.
Tại hội thảo, các đại biểu thống nhất: Mong Chính phủ có những quy định kịp thời phù hợp với thay đổi của xu thế thị trường, nhu cầu của DN, người dân, góp phần giúp các DN phát triển bền vững, mở rộng thị trường xuất khẩu, qua đó góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương.
Đan Phượng