Số điện thoại:0913081908
Email:openskyhk@gmail
logo

Cần Thơ: Định hướng thực hiện chuyển đổi số trong quản lý đất đai

Ngày 24-3, Trung tâm Hợp tác Quốc tế Tin học hóa Nhật Bản (CICC), Công ty Fujitsu Việt Nam và TP. Cần Thơ phối hợp tổ chức Hội thảo Quốc tế (hình thức trực tiếp và trực tuyến với đầu cầu tại Hà Nội và Nhật Bản) về định hướng phương án cải thiện, nâng cấp hệ thống quản lý đất đai tại TP. Cần Thơ.

Ông Dương Tấn Hiển – Phó CT/UBND TP. Cần Thơ, phát biểu khai mạc

Hội thảo tổ chức trên cơ sở thực hiện Biên bản ghi nhớ thí điểm dự án hệ thống quản lý đất đai tại Cần Thơ giữa Sở Tài nguyên – Môi trường (TNMT) với Công ty TNHH Fujitsu Việt Nam về hợp tác trong lĩnh vực quản lý đất đai.

Phát biểu khai mạc, ông Dương Tấn Hiển – Phó CT/UBND TP. Cần Thơ, nhận định: “Đất đai cần phải được xác lập quyền sử dụng một cách rõ ràng, cụ thể, hợp pháp nhằm tạo cơ sở pháp lý để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho chủ sử dụng trong quá trình khai thác, sử dụng đất. Để đạt mục đích này, việc đăng ký quyền sử dụng đất và quản lý hệ thống đất đai chặt chẽ là hết sức cấp bách và cần thiết. Công tác quản lý đất đai của TP. Cần Thơ tuy đã đạt những kết quả nhất định nhưng cần tiếp tục học hỏi kinh nghiệm của Nhật Bản cũng như các nước tiên tiến trên thế giới để ngày càng hoàn thiện hơn,… Tôi xin chân thành cảm ơn các đơn vị Nhật Bản đã tích cực hỗ trợ, góp phần giúp Cần Thơ có định hướng để cải thiện, nâng cấp hệ thống quản lý đất đai”.

Ông Koichiro Urabe – Giám đốc điều hành CICC, khẳng định: Chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ để Cần Thơ thực hiện chuyển đổi số trong quản lý đất đai

Tại hội thảo, các chuyên gia Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm về cơ chế quản lý đất đai của Nhật Bản, như: Mục đích của chế độ đăng ký bất động sản, phát triển kinh tế và đăng ký bất động sản. Đăng ký nhà đất và xây dựng, thủ tục đăng ký quyền sở hữu khi mua bán. Cung cấp thông tin đăng ký biến động cho chính quyền địa phương,… Và báo cáo kết quả khảo sát của Đoàn chuyên gia về đất đai tại TP. Cần Thơ.

Đoàn chuyên gia đã đề xuất phương án cải thiện, nâng cấp hệ thống quản lý đất đai tại Cần Thơ với trọng tâm là xây dựng chính phủ điện tử tại địa phương, thực hiện chuyển đổi số trong quản lý đất đai.

Với 5 giải pháp, gồm: Liên thông dữ liệu (về đất đai, nhà cửa và quyền liên quan đến tài sản, nguồn gốc của đất đai và tài sản đó. Các số liệu về địa chính, dữ liệu quy hoạch sử dụng đất đai phục vụ công trình xây dựng hoặc các dự án, dữ liệu thuế nhằm nâng cao hiệu quả công việc và tăng cường dịch vụ một cửa,…). Xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê phù hợp với cơ chế, chính sách. Liên thông dữ liệu với các cơ quan khác và doanh nghiệp tư nhân. Công khai thông tin đất đai. Xây dựng môi trường làm việc từ xa, cho phép xử lý công việc tại nhà trong trường hợp khu vực bị phong tỏa không thể ra ngoài. Văn phòng đăng ký (VPĐK) đất đai có thể hỗ trợ từ xa trong trường hợp xảy ra thiên tai khiến VPĐK đất đai tại khu vực thiên tai không hoạt động được.

Các giải pháp này giúp nâng cao hiệu quả hành chính. Vận hành quản lý hành chính ổn định, đặc biệt là đảm bảo cuộc sống an toàn cho người dân qua việc công khai thông tin đất đai, góp phần giúp giao dịch bất động sản được an toàn. Giúp quy định mức bồi thường cho người bị thu hồi đất, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện đối với các dự án,…

Giáo sư TS. Đặng Hùng Võ đánh giá cao đề xuất về các biện pháp chuyển đổi số trong quản lý đất đai của Đoàn chuyên gia Nhật Bản

Giáo sư TS. Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT, đánh giá cao các giải pháp trên và nhấn mạnh: “TP. Cần Thơ rất cần thực hiện các giải pháp này để quản lý tốt, minh bạch đất đai. Điều này càng cần thiết và ý nghĩa khi Cần Thơ có vai trò là đầu tàu kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL – một khu vực rất quan trọng trong phát triển KT-XH của Việt Nam”.

Ông Đỗ Thanh Thảo – Giám đốc Sở TNMT TP. Cần Thơ (áo trắng, đứng giữa) cùng Đoàn chuyên gia Nhật bản và các đại biểu

Ông Đỗ Thanh Thảo – Giám đốc Sở TNMT TP. Cần Thơ, cho biết: “Sở TNMT sẵn sàng phối hơp cùng các chuyên gia Nhật Bản trong việc tham mưu cho UBND thành phố để cho phép thực hiện việc khảo sát về tình hình quản lý và vận hành khai thác cơ sở dữ liệu đất đai tại các quận, huyện, giúp Đoàn chuyên gia cụ thể hóa các nội dung cần hỗ trợ để giúp Cần Thơ quản lý đất đai tốt hơn”.

Theo kế hoạch, trước mắt, CICC và Công ty Fujitsu Việt Nam sẽ tài trợ kinh phí để Cần Thơ thực hiện thí điểm chuyển đổi số và liên thông các dữ liệu trong quản lý đất đai tại quận Ô Môn, quận Thốt Nốt và huyện Vĩnh Thạnh.

Đan Phượng

Bài viết liên quan